Dù tuyển sinh đại học năm 2023 chưa kết thúc, nhiều trường đại học vẫn đang tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung, song nhiều cơ sở lại rục rịch lên phương án, kế hoạch tuyển sinh năm 2024.
Đại học Quốc gia Hà Nội
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, kỳ thi Đánh giá năng lực (HAS) năm 2024 dự kiến tổ chức thành 6 đợt. Kỳ thi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6/2024, với quy mô dự tính khoảng 75 nghìn lượt thi.
Theo kế hoạch, kỳ thi dự kiến tổ chức thi tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cổng đăng ký dự thi tiếp nhận từ 18/2/2024. Thí sinh thi tối đa 2 lượt/năm, thời gian đăng ký dự thi giữa 2 ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (kể cả ngày nghỉ, lễ, cuối tuần) tùy theo nguyện vọng. Lệ phí dự thi Đánh giá năng lực năm 2024 là 500 nghìn đồng/lượt.
5 trường đại học đầu tiên công bố phương án tuyển sinh 2024. (Ảnh minh hoạ)
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy, gấp đôi năm nay, để lấy kết quả xét tuyển đại học 2024.
Đợt thi đầu tiên dự kiến tổ chức ngay từ tháng 12 năm nay, trong hai ngày 2-3/12. Năm đợt thi còn lại được tổ chức trong năm 2024, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6.
Thí sinh tham gia kỳ thi này sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi với thời hạn 2 năm và có thể sử dụng điểm số kỳ thi này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả.
Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến địa điểm tổ chức thi gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… Nội dung, hình thức thi giữ nguyên như năm 2023. Theo đó, bài thi Đánh giá tư duy gồm ba phần: Toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tái hiện, suy luận và bậc cao).
Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Kỳ thi TSA không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi tư duy đã hình thành trong quá trình học.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, phương hướng tuyển sinh năm 2024 và từ năm 2025, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ, tuyển sinh năm 2024, nhà trường sẽ giữ ổn định chỉ tiêu, phương thức xét tuyển như năm 2023.
Theo đó, trường dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng xét tuyển kết hợp lên 80%, tuyển thẳng 2%. “Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp mà không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh”, PGS.TS Bùi Đức Triệu thông tin.
Ông Triệu cũng cho biết thêm, dự kiến từ năm 2025, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường (các trường trực thuộc đơn vị).
Trường Đại học VinUni
Trường Đại học VinUni cũng chính thức mở cổng tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Nhà trường tuyển sinh đại học các khối ngành thuộc 4 viện.
- Cử nhân Quản trị kinh doanh với 6 chuyên ngành: Tài chính, Marketing, Quản lý chuỗi cung ứng và vận hành, Quản trị khách sạn, Khởi nghiệp, Phân tích kinh doanh (Viện Kinh doanh Quản trị).
- Cử nhân các ngành: Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Cơ khí, Khoa học Máy tính và Khoa học Dữ liệu (Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính).
- Bác sĩ Y khoa, Cử nhân Điều dưỡng (Viện Khoa học Sức khỏe).
- Cử nhân các ngành: Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Kinh tế (Viện Khoa học và Giáo dục khai phóng).
Lộ trình tuyển sinh gồm 3 giai đoạn: Đợt tuyển sinh Early (kỳ sớm) từ ngày 15/10/2023 - 15/1/2024; Đợt tuyển sinh Regular (kỳ thường) từ 15/2 - 15/5/2024 và Đợt tuyển sinh Rolling (kỳ cuốn chiếu) từ 15/6 - 15/8/2024.
GS David Bangsberg, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh VinUni cho biết, điểm khác biệt so với kỳ tuyển sinh năm 2023 là thay vì chờ đến cuối mỗi đợt tuyển sinh mới chốt và duyệt hồ sơ, năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ lọc và xét duyệt hồ sơ ngày 15 hằng tháng.
Cách thức này linh hoạt hơn mọi năm bởi thời gian xét tuyển rõ ràng, gọn gàng khi ứng viên có thể biết kết quả học bổng sau 1 tháng, kết quả hỗ trợ tài chính sau 2 tháng. Xét duyệt hằng tháng cũng giúp ứng viên ứng tuyển dễ dàng, chủ động hơn trong việc lên kế hoạch nộp hồ sơ.
Trường Đại học Thương mại
Dự kiến năm 2024, trường Đại học Thương mại đưa vào tuyển sinh 8 chương trình theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường đồng thời cho biết, 8 chương trình gồm: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh); Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn);
Marketing thương mại (ngành Marketing); Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB - ngành Kế toán); Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính - Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính - Ngân hàng); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực).
“Từ năm 2024, trường Đại học Thương mại đưa thêm 2 chương trình đào tạo chuẩn gồm: Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính - Ngân hàng); Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử)”, PGS.TS Nguyễn Hoàng thông tin và khẳng định, quan điểm nhà trường là đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đem lại kiến thức chuyên môn và kỹ năng thành thạo cho người học.
Qua đó, người học có cơ hội việc làm đúng lĩnh vực đào tạo và có thể bắt tay ngay vào công việc. Ngoài ra, người học tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng chuyên môn nghề nghiệp quốc tế phải thành thạo ngoại ngữ, tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.