Chỉ mới 6 tháng đầu năm 2020 trôi qua, Sở Y tế Hà Nội đã ghi nhận 634 ca mắc sốt xuất huyết trên toàn thành phố (phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã và 198/579 xã, phường, thị trấn), giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Thế nhưng, tình trạng người mắc sốt xuất huyết lại có chiều hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần trở lại đây. Ở một số xã còn ghi nhận nhiều bệnh nhân và ổ dịch có diễn biến phức tạp như Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).
Trước tình hình thời tiết nắng nóng bất thường, mưa xuất hiện bất chợt đã tạo điều kiện cho dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành trở lại trong mùa hè. Thực tế, ở nhiều địa phương tại Việt Nam vẫn chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho y tế và thậm chí có một bộ phận người dân cũng chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, chưa có ý thức trong việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy)... nên tình trạng bệnh mới khó kiểm soát.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, mỗi người dân trong cộng đồng cần có ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình. Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Source (Nguồn): Bộ Y tế