Với tư cách là khán giả của một chuyện tình - hay súc tích hơn là mối quan hệ thú vị giữa Alex và Tigre - mà ai cũng gai góc cá tính, người viết dám khẳng định hiện tại của cả hai chính là giao điểm của những ngã rẽ tuy vòng vèo mà cũng đầy chắc chắn.
Alex, hay Lê Anh Vũ, tựa một con chiên của thời trang và ắt do chính thời trang lựa chọn để khôi phục, dẫn dắt và truyền bá một hệ tư tưởng giống như trong "kinh thánh". Xuất phát điểm của anh chàng là đường băng runway với những y phục từ giới thiết kế tân thời nhất - dị vực nhất, chễm chệ trên kha khá ấn phẩm trước khi mày mò sang ngạch stylist và hiện tại đã vươn tới chức danh creative director của một tạp chí quốc tế đang có mặt tại Việt Nam.
Con đường của Tigre thì có ngoằn nghèo hơn đôi chút. Giống như vài câu chuyện cổ tích, thứ anh chàng đang giấu kín hay chí ít không muốn trưng trổ để câu dẫn sự chú ý, chính là giọng hát và gia thế. Sinh ra trong một gia đình được bao phủ bởi âm nhạc lẫn hào quang của huyền thoại Trịnh Công Sơn, Tigre thừa nhận rằng ca sĩ mới chính là giấc mơ đầu đời của anh chàng.
Báo giới từng nhắc đến Tigre từ nhiều năm trước nhưng với tên thật: Trần Thế Thể Thiên. Và giờ đây, chúng ta có Tigre của hiện tại: một stylist ngạo nghễ phất lá cờ đầu của Gen Z, kiến tạo nên những sản phẩm chưa mấy ai từng hình dung tới, vững bước cùng Suboi và Châu Bùi trên con đường độc đạo lắm khen chê nhưng cũng đầy thăng hoa. Bên cạnh đó, một loạt những cái tên như Noo Phước Thịnh, Tlinh, Đức Phúc,... cũng trở nên nổi bật hơn qua bàn tay tài nghệ của Tigre.
Họ của hiện tại, là nhân đôi của tổng hòa giữa Millennials và Gen Z, là những suy nghĩ hết sức thẳng thừng nhưng cũng chẳng thiếu suy đoán sâu sắc cho viễn cảnh của thời trang Việt.
Và chúng ta hôm nay ở đây là để nghe họ nói.
Alex x Tigre trả lời câu hỏi về 1 loạt cái tên đình đám Vbiz
"Không riêng thời trang, tất cả các ngành nghề khác đều có phần trăm rất lớn tầng lớp 'nắm đầu' thuộc cộng đồng LGBT+"
Nhiều người nghĩ rằng kể từ khi "couple" với nhau dường như thời của cả hai tới hơi nhanh?
Alex: Không có nhanh nha vì mình cũng đã 30 rồi haha.
Tigre: Nếu nói là thời thì Tigre nghĩ là vẫn chưa tới với mình đâu, nhưng cũng… nhanh thật. Những cơ hội mình được nhận hay niềm tin mà mọi người dành cho mình quả là rất may mắn.
Về phần Tigre, sức nặng của danh xưng "cháu trai Trịnh Công Sơn" đã bao giờ khiến bạn thấy chùn bước với sự lựa chọn của bản thân?
Tigre: Không chỉ riêng Tigre mà với cả gia đình, danh xưng đó vốn là một áp lực rất lớn. May mắn là gia đình luôn thoải mái để mình đi theo bất kể ngành nghề nào bản thân thấy thích. Nhưng Tigre cũng biết là mẹ luôn mong muốn mình lựa chọn âm nhạc, lâu lâu lại hỏi là "đã muốn đi hát chưa?" hay "làm nhạc lại chưa?".
Trong công việc thì creative director thường là người "nắm đầu" stylist, vậy còn trong chuyện tình cảm thì sao?
Alex: Dù là công việc hay tình cảm cá nhân, đã ở bên nhau thì không ai nên "nắm đầu" ai. Thay vào đó chúng ta nên trân trọng giá trị riêng của mỗi người.
