980.000 chiếc điện thoại bị trừ tiền âm thầm hàng tháng không rõ lý do, 17 tỷ đồng “bốc hơi”: Cảnh sát vạch trần thủ đoạn tinh vi không ai ngờ tới

Lưu Ly, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:44 07/12/2024
Chia sẻ

Điện thoại của rất nhiều người cao tuổi tự nhiên bị trừ từ 20 đến 30 nghìn đồng/tháng, dù không đăng ký dịch vụ gì. Thiệt hại số tiền rất lớn, họ quyết định báo cảnh sát.

Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc phát hiện ra rằng, dù không đăng ký bất kỳ dịch vụ nào trên điện thoại di động nhưng họ vẫn bị trừ tiền hàng tháng mà không rõ lý do. Điều này gây ra sự hoang mang và khó hiểu, đặc biệt khi phần lớn các loại "điện thoại cũ" mà người già sử dụng thường được xem là thiết bị đơn giản, chỉ có chức năng cơ bản như gọi điện, nhắn tin, và không hỗ trợ các ứng dụng hiện đại như mua sắm trực tuyến hay thanh toán online.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những thiết bị tưởng chừng như đơn giản này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rủi ro bảo mật.

980.000 chiếc điện thoại bị trừ tiền âm thầm hàng tháng không rõ lý do, 17 tỷ đồng “bốc hơi”: Cảnh sát vạch trần thủ đoạn tinh vi không ai ngờ tới- Ảnh 1.

Qua điều tra, cảnh sát tại Thường Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã phát hiện rằng nhiều thiết bị này đã bị tội phạm công nghệ lợi dụng.

Theo thống kê sơ bộ, có tới 980.000 chiếc điện thoại trên toàn Trung Quốc bị ảnh hưởng, với thiệt hại ước tính lên đến hơn 5 triệu NDT, tương đương khoảng 17,5 tỷ đồng. Những con số đáng báo động này cho thấy người cao tuổi đã trở thành mục tiêu của các tội phạm công nghệ cao. Vậy, bằng cách nào bọn chúng có thể thực hiện hành vi này trên nhóm đối tượng người cao tuổi?

Mất tiền không rõ nguyên do

Vào tháng 2 năm 2023, Chi nhánh phía Nam của Cục Công an Thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã tiếp nhận nhiều báo cáo từ người cao tuổi và gia đình họ về việc điện thoại di động tự động trừ từ 6 đến 10 NDT mỗi tháng mà không rõ lý do. Họ khẳng định rằng mình chưa từng đăng ký bất kỳ dịch vụ nào trên điện thoại nhưng vẫn bị trừ tiền tự động liên tục khiến cảnh sát nghi ngờ thiết bị này đã bị nhiễm mã độc hoặc virus.

Ông Vương - con của một nạn nhân chia sẻ rằng mẹ ông đã nạp 100 NDT (khoảng 350 nghìn đồng) vào điện thoại di động. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, điện thoại đã trừ hết tiền dù chưa hề thực hiện cuộc gọi hay nhắn tin gì.

980.000 chiếc điện thoại bị trừ tiền âm thầm hàng tháng không rõ lý do, 17 tỷ đồng “bốc hơi”: Cảnh sát vạch trần thủ đoạn tinh vi không ai ngờ tới- Ảnh 2.

 

Sau đó, ông Vương tiếp tục nạp thêm 100 NDT cho mẹ nhưng phát hiện số tiền trong tài khoản lại nhanh chóng biến mất dù mẹ không hề sử dụng. Điều đáng nói, điện thoại của mẹ ông vốn là thiết bị loại cũ, chỉ được dùng để nhận cuộc gọi, không thể cài đặt bất kỳ ứng dụng hiện đại hay sử dụng các dịch vụ như mua sắm hoặc thanh toán.

Thủ đoạn tinh vi

Sau khi nhận được tin báo, Cục Công an Thường Châu đã ngay lập tức vào cuộc điều tra. Bước đầu, cảnh sát phát hiện tại địa phương có hơn 50 thiết bị "điện thoại cũ" bị kiểm soát bất hợp pháp.

Các thiết bị này đều được cài đặt mã độc tự động trước khi bán ra. Loại mã độc này khiến tài khoản điện thoại bị trừ tiền trong âm thầm mà không hề có thông báo.

Điều đặc biệt đáng chú ý trong vụ việc này là tất cả dữ liệu chủ từ những chiếc điện thoại bị khấu trừ tiền một cách bí ẩn đều dẫn về cùng một máy chủ, được đặt tại thành phố Thâm Quyến.

980.000 chiếc điện thoại bị trừ tiền âm thầm hàng tháng không rõ lý do, 17 tỷ đồng “bốc hơi”: Cảnh sát vạch trần thủ đoạn tinh vi không ai ngờ tới- Ảnh 3.

Sau khi xác định được vị trí máy chủ, cảnh sát nhanh chóng tổ chức lực lượng và tiến hành bắt giữ Trần Long - người trực tiếp điều hành cùng các đồng phạm tại Thâm Quyến. Cảnh sát ngay lập tức trích xuất dữ liệu từ máy chủ và khẩn cấp ngắt hoạt động của hệ thống này để ngăn chặn thiệt hại tiếp tục xảy ra.

Tuy nhiên, vụ việc còn nghiêm trọng hơn dự đoán. Khi tiến hành mở rộng điều tra trên phạm vi cả nước, cảnh sát phát hiện có tới 980.000 thiết bị bị ảnh hưởng bởi mã độc, gây ra hàng loạt trường hợp tự động đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng trái phép.

Tổng thiệt hại tài chính ước tính lên tới 5,65 triệu NDT (khoảng 19,7 tỷ đồng). Sự việc không chỉ gây tổn thất lớn mà còn cho thấy mức độ tinh vi của tội phạm công nghệ cao, đặc biệt khi chúng nhắm vào người cao tuổi – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. 

Theo khai báo, nghi phạm Trần Long đã mua mã dịch vụ giá trị gia tăng từ các nguồn trực tuyến rồi cấy vào những chiếc điện thoại dành cho người cao tuổi trước khi đưa ra thị trường.Sau đó, thông qua máy chủ, họ tiến hành điều khiển từ xa và bí mật khấu trừ tiền từ tài khoản điện thoại của người dùng.

Hơn nữa, Trần Long cũng hợp tác với Cố Đình, giám đốc một công ty công nghệ phát triển bo mạch chủ điện thoại để mở rộng phạm vi lừa đảo. Từ năm 2019, cả 2 đã tích hợp mã độc vào bo mạch chủ của những chiếc điện thoại, sau đó tung các thiết bị này ra thị trường.

Không dừng lại ở đó, vào năm 2021, Trần Long tiếp tục hợp tác với Mã Hào, giám đốc một công ty mạng, để mở rộng quy mô hoạt động. Mã Hào, với vai trò điều hành dịch vụ mạng, cung cấp cho Trần Long các thông tin kỹ thuật cần thiết và hỗ trợ thực hiện các lệnh điều khiển từ xa. Điều này đã giúp nhóm tội phạm triển khai lừa đảo trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm ngàn người dùng, đặc biệt là người cao tuổi – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Theo Baidu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày