Ai đỗ trạng nguyên ở tuổi 50 tuổi nhờ nghe lời vợ?

Thiên Bình/VTC News, Theo VTC News 16:10 23/01/2025
Chia sẻ

Từng định từ bỏ vì thi mãi không đỗ đạt, sau nghe theo lời khuyên của vợ, ông cố chí học hành và đỗ trạng nguyên ở tuổi 50.

Người được nhắc đến là Vũ Tuấn Chiêu (1425-?), còn có tên khác là Vũ Tuấn Thiều, quê phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay. Ông từng đỗ trạng nguyên đời vua Lê Thánh Tông, trong khoa thi Ất Mùi (1475).

Theo sách Sử Việt những bất ngờ lý thú, Vũ Tuấn Chiêu mồ côi cha từ nhỏ. Do cuộc sống khó khăn, mẹ của Vũ Tuấn Chiêu phải đưa con về quê ngoại ở ngoại thành Thăng Long sinh sống. Mấy năm sau mẹ qua đời, Vũ Tuấn Chiêu lại trở về quê nội.

Tại đây, ông kết hôn với người con gái có tên Nguyễn Thị Chìa. Là người nết na, bà Chìa không quản vất vả, chăm chỉ ruộng đồng, dệt vải kéo tơ, vừa phụng dưỡng cha già, vừa nuôi chồng ăn học. Thế nhưng, Vũ Tuấn Chiêu học hành lại tối dạ.

Ai đỗ trạng nguyên ở tuổi 50 tuổi nhờ nghe lời vợ?- Ảnh 1.

Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên đời vua Lê Thánh Tông, trong khoa thi Ất Mùi (1475). (Ảnh minh hoạ)

Hơn 10 năm đèn sách nhưng đường học của ông vẫn không tiến bộ. Trong một lần bà Chìa gánh gạo đến cho chồng, thầy giáo đã gọi người vợ lại để trả chồng về. Thầy bảo rằng: "Trò Chiêu tuổi đã nhiều, học không tấn tới, nay ta cho về giúp con việc nhà, việc đồng ruộng cho bớt bề vất vả".

Hết lời cầu xin, nhưng thấy thầy không đổi ý, hai vợ chồng thu xếp quần áo, sách vở về nhà. Khi đến đầu làng, họ dừng chân bên chiếc cầu đá bắc qua nhánh sông nhỏ nghỉ ngơi, thấy cây cột đá chân cầu bị mòn, Vũ Tuấn Chiêu lấy làm ngạc nhiên hỏi vợ.

Bà Chìa nói rằng: "Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu. Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn. Do vậy, làm việc gì nếu có chí, sự kiên trì, nhẫn nại tất sẽ thành".

Nghe lời vợ nói, Vũ Tuấn Chiêu chợt tỉnh ngộ. Ông liền bảo vợ trở về nhà, còn mình mang sách vở, quần áo trở lại nhà thầy đồ xin tiếp tục theo học.

Thấy học trò quay lại, thầy ngạc nhiên hỏi nguyên nhân. Vũ Tuấn Chiêu đáp rằng: "Nước chảy đá mòn, thưa thầy việc học cũng như vậy, nếu có chí học thì chắc chắn sẽ khá lên. Nay con trở lại trường quyết tâm dùi mài kinh sử, mong một ngày có tên trên bảng vàng, trước là khỏi phụ công ơn dạy dỗ của thầy, sau đền đáp tấm lòng của vợ và cũng để thỏa cái chí của con".

Tuy nghe học trò nói đầy khẩu khí, thầy vẫn không tin lắm. Nhân lúc trời nổi gió, lác đác có hạt mưa rơi, thầy đồ tức cảnh ra vế đối và nói nếu đối được thì mới cho ở lại tiếp tục học: "Lác đác mưa sa làng Hạ Vũ" . Suy nghĩ một lát, Vũ Tuấn Chiêu đối lại: "Ầm ì sấm động đất Xuân Lôi".

Câu đối chuẩn khiến thầy rất hài lòng, cho ông ở lại học tiếp. Từ đó, Vũ Tuấn Chiêu không ngừng nỗ lực, dốc chí học tập, dần dần sức học tiến bộ hẳn lên.

Để giúp chồng ăn học, bà Chìa tuy một mình chăm con, lo việc ruộng vườn, đều đặn gánh gạo cho chồng ăn học. Đến năm Vũ Tuấn Chiêu gần 50 tuổi, bà qua đời.

Sau khi vợ mất, Vũ Tuấn Chiêu một lần nữa rời quê hương, đưa con trở về quê ngoại để tiện việc học hành, chuẩn bị tham gia thi cử. Đến khoa thi Ất Mùi (1475), ông đỗ trạng nguyên. Bấy giờ, ông đã gần 50 tuổi, trở thành một trong ba vị trạng nguyên già nhất khi đỗ đạt, cùng Nguyễn Đức Lượng (đỗ năm 1514) và Nguyễn Xuân Chính (đỗ năm 1637), đều ở 50 tuổi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày