Khi dọn vào ngôi nhà mới, chúng ta mang theo niềm háo hức, mong chờ một cuộc sống thoải mái và ấm áp. Mỗi góc nhỏ trong nhà, mỗi món nội thất... đều được tỉ mỉ sắp xếp và chăm chút.
Tuy nhiên, theo thời gian, tại sao sự gọn gàng, ngăn nắp và thoải mái ban đầu lại biến mất? Ngôi nhà ngày càng xấu đi, thậm chí còn có cảm giác không muốn ở. Mọi ngóc ngách trong nhà đều bừa bộn. Dù có quần quật dọn dẹp vẫn thấy chẳng xi nhê.
Những thay đổi của môi trường sống thực ra có liên quan rất nhiều đến thói quen hàng ngày của chúng ta. Chính vì những thói quen xấu mà ngôi nhà càng nhìn càng thấy giống "bãi chiến trường".
Nếu muốn thay đổi, trước hết bạn phải học cách dứt khoát buông bỏ 6 thói xấu này đi!
Càng có nhiều đồ đạc trong nhà, ngôi nhà càng trông lộn xộn và có cảm giác "rẻ tiền". Tôi biết rằng có một số người, mặc dù nhà không còn chỗ chứa nhưng vẫn tiếp tục tích trữ.
Tủ bếp đầy ắp, tủ lạnh đầy ắp, thậm chí cả lối đi, hành lang, cửa ra vào... bất cứ nơi nào cũng "ê hề" đồ đạc. Nào là chai thủy tinh đựng thực phẩm đã qua sử dụng, túi đựng quần áo, giỏ đựng trái cây, túi nilon, quà tặng miễn phí từ siêu thị...
Hãy nghĩ mà xem, với quá nhiều đồ đạc linh tinh như vậy, dù bạn có dọn dẹp và sắp xếp lại cỡ nào thì cũng khó cải thiện được sự bừa bộn, tù túng của không gian. Giải pháp chỉ có thể là bạn hãy tìm cách tái chế, hoặc hãy mạnh tay vứt bỏ những thứ "chật nhà" này!
Một số người dọn nhà như "chuồn chuồn lướt trên mặt nước", chỉ lau bề mặt và bỏ qua các góc, khe hở và gầm đồ nội thất. Theo thời gian, trên bàn bếp xuất hiện một lớp mỡ dày, trên bồn cầu xuất hiện những vết ố vàng hay thậm chí cả kính phòng tắm cũng bị phủ một lớp gỉ sét.
Bởi vậy, đối với việc dọn dẹp vệ sinh bạn hãy thực hiện thường xuyên, liên tục và kĩ càng. Trong trường hợp bất khả kháng không thể tự tay dọn dẹp, bạn có thể cân nhắc đến các dịch vụ dọn nhà theo giờ hoặc vệ sinh công nghiệp.
Lối vào nhà là "bộ mặt" của gia đình, nhưng nhiều người thường lại có thói quen xấu: Vứt giàu dép lộn xộn, chất đống lên nhau khiến lối vào trở nên bừa bộn.
Trên thực tế, bạn có thể thay đổi bằng cách vứt bỏ những đôi giày quá cũ, không thể sử dụng. Cất gonnj những đôi giày bạn đi ra đi vào hằng ngày vào tủ hoặc giá để giày. Khi nhìn thấy sự gọn gàng, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy sảng khoái ngay lập tức.
Sau khi ăn xong, một số người chất chồng bát đũa vào bồn rửa và tự nhủ: "Mình sẽ rửa sau". Nhưng thời gian chờ có thể kéo dài một, hai ngày hoặc thậm chí là một tuần.
Trong bếp, bát đũa chất thành đống như núi, thức ăn thừa đã ngả vàng ngâm trong bồn rửa, mùi chua nồng nặc trong không khí. Trong một căn bếp như thế này, cần phải có lòng can đảm để bước vào chứ đừng nói đến việc nấu ăn.
Nếu bạn không rửa chén bát kịp thời, vi khuẩn sẽ "mở tiệc" trong bếp, lâu dần sẽ còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vậy nên, khi nấu ăn, gia đình bạn nên phân chia công việc và hợp tác với nhau. Nếu bạn thực sự không muốn rửa bát bằng tay hoặc quá bận rộn để làm điều này thì hãy cân nhắc lắp đặt máy rửa chén.
Nhiều người vứt áo khoác và quần lên ghế sofa khi về nhà sau giờ làm. Ngày hôm sau, cảm thấy không muốn mặc quần áo của hôm qua nữa, vì vậy quần áo cởi ra chất đống trên ghế sofa. Cứ như vậy, lặp đi lặp lại điều này, chiếc sofa không còn là nơi để ngồi thư giãn mà trở thành "bãi chiến trường".
Nhiều người bỏ qua tầm quan trọng của việc giữ sàn nhà sạch sẽ mà không biết rằng, một khi sàn nhà bẩn, có thể nói là cả ngôi nhà đều bẩn.
Bởi vậy, ngay khi thấy một dấu hiệu của vết bẩn như dầu mỡ, sợi tóc, thức ăn thừa... văng vãi trên sàn nhà, bạn hãy lập tức lau dọn chúng. Đừng để những vết bẩn tích tụ lâu dài, lúc đó việc làm sạch sẽ trở nên khó khăn, thậm chí khiến bạn nản lòng.
Theo: Toutiao