Giống như Việt Nam, Trung Quốc đón tết chính theo lịch âm nhưng trong dịp năm mới sắp đến, người Trung Quốc vẫn sẽ trở về quê nhà và quây quần bên gia đình. Ở đây, mọi người sẽ làm những bàn tiệc lớn để ăn uống, chúc tụng và chờ đón thời khắc năm cũ trôi qua, năm mới kéo đến.
Người Trung Quốc cũng có thói quen đốt pháo giấy giống như khi đón tiết Nguyên Đán, trong khi đó, các thành phố lớn của Trung Quốc cũng bắn pháo hóa chào mừng như các nước khác.
Trong đêm cuối cùng của một năm, người Mỹ thường đốt đi những vật dụng cũ không dùng tới. Thời điểm nay, mọi người sẽ tụ tập ở các nhà thờ và quảng trường lớn để cùng nhau hát hò, chúc tụng và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa đang đến gần.
Đúng 12 giờ đêm, các nhà thờ ở Mỹ sẽ đồng loạt gióng chuông báo hiệu năm mới đã đến. Người Mỹ sẽ đồng loạt hô: "Chúc mừng năm mới" và giành cho nhau những cái ôm hôn nồng thắm nhất.
Ngày nay, người dân nước Anh thường tập trung quanh quảng trường Trafalgar Square để chờ đón tiếng chuông từ tháp đồng hồ Big Ben, báo hiệu một năm mới đã đến.
Trong truyền thống của xứ sở xương mù, người Anh thường có tập tục xông đất vào đầu năm mới. Một vị khách, thường là nam giới, sẽ được mời đi qua cửa sau để vào nhà, và tặng cho chủ nhà một món quà như tiền, bánh mỳ, than đá để chúc gia chủ sẽ có được may mắn, đủ đầy trong năm nay.
Đêm giao thừa ở Scotland còn được gọi là "Đêm của Nến". Để chuẩn bị cho năm mới, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa và đốt nhánh cây bách xù rồi đem xông khắp nhà như một nghi lễ để thanh lọc không gian sống. Cũng trong đêm cuối cùng của năm cũ, các gia đình sẽ đặt những đồng tiền trước cửa, để khi chủ nhà mở cửa ra vào sáng ngày hôm sau, đồng tiền đó sẽ là đồng tiền phát tài của cả năm.
Người Scotland cũng có tục xông nhà như người Anh. Họ tin tưởng rằng, việc mời một anh chàng đẹp trai, cao ráo với nước da hơi ngăm vào nhà đầu tiên của năm mới thì có nghĩa là may mắn cũng sẽ đến theo.
Năm mới ở Nhật được gọi là Oshogatsu. Trong dịp này, người Nhật sẽ trang trí nhà mình thật đẹp với lá thông hoặc tre và các sợi dây. Họ tin rằng nó có thể xua đuổi ma quỷ và mang lại sức khỏe, trường thọ cho gia đình.
Vào thời điểm giao thừa, các ngôi chùa đạo Phật ở Nhật sẽ rung chuông 108 lần chuông biểu tượng cho 108 điều sân si và niềm không may của con người, giúp thanh lọc tâm hồn cho một năm mới đến. Ngoài ra, người Nhật Bản cũng tặng những tấm thiệp năm mới cho người thân, bạn bè và cho trẻ con tiền mừng tuổi như nhiều nước châu Á khác.
Nếu như ở nhiều nước, việc làm vỡ chén bát là điều kiêng kỵ thì riêng ở Đan Mạch, vào ngày đầu tiên của năm mới, người dân nước này thường đập vỡ những chiếc bát đĩa không sử dụng hoặc đã nứt từ trước ở ngay trước cửa nhà bạn bè hay người thân, hoặc ném bát sang nhà hàng xóm. Bởi theo quan niệm của người Đan Mạch, làm như vậy có thể mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người.
Giống như người Việt Nam ăn bánh chưng vào tết Nguyên Đán, người Hà Lan có truyền thống thưởng thức món bánh Olie bollen - một loại bánh có hình tròn để đón năm mới. Bởi theo quan niệm của người dân nước này, cắn một miếng bánh phồng to vào ngày đầu năm có nghĩa là bạn sẽ được hưởng những điều tốt đẹp, trọn vẹn trong năm tiếp theo.
Một phong tục thú vị khác ở Hà Lan là đốt cây thông noel. Những cây thông được giữa lại từ Giáng sinh sẽ được mang đi đốt thành những đống lửa lớn, như một nghi lễ giúp người Hà Lan xua đi điều đen đủi của năm trước. Người dân Hà Lan cũng có thói quen dọn dẹp căn nhà của họ vào dịp năm mới.
Không giống như các nước châu Âu, người dân sống tại thị trấn Talca ở Chile có thói quen đón giao thừa ngay trong những nghĩa trang của người chết. Người Chile tin rằng giao thừa chính là dịp để sưởi ấm cho những ngôi mộ lạnh lẽo, nơi những người thân đã khuất trở về và chờ đợi họ mỗi năm. Đón giao thừa tại nghĩa trang sẽ giúp những người yêu thương nhau có thể cùng bắt đầu một năm mới hạnh phúc.
Ở nghĩa trang, người ta sẽ mở những bản nhạc cổ điển và thắp những cây nến lung linh trước mộ người đã khuất, và cùng nhau kể lại những câu chuyện gia đình, đón chào năm mới đến gần.
Vào đúng nửa đêm, người Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông mừng năm mới với hi vọng sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm này. Mỗi quả nho tượng trưng cho một tháng, tuy nhiên nếu sau 12 tiếng chuông mà ai không ăn hết nho thì điều đó được coi là không may.
Người Tây Ban Nha cũng kiêng bước chân trái đầu tiên khi ra hoặc vào nhà vào đêm giao thừa và sáng mùng một. Đồng thời, mặc đồ lót đỏ cũng được cho là sẽ mang may mắn đến người mặc chúng suốt cả năm nhưng hãy nhớ rằng phải là đồ người khác cho thì mới được!