Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới

Bơ Spiderum, Theo Thời Đại 00:00 05/10/2017

Ở một số trường tại Việt Nam, học sinh không được nhuộm tóc, không được vuốt keo, không được giẫm lên bồn cây… Nhiều người than phiền rằng, đó là những quy định “o ép chồi non” của đất nước. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, liệu ở các nước khác, các hình phạt có nghiêm khắc như ở Việt Nam hay có phần đáng sợ hơn chưa?

Dưới đây là một số hình phạt về cả thể chất lẫn tinh thần nghe-đã-thấy-rợn-người từng hoặc vẫn đang được áp dụng cho bao lứa học trò tại các nước trên toàn thế giới:

Hình phạt thể chất: Đòn roi chưa phải kinh khủng nhất

Ở Mỹ và các nước phương Tây, cơ thể học sinh xuất hiện một vết thâm tím dù nhỏ cũng có thể trở thành lý do kiện tụng. 

Nhưng đối với Hàn Quốc, chuyện đòn roi đến từ giáo viên hay quan điểm "thương cho roi cho vọt" vẫn tồn tại ngàn đời nay. Trong bộ phim "Reply 1997", Yoon Jae đã bị anh ruột, cũng là giáo viên chủ nhiệm của anh chàng, quật vào lưng thật nhiều đòn roi bằng thước kẻ chỉ vì giơ nắm đấm ra dọa bạn trong giờ học thêm buổi tối. 

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 1.

Trong bộ phim "Reply 1997", Yoon Jae đã bị anh ruột, cũng là giáo viên chủ nhiệm của anh chàng, quật vào lưng thật nhiều đòn roi bằng thước kẻ chỉ vì giơ nắm đấm ra dọa bạn trong giờ học thêm buổi tối.

Quả thực, tại Hàn Quốc, những tội vặt như không làm đủ bài tập, không dọn vệ sinh, nói chuyện riêng trong lớp học,... cũng đủ để các em học sinh chịu roi vọt. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng quan niệm ngàn đời này của Hàn Quốc luôn khiến hầu hết các em "tâm phục khẩu phục" bởi lý do đơn giản: Mắc lỗi thì phải chịu phạt.

Tại Mỹ, đòn roi được coi là hình phạt hợp pháp tại 19 bang trên nước Mỹ. Một nữ sinh 19 tuổi có tên Taylor Santos buộc phải chọn bị đánh để không bị phạt nghỉ học 2 ngày sau khi giáo viên phát hiện cô chép lại bài tập của bạn mình. Mẹ của cô nàng đã vô cùng nổi giận khi biết được chính thầy Phó Hiệu trưởng của ngôi trường là người đã thực hiện hình phạt "đánh mông" này với con gái bà.

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 2.

Tại Mỹ, đòn roi được coi là hình phạt hợp pháp tại 19 bang trên nước Mỹ.

Tuy nhiên, đòn roi chưa phải là hình phạt kinh khủng nhất về thể chất mà học sinh phải gánh chịu. Một số học sinh không vâng lời tại Trung Quốc hay Philippines còn phải quỳ gối trên những hạt đậu Hà Lan và để lại những vết lằn suốt mấy ngày trời. Thậm chí, những hạt đậu này còn chẳng chịu ở trạng thái bình thường, chúng được đem đi… đông lạnh trước khi cho xuống chân của "kẻ phạm tội".

Bên cạnh đó, các hình phạt liên quan đến ăn uống luôn là những hình phạt đáng sợ nhất tại các trường học. Nếu kiện cáo thầy cô và nhà trường vì những hình phạt này, bạn hoàn toàn có thể thắng lớn bởi rất nhiều trong số vụ việc đó đã xâm phạm thô bạo vào quyền con người.

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 3.

Một số học sinh không vâng lời tại Trung Quốc hay Philippines còn phải quỳ gối trên những hạt đậu Hà Lan và để lại những vết lằn suốt mấy ngày trời.

