Ai cũng nằm lòng truyền thuyết về Táo Quân ở Việt Nam, thế nhưng bạn đã biết sự tích về Táo Quân ở Trung Quốc?

Nam Thanh, Theo Helino 12:32 08/02/2018

Hai câu chuyện này có thể được xem là dị bản của nhau cùng ít nhiều nét tương đồng, do đó, tục lệ thờ cúng Táo quân ở hai quốc gia cũng có không ít "tam sao thất bản".

Trong số chúng ta hẳn ai cũng đã biết về sự tích ông Công ông Táo phiên bản Việt Nam, thế nhưng người Trung Quốc cũng có Táo quân của họ, và truyền thuyết về "the Kitchen God" của người Trung Quốc có điểm gì khác với người Việt Nam, liệu bạn có biết?

Theo ghi chép trong văn hóa Trung Quốc, việc cúng Táo quân tại đất nước này đã xuất hiện từ thời nhà Thương (1766-1122 trước Công nguyên). Người Trung Quốc thường gọi Táo Quân là Táo thần hay Táo công. Táo quân trong văn hóa Trung Quốc thường có hai vị thần đi theo, tên là  "Thiện quán" và "Ác quán". Đây là những vị thần sẽ giúp Táo quân ghi chép lại những việc tốt xấu của gia chủ trong năm.

Ai cũng nằm lòng truyền thuyết về Táo Quân ở Việt Nam, thế nhưng bạn đã biết sự tích về Táo Quân ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

 Theo dân gian Trung Quốc, câu chuyện về "Thần Bếp" của người Trung Quốc có tới khoảng 40 dị bản, nhưng tựu trung là hình tượng 1 bà - 2 ông. Trong đó, có một dị bản thường được nhiều người kể cho nhau như sau. 

Ngày xửa ngày xưa, khi Mặt Đất và Bầu Trời vẫn còn gặp nhau ở Thung lũng Thì Thầm, có một anh tiều phu nọ sống trong rừng cùng người vợ yêu quý của mình. Họ rất nghèo và thường xuyên không kiếm đủ để nuôi sống lẫn nhau. Hoàn cảnh sống tạm bợ khiến người tiều phu thường nóng vội, cáu giận, theo thời gian, bản tính hiền lành của anh trở thành hung hăng và rượu chè, hàng đêm anh thường say khướt mới về nhà rồi trút giận lên đầu vợ.

Ai cũng nằm lòng truyền thuyết về Táo Quân ở Việt Nam, thế nhưng bạn đã biết sự tích về Táo Quân ở Trung Quốc? - Ảnh 2.

Các Táo quân về chầu Ngọc Hoàng vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.

Ngày qua ngày, những trận đòn roi cứ nhiều thêm, cho tới khi người vợ không thể chịu đựng được nữa và bỏ đi. Cô đi hàng tuần, hàng tuần liền cho tới khi đôi chân sưng phồng, tóe máu. Kiệt sức, cô lả đi bên một túp lều của người thợ săn nọ. 

Thợ săn, may thay, lại là một người tốt. Anh cho người đàn bà lạ mặt ăn uống và nghỉ ngơi, cho cô một chỗ ở qua đêm. Cô vợ vì hàm ơn mà quyết định ở lại cạnh người thợ săn, trở thành vợ chồng và bắt đầu cuộc sống mới hạnh phúc.

Thế rồi duyên số đưa đẩy, một ngày kia, khi người thợ săn vắng nhà, một người ăn xin gõ cửa và xin người phụ nữ nọ một chén cơm. Do thương cảm, người vợ của thợ săn bèn cho gã ăn xin ăn uống rất tử tế, no nê. Trong khi gã ăn xin nọ ngấu nghiến tất cả mọi thứ trên bàn, người vợ bất ngờ nhận ra đây chính là chồng cũ của mình, giờ đã thân tàn ma dại tới nông nỗi này. Đúng lúc đó, người thợ săn trở về, tiếng bước chân đã không còn cách xa cửa là bao. Lo sợ tình ngay lý gian, cô vợ bèn giấu luôn chồng cũ vào trong bếp lò.

Ai cũng nằm lòng truyền thuyết về Táo Quân ở Việt Nam, thế nhưng bạn đã biết sự tích về Táo Quân ở Trung Quốc? - Ảnh 3.

Tranh Táo Quân về trời.

 Người thợ săn về tới nhà với thịt tươi, vui vẻ không nói không rằng đem thịt đi nướng mà không biết rằng chồng cũ của vợ mình đang ẩn trong bếp lò. Ngọn lửa bùng lên, thiêu đốt người ăn xin. Tuy nhiên, nhân vật người chồng cũ này dường như hối hận với những gì mà mình đã làm, anh quyết định không hé răng tới nửa lời để giữ cho vợ cũ của mình một cuộc đời hạnh phúc.

Lửa bén đậm, giết chết người ăn xin. Người vợ do quá đau đớn, dằn vặt nên đã chạy tới lò lửa và gieo mình vào đó. Người thợ săn rú lên đau đớn, vội chạy theo cứu lấy vợ, thế nhưng tất cả đã quá muộn. Anh không muốn sống tiếp mà thiếu đi người vợ thân yêu, thế nên đã gieo mình vào lửa để tự tận theo.

Người làng khi nghe được câu chuyện đau lòng này đã rất cảm động, họ lập đền thờ 3 người nọ để tưởng nhớ tình nghĩa giữa ba con người có số phận ngang trái này. Ba người sau đó được gọi là Zao Jun - phiên bản Việt Nam chính là các Táo Quân.

Quan niệm của người Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, do đó truyền thuyết Ông Công, Ông Táo khi về Việt Nam cũng khá giống với phiên bản Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ba nhân vật đều có tên tuổi là Phạm Lang, Trọng Cao và Thị Nhi. Sau khi cùng đồng quy ư tận, Ngọc Hoàng đã phong cho Phạm Lang làm Thổ Công – trông coi việc bếp núc, Trọng Cao làm Thổ Địa – trông coi việc nhà cửa, Thị Nhi làm Thổ Kỳ - trông coi việc chợ búa.

Và mặc dù có thể khác nhau về chi tiết câu chuyện, thế nhưng cúng Táo Quân vẫn là một phong tục đẹp trước thềm ngày Tết cổ truyền ở cả Việt Nam và Trung Quốc.