Thầy Đặng Trần Tùng, một trong số hiếm những người đạt 9.0 IELTS tại Việt Nam đã có một buổi chia sẻ vô cùng “thấm” với chúng tôi về những câu chuyện học tiếng Anh, ôn thi IELTS cười ra nước mắt, mà cũng bật khóc ra tiếng cười.
Cái đẹp đè bẹp cái nết...
Theo như lời kể, qúa trình chinh phục ngưỡng điểm “thần thánh” 9.0 của thầy Tùng có khác hơi nhiều so với những gì mọi người thường tưởng tượng:
“Ngày xưa, lần đầu tiên anh đi thi IELTS, anh cũng khá lo và chỉ dám đặt mục tiêu là 6.5. Cuối cùng thi xong làm luôn con 8.0 overall. Hóa ra không quá khó khăn để chạm ngưỡng 6.5 IELTS. Chỉ cần ngữ pháp tốt, phát âm chuẩn là dễ dàng đạt được con điểm 6.5 này. Đây là 2 yếu tố học sinh thường rất hay coi nhẹ, mà chỉ tập trung trau dồi vốn từ khổng lồ.”
Anh còn chia sẻ tiếp: “Nhắc đến từ vựng thì không thể bỏ qua kỹ năng Writing. Từ năm 2012 anh thi IELTS lần đầu, cho đến năm 2016, thi bao nhiêu lần mà riêng điểm Writing vẫn dậm chân tại con số 7.5, mặc các kỹ năng khác đều lên điểm. Khi đó anh bị khủng hoảng trầm trọng và nghĩ rằng không lẽ khả năng của mình chỉ đến vậy, dù vốn từ vựng của anh đã trở nên rất “khủng”?
Tuy nhiên sau đó anh đã phát hiện ra một lỗi tưởng là căn bản nhất trong bài của mình. Đó là nhiều từ hay, từ hiếm được khoe rất nhiều trong bài, bài cũng rất dài, nhưng đa số chỉ là liệt kê lan man: firstly, secondly… còn cái ý bên trong rất nông, lập luận không chặt chẽ, thú vị. Điều này thực sự nguy hại cho cả kỹ năng Writing IELTS nói riêng, và kỹ năng viết nói chung. Vậy nên sau khi nâng điểm thành công kỹ năng Writing lên 8.5, dù rất lâu nhưng anh đã rút ra được một bài học để đời, đó là: ôn thi IELTS như xây một ngôi nhà, cốt gạch cốt bê tông mà không tốt, thì lớp sơn vữa bên ngoài dù bền, đẹp đến mấy cũng không bao giờ cứu được.”
Always keep yourself interested
Có một câu chuyện khá trớ trêu được thầy Tùng kể lại về thời gian còn học ở bên Mỹ: “Hồi mới sang Mỹ, mặc dù kỹ năng nghe của anh tương đối tốt, nhưng khi xem phim mà không có Engsub thì không thể xem được. Vậy mới có chuyện xem TV Series với cả nhà bên Mỹ (homestay), anh thường rất hay bị… quê, bởi phim thì không có sub, mình còn chưa kịp hiểu gì thì cả nhà cứ cười lăn ra. Ức quá, mình đã “chơi đểu” lại bằng kiểu học cách bắt nhịp. Tức là quan sát kỹ rồi nắm bắt trước các cảnh nào sẽ gây buồn cười, thì mình sẽ cứ thế mà cười sằng sặc thôi. “Bài” này hay đến nỗi nhiều khi mình cười như điên, cả nhà còn chưa kịp hiểu, quay ra hỏi mình: “Mày cười cái gì thế?... Mãi cho đến một hôm, anh được rủ xem Family Guy, một show rất nổi tiếng ở Mỹ. Dù anh chỉ hiểu đc 30%, nhưng vì phim quá hay nên anh rất hứng thú và chăm chú xem đi xem lại. Thành ra dần dần hiểu được từ lúc nào không hay, nghe được trọn vẹn mà không bị lỡ một từ nào. Cũng phải mất 1 năm trời để anh đạt đến mức độ như vậy, và anh phải thừa nhận anh là người học chậm, nhưng có lẽ do chậm nên ngấm cực kỳ lâu.”
Qua hai câu chuyện tưởng vô thưởng vô phạt trên, thầy Tùng đã cố ý gửi đi một thông điệp ẩn sâu trong đó: “Always keeps yourself interested”. Tạm dịch là: “Luôn khiến bản thân hứng thú với việc mình làm”. Đây là một yếu tố quan trọng chủ chốt để tạo nên thành công trong bất cứ việc gì, kể cả việc học thi IELTS. Như dân anh chị học nhiều tiếng anh thường khuyên nên nghe CNN, BBC, xem TEDx nhưng anh Tùng lại chẳng bao giờ xem cả. Luyện nghe thì anh xem phim, còn luyện đọc thì anh lại chỉ thích đọc... truyện tranh. Xem ra thì không mang tính tuyền thống, thế nhưng duy nhất cách đấy mới khiến việc học tiếng anh của anh Tùng có hiệu quả cao nhất. Bởi thích thì sẽ nghe nhiều, nhưng nghe nhiều chưa chắc đã thích.
