Trong suốt cuộc trò chuyện chớp nhoáng với phóng viên tại phòng làm việc của Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1, người phụ nữ tự xưng “hot girl Bella” nhất quyết để con nằm trên xe đẩy, hướng chiếc xe đẩy vào phía góc phòng và chỉ yên tâm nói chuyện khi đứa bé đã được che chắn rất kỹ, duy nhất đôi chân nhỏ thò ra phía ngoài.
Bất chấp thời tiết ngoài trời rất nóng, chiếc xe đẩy vẫn được chị Hà kéo mái che cẩn thận, thậm chí phủ thêm một chiếc áo khoác dạ rất dày lên để khỏi ai nhìn thấy con mình. Mặc cho mọi người khuyên nhủ, dỗ dành bế con ra ngoài cho thoáng khí, chị Hà vẫn một mực cáu gắt không cho ai lại gần chiếc xe với lý do: “nó thấy người lạ là nó khóc đấy”.
Cả khi đứa bé ọ ẹ, người mẹ này vẫn không chịu bế con lên. Chỉ đến lúc người xung quanh nói gắt: “em dỗ con đi đã” thì chị Hà mới chịu cầm một tay vào tay xe đẩy, đưa qua đưa lại vài cái rồi nói duy nhất một câu: “con, không khóc nữa”.
Trộm vía, đứa bé mới 1 tuổi như đã quen với chiếc xe đẩy chật chội, bí khí và thiếu sáng, nóng đến độ người nổi đầy rôm sẩy, mồ hôi nhễ nhại nhưng chỉ cần nghe thấy câu nói kia của người mẹ là im bặt. Một lúc sau, phóng viên tìm mọi cách để tiếp cận chiếc xe và nhìn trộm, thấy đứa bé đã ngoan ngoãn ngủ trong tư thế vẹo cổ rất khổ sở. Người mẹ buộc phải chỉnh lại tư thế nằm cho con trước yêu cầu của người xung quanh, song vẫn kiên quyết không cho ai bế con ra khỏi chiếc xe.
Sổ tiêm chủng ghi tên con trai của Đoàn Thúy Hà bị vẽ nguệch ngoạc
Hỏi về tình trạng sức khỏe của đứa con vừa tròn 1 tuổi, chị Hà nói con mình vẫn bình thường và đẹp như mọi người vẫn thấy trong các “MV” (clip – PV) mà mình đăng trên mạng xã hội. Như để minh chứng cho việc mình vẫn chăm sóc con tử tế, chị Hà rút từ trong chiếc túi đang đeo quyển sổ theo dõi tiêm chủng của con. Cuốn sổ ghi tên đứa bé là Đoàn Thiên Hoàng Peter, sinh ngày 23-6-2017, mẹ là Đoàn Thúy Hà, địa chỉ ở Kiến Quốc – Ninh Giang – Hải Dương.
Bìa trong, bìa ngoài và cả phía trong cuốn sổ, nhiều chỗ chi chít những hình vẽ loằng ngoằng. Các trang ghi chú mũi tiêm trống trơn, duy chỉ có 2 mũi tiêm được ghi chú đã thực hiện là tiêm phòng viêm màng não cầu khuẩn BC tiêm ngày 23-3-2018 (mũi tiêm nhắc lại vào ngày 23-5-2018 nhưng chưa được thực hiện) và tiêm phòng sởi – quai bị - rubella tiêm ngày 29-3-2018 (mũi tiêm nhắc lại vào ngày 22-9-2018). Đoàn Thúy Hà liến thoắng giải thích rất nhanh trước khi có ai kịp hỏi thêm về cuốn sổ tiêm sơ sài: “Nó (đứa con của Hà – PV) xé rồi, nó toàn xé thôi, rách hết cả đây này chứ tiêm không thiếu mũi nào”.
