7 kiểu cha mẹ càng dạy con càng hư

Vũ Tùng, Theo Giáo dục và Thời đại 08:51 23/08/2022
Chia sẻ

Dạy con thành người tốt, người có ích cho xã hội là mong muốn chính đáng của cha mẹ. Thế nhưng, nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng dạy con càng nguyên tắc càng tốt và cứng rắn, không nhân nhượng mới có thể khiến con ngoan.

7 kiểu cha mẹ càng dạy con càng hư - Ảnh 1.

Đánh mắng con mà không đưa lời giải thích là cách dạy con sai trái (hình minh họa)

Có thể họ đúng, nhưng ranh giới cũng rất mong manh, đôi khi tác dụng lại ngược lại.

Có một số cách dạy con sai lầm mà cha mẹ nên tránh như đánh mắng con ở nơi đông người, bất đồng quan điểm nuôi dạy, luôn bào chữa thay, ra lệnh mà không giải thích…

Đánh mắng con ở chốn đông người

Không khó để chứng kiến cảnh này. Trên xe buýt, trong chợ, ở bến xe hay thậm chí ở nhà chờ sân bay. Đứa bé càng ương bướng, la hét, bà mẹ càng điên cuồng đánh mắng để chiến thắng. Bà mẹ này đã trực tiếp dạy con mình rằng, khi tức giận, con “có quyền” làm tổn thương người khác!

Điều đó là sai. Một đứa bé cũng cần được giữ thể diện, ở chốn đông người càng cần hơn. Người mẹ có thể muốn chứng tỏ rằng, mình cũng biết như thế là hư, và mình không chấp nhận con hư như thế. Nhưng hành động này lại chứng tỏ là bà chẳng biết gì về dạy dỗ con cái.

Toàn đưa ra mệnh lệnh và luôn chỉ trích

Sai lầm này hầu hết các bà mẹ đều mắc phải. Họ nghĩ rằng, thông điệp đơn giản trẻ sẽ dễ nghe theo nhưng họ quên rằng, khi trẻ hiểu ra vấn đề, trẻ sẽ nghe lời hơn.

Thay vì ra lệnh trong siêu thị “không được cầm cái này” bạn có thể nói “bình hoa rất nặng, con cầm lên sẽ bị rơi vỡ, mình phải đền rất nhiều tiền và chân con có thể bị đau”. Tương tự, thay vì nói “không được uống nước mía” bạn có thể giải thích “nước mía ở bến xe không vệ sinh, mẹ sợ con đau bụng”…

Nhiều cha mẹ mong con hoàn hảo, nhưng thay vì động viên, khen ngợi, họ chỉ chê trách, mắng mỏ. Điều này dễ khiến trẻ bất mãn, tự ti vào bản thân.

Cha mẹ bất đồng quan điểm nuôi dạy

Nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cha lẫn mẹ, việc cha mẹ có quan điểm và cách làm khác nhau, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm con trẻ đứng giữa không biết phải nghe ai. Đứa trẻ khi nghe quan điểm của bố có thể nghĩ mẹ đang quá nghiêm khắc hoặc không công bằng với mình. Từ đó, trẻ nảy sinh tâm lý bất mãn, muốn chống đối.

Cho con quá nhiều lựa chọn

Những đứa trẻ chỉ có một hoặc hai món đồ chơi sẽ luôn nhớ về món đồ đó suốt thời thơ ấu, thậm chí là cả đời. Ngược lại, khi có quá nhiều sự lựa chọn, trẻ khó có trọn vẹn niềm yêu thích và hạnh phúc.

Nêu gương xấu cho con

Trẻ con như tờ giấy trắng, trẻ học hỏi từ việc quan sát những người gần mình nhất, không ai khác là bố mẹ. Ví dụ, bạn khỏe mạnh nhưng lại xếp hàng ở lối dành cho người khuyết tật, con bạn cũng có thể bắt chước vậy.

Luôn bào chữa cho con

Trẻ nhỏ giận dữ là bình thường, nhưng nếu mất kiểm soát, chúng có thể bị rối loạn hành vi. Không ít cha mẹ sẽ tìm lý do và bào chữa tại sao con cư xử không tốt mà không thừa nhận.

Trẻ thô lỗ do thiếu kỹ năng xã hội, điều này xảy ra khi cha mẹ luôn nói thay cho trẻ. Hãy để con tự do nói ra mong muốn, suy nghĩ của mình. Như vậy, con trẻ mới cảm thấy được tôn trọng và gia tăng sự tự tin cho bản thân.

Ra lệnh cho con mà không giải thích

Nhiều người nghĩ rằng sinh con ra, nuôi khó nhọc thì nhờ vả, sai vặt chút không sao. Tuy nhiên, con trẻ có thể nổi loạn vì thấy bị đối xử bất công. Cha mẹ chỉ cần giải thích cho con lý do vì sao họ muốn đứa trẻ làm vậy. Lời giải thích hợp lý và nhất quán của cha mẹ sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày