Ở Nhật Bản, trường học và giáo dục nói chung được xem là nền móng quan trọng của cuộc sống. Đó là lý do vì sao số ngày học trong năm tại đất nước Mặt trời mọc lên tới 210 ngày (trong khi ở Mỹ là 180 ngày). Và dù có nhiều điểm tương đồng, hệ thống giáo dục của Nhật Bản cho thấy những sự khác biệt, qua đó trở thành một trong những hệ thống hiệu quả nhất trên thế giới.
Sự khác biệt giữa thế giới và Nhật Bản về hệ thống giáo dục
Nghe có vẻ kỳ dị, nhưng các trường học Nhật Bản đặt thái độ lên trên kiến thức. Trong 3 năm đầu của tiểu học, giáo dục Nhật Bản sẽ tập trung vào phát triển tính cách cho trẻ, tạo lập thái độ tốt chứ không phải đánh giá về kiến thức.
Trẻ em sẽ được học sự đồng cảm, khuấy động niềm đam mê và xây dựng tính cách hào phóng. Ngoài ra, sự tôn trọng với người khác cũng được đặt lên trên, đồng thời phải có sự gắn kết với tự nhiên và động vật.
Các trường học trên thế giới - đặc biệt là tại phương Tây - sẽ có nhân viên phụ trách giữ cho lớp học sạch đẹp. Nhưng ở Nhật Bản thì không. Người giữ vệ sinh cho lớp học là học sinh. Những đứa trẻ sẽ chịu trách nhiệm lau dọn phòng học, căn tin và cả nhà vệ sinh nữa.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản tin rằng việc cùng nhau dọn dẹp sẽ giúp các học sinh hiểu nhau hơn, dễ làm việc nhóm - những kỹ năng cần thiết khi trưởng thành. Hơn nữa khi trực tiếp lau dọn, lũ trẻ cũng sẽ học được cách trân trọng công việc của người khác.
Rất hiếm quốc gia để giáo viên ăn chung với học sinh, nhưng ở Nhật Bản lại là chuyện bình thường. Việc cùng nhau dùng bữa được cho là sẽ giúp mối liên hệ giữa giáo viên - học sinh trở nên gắn kết hơn, vì nó tạo không khí giống như bữa cơm gia đình.
Hơn nữa, các bữa ăn cho học sinh tại Nhật luôn chú trọng sự cân bằng. Trong các trường công lập, bữa trưa được nấu theo thực đơn tiêu chuẩn của chuyên gia y tế và các đầu bếp chuyên nghiệp.
Các buổi thực hành và học thêm sau giờ là hoạt động rất thường thấy ở Nhật Bản. Nhờ vậy, học sinh có điều kiện tiếp nhận thêm những điều mới mà 6h học tại trường không đủ thời gian để cung cấp.
Các lớp học như vậy được tổ chức vào buổi tối, và đa số học sinh Nhật Bản đều tham gia. Hơn nữa, học sinh Nhật Bản vẫn tự học xuyên suốt cuối tuần và các dịp nghỉ lễ.
Thư pháp Nhật Bản - còn gọi là Shodo - là một nghệ thuật viết chữ của người Nhật trên bộ chữ kanji. Còn Haiku là một thể loại thơ khá đơn giản trong văn hóa của đất nước này. Và cả hai loại hình nghệ thuật trên đều được dạy trong trường học, để trẻ em biết cách trân trọng truyền thống văn hóa của đất nước hơn.
Ở Nhật Bản, các tuýp màu để dạy hội họa cho trẻ em của họ không có tên. Tên gọi màu sắc chỉ dành cho 3 màu cơ bản: đỏ, vàng và xanh lam. Toàn bộ các màu sắc khác, thay vì ghi tên, bao bì sẽ có công thức pha trộn để tạo ra màu sắc đó. Ví dụ xanh lá cây được tạo ra từ vàng hoặc lam.
Việc này sẽ giúp trẻ hiểu hơn về nền tảng cơ bản của màu sắc, đồng thời dạy chúng cách kết hợp và tạo ra màu mới theo những cách thú vị nhất.