Nói đoạn, người phụ nữ này rút ra thêm mẩu giấy nhỏ xé từ cuốn sổ tiêm, được vo tròn nhưng vuốt phẳng ra thì cũng chẳng có chữ gì. Hỏi từ lúc sinh con ra, cháu bé có phải đi viện lần nào chưa, chị Hà khẳng định: "Chưa đi viện lần nào, mới chỉ vào viện Hà Đông tiêm viêm màng não các kiểu".
Sau cuộc trò chuyện, chị Hà đẩy xe đưa con về căn phòng mà hai mẹ con được bố trí ở trong thời gian lưu trú tại Trung tâm. Về đến phòng, người phụ nữ 32 tuổi vơ vội bộ quần áo đồng phục được cán bộ của Trung tâm phát rồi nhanh nhảu bảo: "Để đấy tí trả họ, chiều em về, mà chị hỏi xem Trung tâm bao giờ cho em về?". Chiếc túi xách to đựng đủ thứ từ quần áo đến bỉm, sữa và các vật dụng sinh hoạt được chị này đặt trên giường dễ chừng nặng đến hơn chục cân. Đây cũng là chiếc túi mà nhiều lần người ta bắt gặp người mẹ này chất lên chiếc xe đẩy, đè lên cả chỗ nằm của đứa con nhỏ, chỉ đủ cho đôi chân bé bỏng thò ra ngoài.
- Có người nhà vào thăm, em có gặp không?
- Có chị ạ, người nhà đến đón thì em về.
- Về xong có đi lang thang nữa không?
- Có "sô" thì em lại đi, người ta cho mình tiền thì mình phải đến tận nơi mà lấy chứ.
- Thế xong em lại mang theo con khắp nơi như trước kia sao?
- Con theo mẹ là tốt nhất.
Trong cuộc trò chuyện, Đoàn Thúy Hà tỏ ra rất "tỉnh" trước những câu hỏi liên quan đến đứa con của mình. Người mẹ này nhiều lần khẳng định việc mình vẫn chăm sóc con chu đáo và tử tế, thậm chí luôn biết cách "rào đón" như kiểu biết trước mọi người sẽ hỏi tại sao mắt đứa bé bị bầm tím, tại sao đứa bé không được phép ra khỏi chiếc xe nôi... Đoàn Thúy Hà tự kể, đứa bé rất nghịch, mắt bị tím là do bẻ gãy gọng kính của mẹ, xong cái gọng này đâm vào chỗ mắt nên bị sưng tím (!?), rồi đứa bé không thích người lạ, gặp người lạ là sẽ khóc, còn nếu để con ra ngoài chỗ có đám trẻ khác hoặc đi nhà trẻ thì có thể bị đánh, bị bắt cóc...
Đứa con 1 tuổi của người phụ nữ này chỉ được bế ra khỏi chiếc xe đẩy khi người nhà của Đoàn Thúy Hà vào thăm. Nói thế nào cũng không được, chỉ khi bảo rằng: "cho bế thì mới bảo lãnh để cho về" thì "Bella" mới miễn cưỡng bế con ra khỏi xe. Đứa trẻ đang ngủ trong tư thế vặn vẹo khổ sở, được bế ra khỏi xe lập tức tỉnh giấc, mắt mở to tròn vo ngơ ngác, không có biểu hiện gì của việc "sợ người lạ, thấy người lạ sẽ khóc" như mẹ mình nói. Thậm chí, khi đang được mẹ ôm ở trong lòng, thấy người lạ lại gần, cậu bé còn chủ động giơ hai tay theo.