Một học sinh lớp 5 của Trường Charles Sumner ở bang New Jersey (Mỹ) đã buộc phải ăn trưa trên sàn căng-tin dơ bẩn trong vòng 2 tuần vì đã làm đổ nước ra sàn nhà. Giáo viên thậm chí còn cảnh cáo em không được kể với bất kỳ ai nếu không muốn hình phạt này kéo dài thêm. Ngoài cậu bé này, tất cả các học sinh không đi học vào ngày hôm đó cũng phải chịu chung hình phạt. Cuối cùng, một số phụ huynh đã khởi kiện lên toà án và nhận được 500.000 USD tiền bồi thường.

Hình phạt tinh thần: Ngoài bắt chia tay khi hẹn hò, còn điều gì đáng sợ hơn?

Hẳn bạn từng nghe tới nhiều trường hợp như nếu cô giáo bắt gặp học sinh yêu đương trong khuôn viên trường học thì đương nhiên vụ việc này sẽ được nhà trường báo cáo với phụ huynh để "can thiệp". Những vụ việc đó thường xuất phát từ quan niệm cổ hủ và cũ kỹ của các giáo viên và không phải là quy định chính thức của nhà trường.

Tuy nhiên, tại ngôi trường Horikoshi Gakuen (Nhật Bản) - nơi chỉ dành cho các em học sinh nổi tiếng hoặc giàu có, nội quy "ép các cặp đôi chia tay" là chính thức. Cùng với đó, những quy định về việc gặp gỡ giữa nam và nữ, giữa học sinh và giáo viên tại ngôi trường này cũng rất nghiêm ngặt. 

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 4.

Tuy nhiên, tại ngôi trường Horikoshi Gakuen (Nhật Bản) - nơi chỉ dành cho các em học sinh nổi tiếng hoặc giàu có, nội quy "ép các cặp đôi chia tay" là chính thức.

Chẳng hạn như, nam và nữ không được đứng cùng một hàng, nếu đi cùng nhau một cách thân thiết sẽ bị giáo viên cảnh cáo lần một. Sau lần thứ hai bị phát hiện, nam sinh và nữ sinh này sẽ bị đuổi học. Bên cạnh đó, học sinh và giáo viên tại trường này cũng có lối đi riêng để tránh những nảy sinh tình cảm không cần thiết. Và tất nhiên, nhuộm tóc, xỏ lỗ tai, đeo khuyên hay trang điểm tại trường Horikoshi cũng là điều cấm kỵ tại đây, kể cả với học sinh là người nổi tiếng.

Nhưng chia cách về tình cảm chưa hẳn đã nhục nhã bằng việc thầy cô sẽ "giáo huấn" bạn giống một vật nuôi nếu bạn không nghiêm chỉnh chấp hành nội quy. Một trong những hình phạt kỳ lạ nhất phải kể đến đó chính là chiếc vòng "cone of shame" (tạm dịch là: chiếc vòng xấu hổ). Đây là vũ khí lợi hại và khá oái ăm của cô giáo Laurie Bailey khi đánh trúng vào tâm lý sợ xấu hổ của học sinh.

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 5.

"Cone of shame" (tạm dịch là: chiếc vòng xấu hổ) là vũ khí lợi hại và khá oái ăm của cô giáo Laurie Bailey khi đánh trúng vào tâm lý sợ xấu hổ của học sinh.

Sau khi xem bộ phim hoạt hình đình đám "Up", Laurie Bailey - một giáo viên ở Florida đã nghĩ ra một hình phạt vô cùng oái oăm là cho học sinh của mình đeo "cone of shame". Chiếc vòng vốn chỉ dành cho những chú chó nhằm ngăn chúng cắn nhau hoặc không liếm vào những vết thương của chúng, giờ lại được sử dụng để đeo cho những học sinh có hành vi không nghiêm chỉnh trong lớp học. Sau khi hình ảnh các học sinh bị phạt được chia sẻ trên Facebook, giáo viên này đã bị chỉ trích và có nguy cơ bị đuổi việc. 

