Sony là thương hiệu độc đáo, không bao giờ làm theo công thức sản xuất điện thoại thông minh của các thương hiệu bán chạy nhất thế giới hiện nay. Nhưng ai đó có thể lập luận rằng doanh số bán hàng cao không nhất thiết đại diện cho một sản phẩm tốt, thì một nhà sản xuất điện thoại vẫn cần phải kiếm tiền để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu không, điện thoại LG có lẽ đã tồn tại đến ngày nay.
Theo PhoneArena, thông tin rò rỉ gần đây về Xperia 1 VII mang đến lo ngại rằng Sony đang đi theo cái kết không có hậu tương tự.
Đây không phải lời chê bai. Sony thực sự tạo ra những chiếc điện thoại tuyệt vời nhưng có vẻ như công ty không nhắm sản phẩm của mình đến người tiêu dùng đại chúng.
Họ tạo ra những thiết bị dành cho người đam mê điện thoại thật sự, khi không cắt giảm các tính năng như giắc cắm tai nghe 3,5 mm và khe cắm thẻ nhớ như xu hướng ngày nay.
Công ty cũng không áp dụng thiết kế dạng viền (kiểu tai thỏ của iPhone) trên màn hình, cho phép giữ lại không gian mặt trước để thiết lập loa âm thanh nổi, đây là điều bạn sẽ không tìm thấy trên các điện thoại ngày nay.
Điện thoại Sony cũng cung cấp cho các nhiếp ảnh gia nhiều quyền kiểm soát hơn đối với hình ảnh, đó là lý do tại sao chúng là lựa chọn ưa thích của một số nhà sáng tạo chuyên nghiệp.
Thật không may cho Sony, điện thoại của hãng dù thú vị nhưng lại có sức hấp dẫn hạn chế. Hầu hết người mua điện thoại thông minh không thích mày mò cài đặt để có được trải nghiệm tốt nhất. Họ muốn thứ gì đó mua về là dùng được ngay, không quá tốn công sức để có được trải nghiệm mới không quá ấn tượng.
Việc Sony nhấn mạnh vào sự khác biệt chỉ làm tổn hại đến doanh số bán hàng của chính mình. Mặc dù công ty không công bố số lượng điện thoại bán ra, một báo cáo năm 2024 của Bloomberg cho biết doanh số bán hàng tại quê nhà Nhật Bản đã giảm 40% vào năm 2023 và dự đoán mức giảm tương tự vào năm 2024.
Theo một báo cáo khác , thị phần toàn cầu của hãng này chỉ đạt 3,5% trong nửa đầu năm 2024.
Chúng ta thường có thói quen chỉ trích việc chạy theo xu hướng nhưng có lý do tại sao các công ty lại loại bỏ phần viền dày cộp trên màn hình để thêm vào đó các dạng tai thỏ hay đục lỗ, cũng như đầu tư toàn bộ vào AI.
Khách hàng thích sự đổi mới hơn là trì trệ. Điện thoại Sony có thể ngang hàng với các điện thoại Android khác về cách chúng thực hiện các tác vụ hàng ngày nhưng điều đó không đủ lý do để khiến mọi người nâng cấp.
Sony đã cho thấy những dấu hiệu thay đổi trong thời gian gần đây. Với Xperia 1 VI, hãng đã loại bỏ dạng tỷ lệ màn hình dạng cao không phù hợp với nội dung hiện đại. Điều này cũng khiến hãng phải giảm độ phân giải từ 4K xuống FHD. Mặc dù màn hình có độ phân giải cao rất đẹp, nhưng chúng khiến pin cạn nhanh, vì vậy đây là hướng đi chuẩn xác.
Chiếc điện thoại sắp ra mắt của hãng có vẻ sẽ tiếp tục dựa vào phần cứng camera mạnh mẽ như một yếu tố bán hàng, nhưng liệu điều đó có bù đắp được cho việc thiếu sức mạnh hay không vẫn còn phải chờ xem.
Xperia 1 VI không được phát hành tại Mỹ. Theo logic, không nhà sản xuất nào loại trừ một thị trường hàng đầu trừ khi họ biết rằng không có nhu cầu về điện thoại của mình tại thị trường đó.
Có vẻ như hầu hết người tiêu dùng Mỹ đã không còn mặn mà gì với Sony và theo đúng phong cách của Sony, công ty cũng từ bỏ luôn thị trường này thay vì cố gắng đi tìm câu hỏi tại sao họ không mua điện thoại của mình và tìm cách giải quyết vấn đề.
Với tin đồn rằng Xperia 1 VII phần lớn giống với những mẫu máy tiền nhiệm, khả năng Sony sẽ càng chìm vào quên lãng. Điều đáng buồn là công ty sản xuất ra những chiếc điện thoại tuyệt vời. Chỉ là việc họ cứ khăng khăng không theo kịp thời đại khiến thị phần ngày càng tổn hại.