Không khó để nhận ra rằng trong nhiều năm trở lại đây những bộ phim đoạt giải Oscar thường chẳng được ai biết đến hoặc có doanh thu thê thảm tại phòng vé. Xa hơn, nhiều phim được các nhà phê bình đánh giá cao nhưng đều không mấy ăn khách. Trong khi đó, những bộ phim có nội dung tệ hại, đánh mạnh vào phần nhìn lại thu về hàng trăm triệu USD rồi tạo thành những thương hiệu dài hơi nhàm chán.
1. Resident Evil (Vùng Đất Quỷ Dữ)
Hiếm có thương hiệu nào lại được lòng khán giả đại chúng trong khi bị chính fan ruột quay lưng như Resident Evil. Được chuyển thể từ loạt trò chơi nổi tiếng cùng tên của Capcom nhưng Sony lại ngó lơ toàn bộ các nhân vật quen thuộc như Leon Kennedy, Chris Redfield mà đưa một cái tên xa lạ là Alice (Milla Jovovich) lên làm nữ chính.
Đồng thời, các phần phim thường xuyên mâu thuẫn về mặt nội dung khiến người xem thất vọng không ít lần. May mắn là những màn bắn súng mãn nhãn của Milla hay cắn xé máu me của bầy xác sống khát máu đã giúp thương hiệu thu về hơn 1,2 tỷ USD trên toàn thế giới.
2. Underworld (Thế Giới Ngầm)
Underworld có công thức giống với Resident Evil với thể loại kinh dị cùng một nữ chính bá đạo. Tuy nhiên, nó lại tệ hơn hẳn về mặt nội dung. Loạt phim có dàn nhân vật rất tiềm năng nhưng lại không thể khai thác một cách hợp lý. Kịch bản các phần Underworld khá nông cạn, tẻ nhạt và dùng đi dùng lại một mô-típ.
Nói không ngoa khi chính Kate Beckinsale là nhân tố giúp Underworld ra mắt đến 5 phần phim trong suốt 13 năm. Vẻ đẹp của mỹ nhân nước Anh cùng hàng loạt cảnh chiến đấu bạo lực đã mang về cho thương hiệu hơn 500 triệu USD so với phần kinh phí ít ỏi.
3. American Pie (Bánh Mỹ)
Phần đầu tiên của America Pie ra mắt năm 1999 vốn là một phim về giáo dục giới tính khi nói về những tò mò của tuổi dậy thì. Song, doanh thu cao so với kinh phí khiến ê kíp "thừa thắng xông lên" và khai thác sâu về vấn đề tình dục của giới trẻ Mỹ. Tuy nhiên, những phần phim sau đều có nội dung nhảm nhí và chẳng mang đến bất kỳ giá trị gì. Bù lại, nhà sản xuất rất biết chiêu đãi phần nhìn khi lồng ghép rất nhiều cảnh khỏa thân của các nữ diễn viên xinh đẹp và gợi cảm.
4. Pirates of the Caribbean (Cướp Biển Vùng Caribbean)
Dù mang về hàng tỷ USD cho Disney, Pirates of the Caribbean thực tế lại chưa bao giờ được các nhà phê bình đánh giá cao. Những lời chỉ trích thường nhắm vào thời lượng dài cùng nội dung rối rắm của các phần phim. Đồng thời, các tác phẩm cũng chẳng mang đến bất kỳ ý nghĩa nhân văn hay mục đích gì bởi bắt nguồn chỉ là một công viên giải trí tại Disneyland.
Song, ai cũng biết rằng tính giải trí chính là yếu tố "ăn tiền" của những tên cướp biển này. Johnny Depp đã quá xuất sắc trong vai Jack Sparrow và trở thành linh hồn của toàn bộ thương hiệu. Lối diễn xuất tưng tửng này cũng đã đi cùng tài tử trong gần 20 năm qua. Tuy nhiên, khi một thứ bị lặp đi lặp lại quá nhiều cũng sẽ phản tác dụng và dẫn đến thất bại của Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge (2017).
5. The Twilight Saga (Chạng Vạng)
Tuy luôn bị chê bai về mặt nội dung, The Twilight Saga vẫn khiến các fan nữ phát cuồng mỗi khi ra mắt phần mới. Có lẽ, câu chuyện tình như cổ tích giữa nữ người thường được chàng ma ca rồng điển trai và người sói cơ bắp tranh giành đã đánh trúng tâm lý của các thiếu nữ mới lớn. Họ cũng hiếm khi tiếp cận được một bộ phim ma cà rồng mà không bị xếp loại kinh dị hay máu me như Twilight.
Song, nam giới lẫn các nhà phê bình thì luôn cho rằng loạt phim này sến súa và nhảm nhí. Dàn nhân vật thì chẳng có chút chiều sâu khi yêu nhau chết đi sống lại sau một vài cái nhìn. Hình tượng ma cà rồng lẫn người sói đều bị lãng mạn hóa quá đáng so với quan niệm thông thường. Diễn xuất đơ cứng của bộ ba Kristen Stewart, Robert Pattinson hay Taylor Lautner cũng luôn bị đem ra chế nhạo.
6. Fifty Shades of Grey (50 Sắc Thái)
Có thể nói, Fifty Shades of Grey chính là phiên bản nâng cấp của Twilight khi đánh trúng tâm lý nữ giới và biết chiều lòng phái mạnh. Vừa tốt nghiệp ra trường đã lọt phải mắt xanh của tỷ phú và được yêu say đắm, sống trong nhung lụa cả đời hẳn là ước mơ của không ít cô gái. Những khó khăn bên lề chỉ giúp câu chuyện thêm thú vị mà thôi. Trong khi đó, các bạn trai hẳn chả quan tâm gì nội dung mà chủ yếu chỉ đi xem cảnh nóng.
Thực tế thì Fifty Shades of Grey chỉ vỏn vẹn có yếu tố bạo dâm và khỏa thân mà thôi. Ngoài ra, nội dung phim hoàn toàn sáo rỗng và chẳng có bất kì giá trị gì. Phim cũng chả có câu thoại hay cảnh quay nào đáng nhớ. Dàn nhân vật của thương hiệu thì rỗng tuếch và chỉ biết có tình dục. Nhiều người khó tính còn chỉ ra rằng loạt phim từ tiểu thuyết của E. L. James phản giáo dục cực nặng.
7. Transformers (Người Máy Biến Hình)
Transformers là minh chứng rõ ràng nhất cho việc "cái đẹp đánh chết cái nết". Loạt phim đều sở hữu phần kịch bản dài dòng, rắc rối hay thậm chí là phi lý. Thậm chí, nhiều phần còn mâu thuẫn với chính những gì diễn ra trước đó và tạo nên vô số lỗ hổng về mặt nội dung. Ngay cả các fan cứng cũng khó lòng mà hiểu được những gì đang diễn ra trên màn ảnh.
Song, Transformers vẫn thu về hàng tỷ USD nhờ yếu tố cháy nổ đặc trưng của Michael Bay. Khán giả dường như chẳng cần quan tâm phim nói về cái gì mà chỉ cần một loạt người máy "cool ngầu" lao vào bắn nhau chí chóe là đủ. Không những vậy, các kiều nữ trong phim như Megan Fox hay Rosie Huntington-Whiteley luôn xuất hiện trong trang phục gợi cảm nhất để đốt mắt cánh đàn ông – đối tượng chính của thương hiệu.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.