Ai có thói quen tắm lâu nhất định không thể bỏ qua bài "đọc vị tâm lý" cực chuẩn này

Gucci, Theo Helino 17:17 17/01/2018

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tắm lâu là biểu hiện của sự cô đơn, bạn có thấy vậy không?

Tắm là hoạt động thường ngày của chúng ta, có người tắm lâu, người lại tắm vèo cái đã xong. Không thể phủ nhận rằng việc được đắm mình trong bồn tắm, tận hưởng mùi hương xà phòng và dòng nước ấm thật vô cùng dễ chịu và sảng khoái. 

Thế nhưng dưới con mắt của các nhà khoa học, nếu bạn cứ liên tục đốt hàng đống thời gian mỗi ngày chỉ để tắm thì bạn đang cảm thấy cô đơn đấy! 

Ai có thói quen tắm lâu nhất định không thể bỏ qua bài đọc vị tâm lý cực chuẩn này - Ảnh 1.

Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Yale tiến hành nghiên cứu với nhóm 400 tình nguyện viên tuổi từ 18 - 65, ở cả 2 giới. Các tình nguyện viên được yêu cầu ghi lai thói quen tắm cũng như cảm xúc trước và sau khi tắm xong của họ. 

Theo các chuyên gia, những người tắm vòi sen hoặc ngâm mình trong bồn tắm nước nóng lâu là để che giấu cảm giác cô đơn, né tránh sự cô lập trong xã hội.

Cụ thể, các chuyên gia tiến hành nghiên cứu và họ nhận thấy, những người mỗi khi buồn thường sử dụng bồn tắm nước nóng, vòi sen để thay thế cảm xúc ấm áp. 

Càng cảm thấy bị cô đơn, người ta càng cảm thấy bồn tắm, vòi sen càng nóng... và họ sẽ vẫn mãi muốn đắm chìm trong cảm giác ấm áp đó.

Ai có thói quen tắm lâu nhất định không thể bỏ qua bài đọc vị tâm lý cực chuẩn này - Ảnh 2.

Nhà tâm lý học John Bargh thuộc ĐH Yale chia sẻ: "Càng cô đơn thì người ta càng thích đi tắm. Nước ấm giúp họ thư thái và từ đó càng ngâm mình trong nước lâu hơn".

Bargh cho rằng, nước ấm dường như đóng vai trò như 1 vật thay thế cho bạn bè bên cạnh chúng ta. Nó tạo cảm giác dễ chịu, xua tan đi những cảm xúc tiêu cực, cô độc, lạc lõng... 

Nghiên cứu còn chỉ ra 1 sự thật thú vị nữa là, nước nóng hay nước lạnh về mặt vật lý còn có thể tạo ra cảm xúc ấm áp hay lạnh lẽo và ngược lại. Nói đơn giản như việc bạn cầm 1 chiếc cốc nước ấm cũng có thể khiến bạn ấm lòng hơn, cảm xúc bỗng trở nên dễ chịu, khoan dung, từ đó tốt bụng với người khác hơn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology Emotion.

Nguồn: Telegraph, Lifehack