Dù chỉ nhìn lướt qua vài giây, bất kể là trong buổi hẹn hay ngoài đường, hẳn ít nhiều bạn cũng đã có những nhận định về đối phương, họ hiền lành hay có chút dân "anh chị".
Những tưởng nhận định này chỉ là cảm tính, song điều đáng ngạc nhiên là trong một số trường hợp, ấn tượng ban đầu của ta về một người có thể hoàn toàn chính xác.
Không phải tự dưng mà các cụ đã đúc kết nên câu "Trông mặt mà bắt hình dong". Bởi dưới góc nhìn khoa học, gương mặt của một người thực sự có thể nói lên nhiều điều.
1. Nếu bạn có ngoại hình bắt mắt, mọi người tin bạn sở hữu nhiều phẩm chất tốt khác
Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng hào quang". Chúng ta thường giả định rằng, người có vẻ ngoài đẹp đẽ sẽ sở hữu cả những phẩm chất tốt đẹp khác như trí thông minh, sự tận tụy.
Người có ngoại hình đẹp hơn thường có lợi thế trong học tập, làm việc
Daniel Hamermesh - một nhà tâm lý học thuộc Đại học Texas nghiên cứu về vẻ đẹp tại nơi làm việc nhận thấy rằng, ngoại hình có một sự ảnh hưởng nhất định đến công việc. Sự thiên vị này bao gồm việc những người có vẻ ngoài đẹp thường có xu hướng được trả lương cao hơn tại nơi làm việc.
Tương tự trong một nghiên cứu về nam sinh, người tham gia được yêu cầu đánh giá bài luận không đề tên của một nữ sinh cùng khóa. Những người tham gia đã đưa ra đánh giá về bài luận tốt hơn khi họ được cho thấy bức ảnh một người phụ nữ hấp dẫn mà họ tin là tác giả. Điều này hoàn toàn trái ngược với kết quả khi họ nhìn ảnh một phụ nữ kém hấp dẫn hoặc không có hình ảnh nào cả.
2. Người khác có thể biết được tính cách của bạn nhờ nhìn qua ảnh
Thật đáng ngạc nhiên là chỉ nhờ vào quan sát một bức ảnh chân dung, mọi người hoàn toàn có thể nói lên chính xác tính cách của bạn.
Trong một nghiên cứu năm 2009, các nhà nghiên cứa đã cho người tham dự quan sát những bức ảnh của 123 sinh viên chưa tốt nghiệp của Đại học Texas tại Austin. Những sinh viên này được chụp ảnh theo cách họ muốn và giữ biểu cảm tự nhiên.
Bất kể sinh viên này chụp ảnh ở đâu, người xem đều đưa ra được nhận định đúng nhiều hơn so với mong đợi như: họ có hướng ngoại hay không, mức độ tự tin thế nào, sự hài lòng...
3. Cấu trúc gương mặt có thể nói lên mức độ hung hăng của bạn
Một nghiên cứu nhỏ năm 2013 của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thay đổi Hành vi tại Đại học London cho thấy, đàn ông có mức hormone testosterone cao nhiều khả năng sở hữu khuôn mặt rộng và gò má lớn.
Người đàn ông sở hữu cấu trúc gương mặt trên cũng có xu hướng hung hăng hơn và có khả năng kiềm chế cảm xúc kém hơn.
4. Sử dụng cấu trúc gương mặt để đánh giá mức độ mạnh mẽ
Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà khoa học đã cho người tham gia xem bức ảnh của 10 người với 5 biểu hiện khuôn mặt khác nhau. Sau đó họ cần đánh giá mức độ thân thiện, đáng tin cậy hoặc mạnh mẽ của người trong ảnh.
Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên, người tham gia khảo sát có khuynh hướng cho rằng người có biểu hiện vui vẻ sẽ thân thiện và đáng tin cậy hơn người có biểu hiện giận dữ. Họ cũng có xu hướng đánh giá những người có gương mặt rộng mạnh mẽ hơn.
5. Nếu bạn nhìn "không đáng tin cậy", bạn sẽ dễ bị xem như một tội phạm
Một số chúng ta có được vẻ bề ngoài đáng tin cậy hơn người khác, nhưng đôi khi điều này chỉ là hệ quả của việc thay đổi lối sống.
Các nhà nghiên cứu từ Israel và Anh đã cho tình nguyện viên quan sát những bức ảnh của nam giới và phụ nữ được chọn ngẫu nhiên từ hai cơ sở dữ liệu hình ảnh, rồi để họ đánh giá thái độ tình cảm, tính cách tiêu biểu và vẻ "hình sự" của những người trong hình.
Bộ ảnh đầu tiên đến từ một cơ sở dữ liệu ảnh chân dung những người bị bắt của cảnh sát; bộ thứ hai là những bức ảnh được set up kỹ lưỡng, trong đó các diễn viên thể hiện biểu cảm hạnh phúc, tự nhiên, hoặc tức giận.
Kết quả cho thấy bất kể những bức ảnh này đến từ đâu, người có khuôn mặt "gian gian" thường bị coi là tội phạm. Trong các bức ảnh được sắp đặt, khuôn mặt tức giận thường được xem là người phạm tội nhiều nhất.
6. Đối với đàn ông, chiều dài ngón tay bật mí nguy cơ mắc ung thư
Các nhà khoa học đã nghiên cứu độ dài ngón tay của 1.500 bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt và 3.000 người đàn ông khỏe mạnh trong suốt 15 năm, bằng cách yêu cầu họ nhìn vào hình ảnh của bàn tay và chọn một hình giống như tay họ.
Kết quả chỉ ra rằng những người đàn ông sở hữu ngón trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn sẽ ít có nguy cơ mắc chứng bệnh ung thư tuyến tiền liệt hơn số còn lại. Kết quả này đặc biệt đúng với nhóm nam giới dưới 60 tuổi.
Tuy nhiên nghiên cứu này dựa trên chiều dài ngón tay được ghi nhận của nam giới chứ không phải các phép đo thực tế, vì vậy cần có thêm các nghiên cứu khác để khẳng định kết quả.
7. Và chiều cao của bạn có thể tiết lộ nguy cơ bệnh tật
Các nghiên cứu cho thấy những người cao có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn, trong khi người lùn sẽ có tỷ lệ mắc ung thư thấp hơn người cao.
Tác động này được cho là do lượng hormone tăng trưởng có thể bảo vệ chống lại một số bệnh nhưng làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác. Tuy nhiên, không phải cứ cao hay thấp là bạn sẽ không mắc phải những căn bệnh này.
Nguồn: ScienceAlert