Mình được biết Alex đã nhiều năm gắn bó với thế giới tạp chí. Vậy sự phát triển của công nghệ số và Covid có phải là những yếu tố khiến thế giới tạp chí suy yếu và đánh mất vị thế xưa?
Alex: Đó là quy luật vạn vật thôi.
Nếu không vì Covid thì thế giới tạp chí cũng sẽ thoái trào vì nhiều nguyên do khác, chẳng hạn như thói quen của độc giả. Nhưng sau cùng muốn tồn tại được thì phải thích nghi. Tạp chí có không in nữa thì chuyển sang phiên bản digital. Tuy nhiên ở tạp chí vẫn duy trì được nhiều lợi thế bất biến như kỹ thuật in ấn hay giá trị sưu tầm. Suy cho cùng vẫn luôn có hướng đi cho thế giới tạp chí, vấn đề nằm ở việc chúng ta có nắm bắt được thời thế hay không.
Trong tình hình hiện tại, chúng ta có thể hình dung thời trang Việt Nam ra sao nếu làn sóng "tẩy chay" các thương hiệu quốc tế bị đẩy lên cao trào?
Alex: Từ khi làn sóng còn manh nha thì mình có đọc được một quan điểm trên mạng: Dù thương hiệu phải chịu trách nhiệm thì mình cũng cần tìm rõ nguồn cơn tác động lên chính thương hiệu đó. Chỉ chăm chăm tấn công những thứ bề mặt trước mắt là thiển cận, không mang lại lợi ích lâu dài.
Bên cạnh đó, ngoài quyền lợi khách hàng được áp dụng trong chiến lược tẩy chay thì Alex cũng nghĩ rằng bản thân mỗi người chúng ta phải trở nên mạnh hơn, giàu hơn, giỏi hơn. Đã đánh là phải mạnh và đã trị thì nên trị tận gốc.
Liệu kết quả của làn sóng "tẩy chay" có khiến giới tạp chí nội địa chênh vênh?
Alex: Chắc chắn rồi. Và không chỉ riêng tạp chí, mọi ngành công nghiệp của Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng.
Bởi thời trang không chỉ giới hạn trên những trang tạp chí hoa mỹ mà nó còn thúc đẩy kinh tế nội địa, cuộc sống của hàng vạn nhân công và thậm chí cả một nền du lịch. Chính vì vậy cứ đâm đầu tấn công những thứ trước mắt là một động thái không khôn ngoan.
Có người bảo thời trang là lãnh địa của LGBT+, thực tế có đúng vậy không?
Tigre: Chắc không riêng thời trang đâu, tất cả các ngành nghề khác đều có phần trăm rất lớn tầng lớp "nắm đầu" thuộc cộng đồng LGBT+.
Alex: Mình thì có quan điểm khác bởi vùng đất nào cũng có mảng miếng cho nhiều người cùng khai thác. Tất nhiên ở một số địa hạt thì LGBT+ có lợi thế hơn, nhưng cũng đâu thiếu các bạn "thẳng" sở hữu góc nhìn đa chiều? Chẳng qua các bạn đủ tự tin để nới rộng tư duy hơn nhằm thúc đẩy sáng tạo và làm đẹp hay không.
Tigre và Alex thẳng thắn đối mặt với những câu hỏi siêu oái oăm
“Có rất nhiều người trước kia đã bị ảnh hưởng bởi phong cách của chị Mỹ Tâm 20 năm trước và cũng chưa chắc 10 năm sau BLACKPINK vẫn còn là một trend-setter”
Đã thành thông lệ, trên thế giới cứ Pop-star hay Influencer nào đang lên là y như rằng style của nhân vật đó được nhân bản khắp Vbiz. Thế có gọi là "cosplay" không?
Tigre: Đó gọi là "lazy-styling" (lười biếng trong việc tạo dựng phong cách) thì đúng hơn.
Alex: Cũng là một kiểu học hỏi. Thị trường bên mình còn mới nên không tránh được. Nhưng Alex cũng đã thấy nhiều bạn trẻ từ chỗ học hỏi để phát triển thành một dấu ấn của bản thân. Đó là một tín hiệu tốt.
Mình từng đọc một chủ đề trên mạng là "Một nhân vật mặc xấu nhưng họ không biết nó xấu" và có không ít bình luận hiện lên: "Châu Bùi của hiện tại". Tigre có muốn phản biện?
Tigre: Khi nói về gu thẩm mỹ thì thật khó để bàn cãi. Nhưng nếu phải quăng vào cuộc phân định giữa thị hiếu của công chúng hay giới chuyên môn thì Tigre sẽ chọn sự công nhận của các nhãn hàng.
Đúng là có ý kiến cho rằng Châu Bùi giờ không chất bằng ngày xưa, nhưng ít ai biết hiện ở Châu đã có những rào cản mang tính thương mại. Các nhãn hàng sẽ khó chấp nhận một Châu sexy táo bạo hồi mấy năm trước. Mỗi bộ đồ mà team mình styling cho Châu đều phải tính toán kỹ để cân bằng giữa thị hiếu đại chúng, tính thương mại và sự sáng tạo.
Mình cũng được biết Alex đã từng cộng tác với ca sỹ Mỹ Tâm trong một thời gian đủ dài nhưng cho đến hiện tại, cô vẫn bị nhận xét là chông chênh trong định hướng và chỉ đi theo những gì đã có sẵn (chẳng hạn như phong cách của BLACKPINK)?
Alex: Chị Tâm đã đạt đến vị thế của một nghệ sĩ lan tỏa cái đẹp bằng tâm hồn và khán giả yêu chị cũng bởi điều đó. Tính chị Tâm "bay" lắm nên nhiều thể nghiệm, có cái thành công cũng có cái thất bại là dĩ nhiên.
Và hơn hết, chị Tâm là một Vocalist thuần túy chứ không hẳn Entertainer. Bây giờ có thể là thời đại của những nghệ sĩ giải trí trẻ như BLACKPINK nhưng nếu quay ngược về thập niên trước, chính chị Tâm cũng là một biểu tượng thời trang với áo sơmi trắng + quần jeans + tóc nâu môi trầm - rất đời, rất mộc mạc. Có rất nhiều người trước kia đã bị ảnh hưởng bởi phong cách của chị Tâm 20 năm trước và cũng chưa chắc 10 năm sau BLACKPINK vẫn còn là một trend-setter.
Cuối cùng mình cũng nghĩ chúng ta nên học hỏi ở chị Tâm cách cư xử. Nếu xét về đạo đức nghề nghiệp thì chị mãi là tấm gương đối với lứa nghệ sĩ trẻ. Chỉ tiếc là quỹ thời gian không cho phép mình đồng hành với chị dài lâu.
Có thành công ắt cũng có lúc "failed". Vậy nếu sản phẩm của các bạn bị đem ra so sánh với giọng điệu châm biếm giễu cợt bởi các trang, các nhóm trên mạng xã hội thì các bạn sẽ phản kháng ra sao?
Alex: Cả hai chúng mình đều đã trải qua điều đó. Điều cần thiết là công bằng với bản thân. Bản thân Alex cũng đã từng có những sai lầm chí mạng. Sai thì sửa thôi, đời còn dài mà. Nếu có đủ thời gian và cơ hội để chứng minh thực lực bản thân thì chê bai không phải điều xấu xa hay to tát.
Vậy nếu một người quen lỡ tay bấm "like" bài viết bôi xấu bạn trên mấy trang đó thì sao?
Alex: Tính mình cực đoan, nên ai bấm "like" thế là "block" hết!
Tigre: Nói không phải thảo mai chứ trước giờ mình ít "block" người ta. Có lỡ xảy ra thì cũng mò vào hỏi xem ra sao, vv và vv. Đấy là người thân thôi, còn người lạ thì kệ.
“Các cuộc thi sắc đẹp không hề giúp thúc đẩy nền thời trang Việt”
Chúng ta sẽ đến với một chủ đề năm nào cũng nhan nhản: thi nhan sắc. Câu hỏi là những cuộc thi sắc đẹp với hàng tá nhà thiết kế danh tiếng tham gia có góp phần giúp nền thời trang Việt Nam phát triển hơn không?
Tigre: Quan điểm thẳng thắn là không. Với mình thì những kiểu đầm dạ hội để thi sắc đẹp không có gì táo bạo hay mới mẻ sáng tạo. Tigre đặt hy vọng hơn ở các bạn sinh viên thời trang thế hệ mới. Đó mới là những nhân tố sẽ thúc đẩy nền thời trang Việt Nam.
Alex: Đúng hơn là họ sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Hình ảnh Việt Nam được đưa ra thế giới bằng những nhan sắc, du lịch cũng theo đó mà phát triển là một cái hay. Còn về thời trang thì các cuộc thi này đơn giản là không thúc đẩy.
Nhưng chính các bạn sinh viên thời trang cũng rất háo hức tham gia những cuộc thi nhan sắc, chẳng hạn như gửi bài dự thi về trang phục dân tộc?
Tigre: Cá nhân mình không nghĩ đó là con đường đúng cho lắm. Mình không đánh giá cao những bộ trang phục mô phỏng xích lô hay bánh mì.
Alex: Mình thì nghĩ đó là một kinh nghiệm tốt cho các bạn sinh viên. Hiện tại chúng ta đang thiếu các cuộc thi về thời trang trong khi các cuộc thi nhan sắc thường cần những nhân tố mới để giúp tô điểm cho họ, tạo nên mối quan hệ tương sinh. Ở độ tuổi sinh viên các bạn nên trải nghiệm càng nhiều càng tốt, thi được thì cứ thi cho vui nhưng quan trọng là sau đó rút ra được bài học gì.
Các sản phẩm của Alex + Tigre thường tích hợp nhiều nền văn hóa. Vậy sự khác biệt giữa việc lấy cảm hứng từ một nền văn hóa khác và chiếm dụng văn hóa là gì?
Tigre: Lấy cảm hứng là điều đương nhiên nhưng chiếm đoạt là chuyện khác.
Cụ thể như black culture (văn hóa người gốc Phi) vốn có một lịch sử rất đau thương vì bị kỳ thị từ cách tết tóc cho đến ăn mặc, thế nhưng tới thời điểm hiện tại thì nhờ những siêu sao như Kim Kardashian mà lối phục sức đó được công nhận hơn. Đó là sự bất công với cộng đồng người da màu. Hàng trăm năm nay họ bị phân biệt đối xử vì gìn giữ bản sắc, vậy mà đến khi một người da trắng hay ai đó địa vị cao coi đó như xu hướng thời trang thì văn hóa của họ mới được chấp nhận.
Nhưng như lẽ thường, ranh giới lại rất mong manh?
Alex: Để nhận thức ranh giới thì chúng ta cần được giáo dục. Thế hệ Millennial như Alex hầu hết chưa đủ cởi mở để tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa khác nhau. Bản thân mình đến khi quen Tigre mới được "khai sáng" về vấn đề này.
Nói không đâu xa lạ, ở Việt Nam có nhiều ekip hay bôi da đen cho người mẫu để chụp hình. Đó là một trong những cách chiếm đoạt màu da của người Phi nhưng chẳng mang lại lợi lộc gì cho họ.
Tigre: Và quan trọng là tới nay cách làm nghệ thuật đó vẫn còn. Sao không thuê hẳn một người mẫu da đen sinh sống ở đây mà cứ phải bôi đen mẫu Việt? Hay như một chương trình truyền hình gần đây mà các nhân vật tham gia hóa thân thành nghệ sĩ nước ngoài, tự cho mình cái quyền đóng vai một người da đen. Đó chính là chiếm đoạt văn hóa.
Câu hỏi cuối cùng dành cho hai bạn - cũng là đại diện hai thế hệ đang "thống trị" làng mốt hiện nay: Thế hệ đi trước cần tìm hiểu về Gen Z hay Gen Z cần tìm hiểu về thế hệ đi trước?
Tigre: Mình chính là Gen Z và nghĩ rằng vế đầu tiên đúng. Gen Z chính là tương lai.
Alex: Nhưng không có quá khứ thì làm gì có tương lai (cười). Cá nhân Alex sẽ chọn vế đầu bởi Alex đã quá rành về thế hệ của mình rồi. Và nếu các bạn gen Z thông minh thì cũng sẽ tìm hiểu ngược lại về thế hệ đi trước.
Cảm ơn Alex + Tigre vì cuộc trò chuyện thú vị!
Ảnh: Đào Nhật Tân