Từ kẻ học thầy thành thầy kẻ học
Từ khi về Việt Nam, do càng học càng hứng thú nên thầy Tùng dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu sâu về tiếng Anh và IELTS. Nhưng không phải theo lối ngôn ngữ học, thầy Tùng nghiên cứu về bản chất của việc học tiếng Anh/ IELTS, những vấn đề xoay quanh phương pháp dạy, học, và các thói quen, tâm lý của người học IELTS, đặc biêt là ở Việt Nam.
Vậy nên dần dà từ một sĩ tử đang đứng trên đỉnh cao của IELTS nhưng với tấm bằng đại học Tài Chính của RMIT, thầy Tùng rẽ ngang trở thành giáo viên: “Đầu tiên như bao bạn khác, anh cũng bắt đầu bằng việc dạy gia sư. Tuy nhiên chỉ ai đc truyền cảm hứng bởi việc “Pass on knowledge (Truyền dạy kiến thức)” thì sẽ tiếp tục nó thành cái nghiệp. Và một lần nữa, cái tinh thần “keep yourself interested” đã kéo anh ở lại cái nghiệp dạy học và mở ra trung tâm The IELTS Workshop, bỏ ngang tấm bằng Tài chính.”
“Ngoài ra, anh rất thích dạy cho đa dạng những kiểu học viên. Đó cũng là 1 cách để anh giữ sự hứng thú cho bản thân mình.. Thú nhất là khi xưa, chưa mở ra The IELTS Workshop, anh có cơ hội đi dạy cho các anh em đoàn thể như FPT, hay Bộ tài nguyên môi trường. Anh được tiếp xúc với những con người, trong tiếng anh gọi là “from all walk of life”. Mỗi người mang đến 1 sự sáng tạo thú vị, 1 câu chuyện riêng đặc biệt. Vậy nên thật vui khi sau mỗi lần đi dạy, anh lại có nhiều mối quan hệ rất hay với các học viên. Hay như lần đi dạy tiếng Anh cho người Hàn Quốc, đây là một trải nghiệm khá thách thức. Bởi rất khó để dạy cho họ hiểu bởi không có một ngôn ngữ chung giữa hai bên. Vậy nên nếu càng cố dạy bằng lý thuyết thì họ càng không bao giờ hiểu được. Do đó phải đi từ những ví dụ thực tế, thậm chí dùng ngôn ngữ hình thể. Thành quả cho việc này là họ rất hay cảm ơn anh bằng việc chiêu đãi anh ăn, nên giờ anh trở thành như này đây.
Sính ngoại hay sính nội?
Theo quan sát tổng thể thì học viên Việt Nam rất chuộng học giáo viên nước ngoài, và nghĩ là học giáo viên bản địa mới nâng trình tiếng anh thực sự. Với tâm thế là 1 giáo viên dạy IELTS người Việt, anh Tùng chia sẻ: “Có thể hiểu được lý do vì sao tâm lý người Việt lại thích học giáo viên Tây hơn. Bởi giáo viên Tây là chuyên gia trong chính thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của họ rồi. Điều đó quá đúng, anh không phủ nhận, tuy nhiên ở Việt Nam, việc nên học giáo viên “ta” hay Tây không đơn giản như vậy. Sẽ rất khó để một giáo viên Việt dạy tiếng anh cho trẻ con phát âm chuẩn. Vì thực sự rất hiếm nguời Việt Nam nào phát âm chuẩn 100% giọng bản địa. Nhưng với những học viên người lớn, không ai hiểu được thói quen hay nhược điểm học tiếng anh của người Việt Nam sâu sắc bằng giáo viên Việt. Giáo viên bản địa lại thường rất khoan dung trong các lỗi của người Việt.
Về mặt giao tiếp chơi thôi thì điều này có thể tạm chấp nhận được, nhưng nếu là học thuật hoặc giao giao tiếp trang trọng thì thật nguy hại. Lúc này là thời điểm giáo viên việt đường hoàng bước vào. Chứ hồi bé, mình như một tờ giấy trắng, không bết gì để mà mắc lỗi, nên thời điểm này học giáo viên bản địa là tốt nhất. Còn khi đã trưởng thành rồi, lựa chọn phù hợp nhất bây giờ lại là những giáo viên người Việt có trình độ xuất sắc. Bởi giáo viên Việt Nam luôn có cách để học viên hiểu nhanh nhất vì họ hiểu văn hóa Việt, họ có nhiều phép so sánh để học sinh Việt Nam dễ dàng tưởng tượng được. Đây là điều giáo viên bản địa sẽ khó thể nào làm được. Vậy nên ta có thể kết luận rằng: Chỉ nên học giáo viên bản địa khi một là mình rất trẻ, hoặc hai là mình phải rất... giỏi.
Kết thúc buổi chia sẻ rất thú vị với thầy Tùng, những câu chuyện về việc học tiếng Anh của thầy Tùng dù rất vui nhưng cũng để lại rất nhiều suy nghĩ. Chúc cho thầy Tùng cùng The IELTS Workshop sẽ ngày càng thành công, truyền cảm hứng về niềm đam mê và tinh thần của những người giáo viên tâm huyết, đáng nể trọng.