Lần hiếm hoi được bế ra khỏi chiếc xe đẩy, đứa con của "Bella" lập tức được người dì vào thăm thay quần áo mới cho vì người đẫm mồ hôi. Cậu bé ngoan, không khóc, nhưng cũng không cười từ lúc được bế ra khỏi xe cho đến lúc lại bị đặt vào. Đôi chân xạm đen vì cháy nắng, có vết bầm tím nhỏ. Đôi chân là thứ duy nhất của con mà Đoàn Thúy Hà để "lộ thiên" khi di chuyển khắp nơi nên phần da ở đôi bàn chân bé bỏng xạm đen, đen hơn tất cả phần da còn lại trên người.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1
Chia sẻ về trường hợp của Đoàn Thúy Hà, ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 cho biết, Trung tâm tiếp nhận thông tin và đón chị Hà từ phía Công an Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ tối ngày 29-6. Ban đầu, khi được đưa vào Trung tâm, Đoàn Thúy Hà dù đã được giải thích, phổ biến về việc tạm thời lưu trú tại đây để được chăm sóc song vẫn giữ thái độ không hợp tác, không cho cán bộ tiếp xúc hay chăm sóc con mình. Vì vậy, cán bộ Trung tâm đã phải rất khó khăn để tiếp cận và chăm sóc đứa bé.
Tuy nhiên sau vài ngày lưu trú tại đây, không được sử dụng điện thoại, không thể truy cập vào mạng xã hội thì người mẹ này đã có sự chuyển biến và thay đổi, chịu để cán bộ của Trung tâm thăm khám và lo lắng chuyện ăn uống cho con, bắt đầu chịu giao tiếp với người xung quanh, nói năng hòa nhã hơn. Đặc biệt, Đoàn Thúy Hà còn tham gia hát tặng bà con trong Trung tâm trong một buổi giao lưu văn nghệ.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Quảng, qua quan sát theo dõi về trường hợp của Đoàn Thúy Hà và tiếp nhận ý kiến trao đổi lại của các cán bộ Trung tâm thì người mẹ này có nhiều biểu hiện không ổn định trong cách nói năng, cụ thể là hay nói năng huyên thuyên, nhiều khi bất nhất trong lời nói, câu trước vừa nói thế này, câu sau đã nói khác. Không chỉ vậy, chị Hà cũng không để ý quan tâm tới việc chăm sóc con chu đáo.
"Đáng ra như người mẹ bình thường, thấy con khóc thì phải bế con ra khỏi xe xem tại sao con khóc, nâng niu dỗ dành, nhưng trường hợp này thì người mẹ không có bất kỳ hành vi nào để cảm nhận việc con mình vì sao khóc, không dỗ dành. Thời tiết nóng nực thế này nhưng chị Hà vẫn để con nằm trên xe nôi gần như toàn bộ thời gian trong ngày, trong khi cháu đang tuổi chập chững tập đi. Nếu người mẹ quan tâm chu đáo đến sự phát triển bình thường của một đứa trẻ thì sẽ không làm như vậy. Cán bộ nhân viên Trung tâm nhìn thấy và bản thân tôi cũng cảm nhận được điều đó. Đấy là điều tôi băn khoăn, trăn trở" - ông Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.
Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 nơi mẹ con Đoàn Thúy Hà đang lưu trú và được chăm sóc
Cũng theo đại diện Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1, sức khỏe của cháu bé đứa con của chị Hà khi được tiếp nhận vào Trung tâm đến nay qua thăm khám được nhận định là trong tình trạng phát triển bình thường, rất ngoan ngoãn, ăn uống được theo định lượng ăn phù hợp, đặc biệt rất ít khi quấy khóc.
Trước nguyện vọng muốn xin về của Đoàn Thúy Hà, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, tất cả các trường hợp được tiếp nhận vào Trung tâm đều được giải quyết trên cơ sở tuân theo quy định của pháp luật. Trong vòng 1 tháng, nếu đối tượng được tiếp nhận có người nhà, người thân và địa chỉ rõ ràng thì sẽ được Trung tâm bàn giao lại cho gia đình để tái hòa nhập cộng đồng. Riêng trường hợp của Đoàn Thúy Hà, nếu gia đình muốn bảo lãnh thì Trung tâm sẽ báo cáo cơ quan chủ quản xem xét giải quyết.
(Còn nữa)