Phạt thể chất là một chuyện, nhưng chuyện nó có ảnh hưởng đến tinh thần không lại là vấn đề khác. Nhốt trong phòng tối là trải nghiệm kinh khủng nhất đời học sinh đối với những ai đã từng trải qua cảm giác này. Đôi khi, chúng ta chơi cùng nhóm bạn và vô tình bị nhốt trong một không gian chật hẹp. Ban đầu, các em sẽ thấy sợ, dần dần là cảm giác ngột ngạt và bí bách cả về thể xác lẫn tinh thần. Ấy thế mà, rất nhiều học sinh còn bị chính giáo viên của mình phạt bằng hình phạt ghê rợn này. 

Tại Houston, bang Texas (Mỹ), một giáo viên đã từng bị sa thải vì nhốt các học sinh của mình trong tủ đựng đồ. Chỉ vì cười nói trong lúc cô kể chuyện về những con quái vật trốn trong tủ quần áo, cậu bé Kelon Chaney (4 tuổi) cùng 3 đứa trẻ khác đã bị cô giáo này áp dụng một hình phạt rất-liên-quan. Kết quả, cả 4 đứa trẻ đều bị chấn thương tâm lý nặng nề.

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 6.

Tại Houston, bang Texas (Mỹ), một giáo viên đã từng bị sa thải vì nhốt các học sinh của mình trong tủ đựng đồ.

Chưa hết, cũng tại Mỹ, một học sinh 7 tuổi ở bang Arizona đã bị nhốt cả ngày trong phòng tối. Tần suất này có khi lên đến 4 lần trong một tuần và thậm chí không được dùng nhà vệ sinh. Một căn phòng kinh khủng khác ở bang Connecticut còn được thường xuyên lau dọn để làm sạch những vết máu và nước tiểu các học sinh để lại. Nhiều thông tin cho rằng, một học sinh đã từng tự tử khi bị nhốt trong những căn phòng như thế này.

Những hình phạt tinh thần suy cho cùng đều xuất phát từ tình yêu thương của thầy cô dành cho học sinh, bởi từ tâm giáo viên nghĩ rằng, hình phạt đó có ích cho học sinh, giúp học sinh nên người. Tuy nhiên, ở nhiều tình huống, các em học sinh lại không cảm thấy "tâm phục, khẩu phục" với các hình phạt này. 

Ám ảnh với những hình phạt đáng sợ dành cho học sinh trên khắp thế giới - Ảnh 7.

Tinh thần chung của các giáo viên tại Anh và một số nơi tại Mỹ là khuyên răn, động viên, khuyến khích và hỗ trợ các em học sinh trước những hành vi chưa đúng đắn.

Ở rất nhiều trường trung học nước Anh, việc sỉ nhục nhất đối với học sinh đó chính là bắt các em đứng góc lớp. Nếu giáo viên áp dụng biện pháp này dành cho các em thì họ đã vi phạm nhân quyền. Một khi gây rối quá mức, các em sẽ bị mời lên văn phòng để chép bài. Trong thời gian đó, giáo viên phải ngồi cùng với học sinh chịu phạt và tuyệt đối không để các em ở một mình.

Tinh thần chung của các giáo viên tại Anh và một số nơi tại Mỹ là khuyên răn, động viên, khuyến khích và hỗ trợ các em học sinh trước những hành vi chưa đúng đắn. Một sự thật thú vị là ⅓ giáo viên trung học ở Anh không tự tin trong việc dùng quyền của mình để kỷ luật học sinh. 

Chính vì vậy, tất cả đều phải tôn trọng tuyệt đối các quy định pháp luật lẫn các nguyên tắc giáo dục. Thay vì sử dụng các hình phạt "sỉ nhục" như đứng góc lớp, bắt các em lao động công ích như lau bảng, quét sàn, đổ rác,... là điều được khuyến khích. Đây cũng là cách giáo viên tại rất nhiều nơi trên Anh và Mỹ dạy học sinh của mình cách chịu trách nhiệm với những gì mình làm.