Có lẽ không một dân tộc nào giỏi "vượt lên số phận" như người Việt. Không sở hữu những nguyên liệu ẩm thực đắt tiền như cá hồi hay nấm truffle, nhưng ẩm thực Việt Nam vẫn sở hữu những món ăn sang chảnh bậc nhất, đến từ kĩ thuật nấu nướng tỉ mỉ cầu kì, cùng bề dày văn hóa đằng sau nó. Cũng chỉ là đậu, gạo, thịt, rau thông thường, người Việt đã nên thơ hóa chúng thành những món ăn đẹp từ trong ra ngoài, đẹp từ cái tên đẹp đi, đọc lên liền thấy một phẩm chất sang trọng ẩn chứa trong những điều dung dị.
Chả phượng
Thời xa xưa thì nem công làm từ thịt công thật. Chúng là những loài chim quý hiếm, khó bắt và chế biến, chỉ dùng để tiến vua. Vì thế món ăn được liệt vào hàng bát trân – tám thức quý nhất thiên hạ.
Nem công
Theo thời gian, người ta không thể vi phạm luật bảo vệ rừng mãi, vì thế thịt công cũng được thay bằng các loại đạm khác, nhưng không giảm đi độ ngon, khó lẫn sang. Hiện nay ở Huế, các nghệ nhân vẫn thực hiện món chả đuôi phượng và nem mình công – mô phỏng lại hình ảnh chim công, chim phượng cao quý. Đuôi phụng được kết từ loại chả có nhân giò sống và các loại rau củ, bọc bằng một lớp trứng tráng thật mỏng, khéo léo xếp lại giống như hình con phượng đang xòe đuôi rực rỡ. Nếu chả không "đứng dáng", trứng tráng không khéo và bị rách, thì món ăn cũng không đạt chuẩn.
Có lẽ bạn thường nghe xôi bát bửu, mứt tứ linh, nhưng chỉ biết nó kêu tai, nhưng không rõ ý nghĩa đằng sau là gì. Thực chất, bát bửu hay bát bảo là 8 vật báu trong thiên hạ. Tứ linh là 4 linh vật long-lân-quy-phụng góp mặt sâu rộng trong văn hóa phương Đông. Và người Việt đã chẳng ngần ngại dùng ngay những cái tên trân quý nhất để đặt cho món ăn của mình.
Trong ẩm thực, những nguyên liệu nào thuộc hàng bát bửu – tứ linh vẫn chưa có sự thống nhất. Tùy theo thời đại, triều đình mỗi thời mà hệ thống này có thay đổi ít nhiều, nhưng những món phổ biến nhất tới ngày nay vẫn là hạt sen, kim quất, kỉ tử, táo tàu,v.v…
Sự thật thứ nhất, bánh này chẳng có miếng đào nào. Sự thật thứ hai, nguyên liệu chính của nó chỉ là đậu xanh ngào đường mà thôi. Thế nhưng sự tài hoa của người Việt đã nâng cấp hai thực phẩm bình dân ấy lên một đẳng cấp khác, từ tên gọi, ngoại hình, đến hương vị.
Đậu xanh chọn loại ngon, nấu chín kĩ, ngào với đường thật nhuyễn mịn và nặn thành hình giống như quả đào tiên (miền Nam còn gọi là quả mận). Nhân bánh thường là một quả nho khô, sau đó nhúng qua một lớp rau câu đỏ rực óng ánh, nhìn qua không khác gì trái cây thật. Các loại "bánh trái cây" đủ màu sắc bạn nhìn thấy hiện nay chính là biến thể của bánh đào tiên. Nhưng theo truyền thống, bánh đào tiên còn cầu kì, cao quý hơn nhiều: Bánh được khéo léo buộc vào một cánh cây xanh tươi, mô phỏng y như đào thật, và chỉ dùng để tiến vua hoặc ban thưởng cho quan thần, cung phi.
Hoàng bào tức là áo dành cho vua, nhưng kì thực cái tên siêu cầu kì này được gợi cảm hứng từ… trứng. Cơm rang với các loại rau củ và thịt, thêm tương cà cho có màu đỏ đẹp mắt, rồi được khéo léo gói lại trong lớp trứng tráng mỏng. Khi ăn, cắt làm tư, phần cơm đủ màu hiển lộ dưới lớp trứng óng anh, giống như lớp hoàng bào của vua vậy.
Xuất xứ món ăn này cũng để tiến vua, nhưng ngày nay, nó có mặt khắp các nhà hàng và tương đối phổ biến so với các loại ẩm thực cung đình khác. Một món ăn hiếm hoi mà bạn có thể thử làm tại nhà, dù cái tên nghe rõ phức tạp.
Sương sa hạt lựu, tựa như hạt sương mà cũng tựa như những viên ngọc đỏ, đó chính là cái tên của món ăn kèm trong nhiều thức chè Việt Nam ta. Nghe cái tên "kiêu" là thế, nhưng "sương sa hạt lựu" ở đây chỉ đơn giản là bột năng vo viên nhỏ, hoặc những khối khoai xắt hạt lựu bọc trong một lớp bột năng, khi nhai nghe dai dai sần sật. Đây là món chè khoái khẩu của nhiều người Việt Nam, nhất là đối với trẻ con do màu sắc xinh đẹp, bắt mắt. Sương sa hạt lựu còn thường được ăn cùng với các món như bánh lọt. Được biết, thực ra món chè này cũng không phải chè truyền thống của Việt Nam mà được du nhập sang từ các nước Đông Nam Á, tuy nhiên chỉ có ở Việt Nam thì nó mới có cái tên nghe "kiêu" ơi là "kiêu" như thế này.