Người phương Đông dường như có một năng khiếu thiên phú: nâng tầm cái bình thường trở thành tinh hoa. Nếu Nhật Bản có nghệ thuật làm bánh wagashi đầy tinh tế, thì người bạn Hàn Quốc cũng có quyền tự hào với loạt bánh làm từ bột gạo của mình. Đặc điểm chung của chúng đều là cầu kì, xinh đẹp, tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật, khiến người ta quên đi nguồn gốc và nguyên liệu hết sức một mạc của nó.
Bột gạo là món dung dị ở Hàn Quốc. Thời xưa, nhà nào gặt nhiều gạo quá không ăn hết, sẽ đem tới những vựa xay gần đó (mà thời ấy nhiều vô số kể!), trả một số tiền nhỏ làm công, nhờ xay ra bột gạo. Bột gạo Hàn tuy bản chất không có gì cao sang, nhưng vẫn có những phẩm chất rất đặc trưng: mịn, giàu độ ẩm, khiến các loại bánh gạo truyền thống Hàn Quốc dẻo và dai không lẫn vào đâu được.
Qua bàn tay nhào nặn của những nghệ nhân tài hoa, bột gạo giản dị biến thành loạt bánh đẹp "quên sầu" dưới đây:
Bánh có vỏ bột gạo, nhân đậu đỏ và đường, vo tròn lại rồi thả vào nồi nước đang sôi sùng sục, từ đó giúp bánh nở tròn đều, căng bóng ngon mắt. Sau đó những viên bánh gạo này sẽ được phủ dừa và tạo màu tự nhiên từ trà xanh, vừng đen,… Một hộp bánh gạo sẽ có khoảng chục chiếc đủ màu sắc, thoạt nhìn như một hộp chocolate cao cấp.
Tên của bánh là chiết tự từ cụm từ "Bông tuyết trắng xốp". Quả thực chiếc bánh xinh xắn thanh tao này trong như một bông tuyết đầu mùa, và để làm ra nó, người ta buộc phải dùng loại nồi đất nung truyền thống tên là siru để giúp điều tiết hơi nước, không làm ẩm bánh và khiến bánh đổi màu. Màu trắng muốt của Baekseolgi không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt thẩm mỹ mà cả văn hóa: Người Hàn tin rằng màu trắng tinh khôi sẽ đem lại may mắn và thuận lợi cả năm cho bất kì ai sở hữu.
"Visual" của làng bánh gạo đích thị là đây! Nguyên liệu không khác những người anh em trên kia là mấy – bột gạo loại ngon thêm chút rượu ủ đậm đà – nhưng trên bề mặt Jeungpyeon là những tác phẩm nghệ thuật thật sự. Người ta dùng táo tàu, hạt dẻ, hạt thông,… để "vẽ tranh" trên mặt bánh rồi đem hấp trong xửng. Các hình ảnh có thể là hình hoa lá, cây cảnh, chim muông, rất chi tiết và tinh tế, đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ từng chút một. Vì vậy, chiếc bánh tuy nhỏ xíu và đơn giản nhưng có thể tốn tới 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành.
Nữ tính từ cái tên, ngoại hình và màu sắc xinh xắn của Songpyeon có thể dễ dàng hạ gục bất kì tâm hồn ăn uống nào. Những chiếc bánh nhỏ nhắn, trông như một vầng trăng tí hon này được ví như gói cả đất trời mùa thu bên trong, với phần nhân sử dụng những nguyên liệu đặc trưng của mùa thu gồm đậu đỏ, hạt dẻ, hạt thông,… Đến nay, chúng vẫn rất đươc ưa chuộng tại Hàn Quốc. Mỗi mùa Trung thu, Songpyeon trở thành món ăn quốc dân với ngày một nhiều sáng tạo về mặt hình thức hơn: đa dạng màu sắc, kết cấu, và còn đôi khi được điểm xuyến bằng những cánh hoa cầu kì thơ mộng.
Dù là một đất nước "tạo trend" số hai không ai dám nhất, nhưng người Hàn vẫn hết mực trân trọng những giá trị truyền thống. Sự tồn tại bền vững của những loại bánh gạo đơn sơ là một ví dụ điển hình. Theo thời gian, chúng càng được nâng cấp cho đẹp hơn, tinh xảo hơn, góp phần gìn giữ một vẻ đẹp rất dung dị và trang nhã bên dáng vẻ hào nhoáng, hiện đại thường thấy của đất nước củ sâm.