Ai cũng biết sự tích bánh chưng bánh giày, nhưng vì sao ngày Tết chỉ có bánh chưng thì không phải ai cũng biết

Nuko, Theo Helino 16:16 27/01/2020

Bánh chưng là món nhất định phải có trên mâm cơm ngày Tết, thế nhưng ít ai để ý rằng bánh giày đã không còn xuất hiện nữa. Vậy lý do là gì?

Với những đứa trẻ Việt Nam, câu chuyện về Lang Liêu với sự tích bánh chưng bánh giày (có nơi gọi là bánh dày hoặc bánh giầy) đã trở nên vô cùng quen thuộc. Vào thời vua Hùng Vương thứ mười sáu, để chọn ra một người nhường ngôi, vua cha đã mở cuộc thi xem ai tìm được thức ngon và có ý nghĩa nhất để dâng cúng tổ tiên thì sẽ được truyền ngôi. Trong khi những người anh lên rừng xuống biển tìm đủ thứ sơn hài hải vị, của ngon vật lạ thì người con trai thứ mười tám là Lang Liêu dâng lên vua cha hai thức bánh được làm từ gạo nếp. Một chiếc hình vuông nhân thịt lợn và đậu xanh, gói lá bên ngoài gọi là bánh chưng. Một chiếc hình tròn giã từ nếp dẻo, bọc nhân đậu xanh gọi là bánh giày. Hai chiếc bánh, một tượng trung cho đất, một tượng trưng cho trời, được làm từ những sản vật quen thuộc mang tinh thần dân tộc.

Hai thức bánh giản dị nhưng mang ý nghĩa lớn lao đã khiến vua cha cảm động, người bèn truyền ngôi cho Lang Liêu. Và cũng kể từ đó, bánh chưng bánh giày trở thành món ăn truyền thống trong mâm cúng tổ tiên ngày Tết.

Ai cũng biết sự tích bánh chưng bánh giày, nhưng vì sao ngày Tết chỉ có bánh chưng thì không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

Thế nhưng ngày nay, trên mâm cúng của người Việt ngày Tết chỉ có bánh chưng chứ không có bánh giày. Điều này đã trở thành tục lệ, dù gia đình giàu hay nghèo thì Tết đến nhất định phải có được chiếc bánh chưng dâng cúng tổ tiên. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng bánh giày dù xuất hiện trong sự tích đi liền với bánh chưng nhưng ngày Tết lại không thấy xuất hiện?

Thật ra, bánh giày không phải quá khó làm, cũng không phải bị thất truyền. Ngày thường, chúng ta có thể thấy bánh giày được bán phổ biến ở nhiều nơi, điển hình là Hà Nội và Sài Gòn. Bánh giày nhân đậu có, bánh giày kẹp giò chả cũng có...

Vậy nguyên nhân nào khiến cho bánh giày không xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết?

Ai cũng biết sự tích bánh chưng bánh giày, nhưng vì sao ngày Tết chỉ có bánh chưng thì không phải ai cũng biết - Ảnh 2.
Ai cũng biết sự tích bánh chưng bánh giày, nhưng vì sao ngày Tết chỉ có bánh chưng thì không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

Nhìn vào mâm cỗ Tết của người Việt với toàn những món như bánh chưng/bánh tét, giò chả, dưa hành, thịt kho... đều là những món để được lâu. Đặc điểm của dịp Tết là nhà nhà sum họp, không có họp chợ để mua được thức ăn tươi nên các món ăn ngày Tết cũng thường được "tích trữ", cần đến những món để được lâu hơn. Trong khi đó, chiếc bánh giày là nếp giã nhuyễn, thường không giữ được lâu, làm xong cũng chỉ ăn trong ngày mới ngon. Bởi thế, dần dà, bánh giày đã không còn xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết mà chỉ có bánh chưng.

Thật ra, ở một vài nơi như vùng cao, người dân tộc Mông, Dao... vẫn làm bánh giày trong ngày Tết. Bánh giàu của họ là loại to, để trên gác bếp hong khô nên có thể để cả năm. Mỗi khi dùng sẽ xắt thành miếng nhỏ rồi nướng phồng hoặc rán lên. Với họ, bánh giày cũng được xem như một món ăn quý.