Formaldehyde là một hợp chất hóa học phổ biến được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, từ nội thất, vật liệu xây dựng đến các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Dù không màu, dễ bay hơi nhưng formaldehyde có mùi hắc đặc trưng và tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe, nhất là khi tiếp xúc lâu dài.
Điều đáng nói là formaldehyde không phải thứ gì xa lạ - ngược lại, nó có thể đang âm thầm tồn tại trong chính ngôi nhà bạn. Dưới đây là 5 vật dụng quen thuộc dễ chứa lượng formaldehyde vượt mức an toàn, đặc biệt nếu bạn mua nhầm hàng kém chất lượng hoặc không biết cách sử dụng đúng cách.
1. Bọc đầu giường - Ngỡ là tiện lợi, ai ngờ lại "rước" thêm hóa chất
Nhiều người yêu thích kiểu giường ngủ có phần đầu bọc nệm vì cảm giác êm ái, sang trọng và tăng tính thẩm mỹ. Thế nhưng, ít ai biết rằng nếu phần bọc này được làm từ vải nhân tạo, mút xốp tổng hợp hoặc bông tái chế không rõ nguồn gốc, chúng có thể chứa hàm lượng formaldehyde rất cao.
Lý do là trong quá trình sản xuất, các vật liệu nhân tạo này thường được xử lý bằng keo dán công nghiệp hoặc hóa chất bảo quản, vốn là nguồn phát tán formaldehyde phổ biến. Đáng ngại hơn, vì đầu giường được đặt ngay sát khu vực ngủ, nên người dùng sẽ hít phải các khí bay hơi trong thời gian dài - đặc biệt là ban đêm khi cửa đóng kín, không khí khó lưu thông.
Giải pháp: Nếu có ý định sắm giường bọc nệm, hãy ưu tiên sản phẩm đến từ thương hiệu uy tín, có nhãn đạt chuẩn an toàn vật liệu và ít phát thải VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Ngoài ra, khi mới mua về, nên tháo bao bì, đặt sản phẩm ở nơi thông thoáng để "xả mùi" vài ngày trước khi sử dụng.
2. Nến thơm, tinh dầu giá rẻ - "Người bạn thư giãn" không ngờ có thể gây hại
Nến thơm và tinh dầu là món đồ yêu thích của nhiều người vì mang lại cảm giác thư giãn, giúp căn phòng thêm thơm tho, ấm cúng. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng an toàn. Các sản phẩm giá rẻ, không rõ thành phần, đặc biệt là hàng trôi nổi, thường sử dụng chất tạo mùi tổng hợp có thể chứa formaldehyde hoặc toluene - hai hóa chất độc hại đã được cảnh báo có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hô hấp.
Ngoài ra, nến paraffin - loại nến phổ biến nhất trên thị trường - khi đốt ở nhiệt độ cao có thể sinh ra formaldehyde trong khói mà mắt thường không thể nhận biết.
Giải pháp: Hãy chọn nến hoặc tinh dầu chiết xuất thiên nhiên, có chứng nhận an toàn, không chứa VOCs. Ưu tiên nến từ sáp ong, sáp đậu nành và đốt ở nơi thông gió tốt, tránh đốt liên tục trong phòng kín.
3. Rèm cửa - Vật dụng mềm mại nhưng tiềm ẩn nguy cơ
Rèm cửa là món đồ không thể thiếu trong hầu hết các gia đình, nhưng ít ai biết đây cũng có thể là "ổ chứa" formaldehyde nếu chọn nhầm chất liệu. Một số loại vải dùng để may rèm được xử lý bằng hóa chất chống nhăn, chống cháy, chống ẩm - trong đó formaldehyde được dùng khá phổ biến. Việc sử dụng rèm giá rẻ, không có nhãn kiểm định rõ ràng có thể khiến bạn tiếp xúc với loại khí độc này mỗi ngày mà không hay.
Giải pháp: Hãy chọn rèm từ cotton tự nhiên, vải lanh hoặc các loại có ghi rõ "không formaldehyde". Trước khi sử dụng, nên giặt sạch rèm và phơi khô ngoài trời để giảm thiểu tồn dư hóa chất.
4. Thảm trải sàn - Đẹp nhà nhưng có thể độc khí
Thảm trải sàn giúp không gian trở nên ấm áp, sang trọng hơn. Tuy nhiên, các loại thảm giá rẻ, nhất là loại có mặt đế cao su TPR hoặc PVC, thường chứa keo dính công nghiệp và nhựa tổng hợp có thể phát tán formaldehyde. Thảm lại thường đặt trong phòng khách, phòng ngủ - nơi có diện tích đóng kín nên khí độc càng dễ tích tụ.
Ngoài ra, thảm dễ bám bụi và khó làm sạch, nếu không vệ sinh định kỳ có thể tạo điều kiện cho formaldehyde bám vào, lâu dần làm ảnh hưởng đến sức khỏe đường hô hấp.
Giải pháp: Ưu tiên thảm từ sợi tự nhiên như len, sợi dừa hoặc cotton. Tránh chọn loại có mùi hắc, màu quá sặc sỡ, bề mặt bóng loáng vì đây thường là dấu hiệu của hóa chất công nghiệp. Đừng quên giặt thảm định kỳ để hạn chế bụi và hóa chất tích tụ.
5. Chất tẩy rửa và sản phẩm vệ sinh - Tiện lợi nhưng đừng dùng vô tội vạ
Formaldehyde còn xuất hiện trong không ít chất tẩy rửa, đặc biệt là các sản phẩm vệ sinh giá rẻ, có mùi hương nhân tạo mạnh. Nó thường được dùng như chất bảo quản hoặc chất tạo mùi, có mặt trong nước lau sàn, nước rửa bồn cầu, thậm chí nước giặt.
Khi dùng ở nồng độ thấp và đúng hướng dẫn, formaldehyde có thể không gây hại ngay lập tức. Nhưng nếu sử dụng trong không gian kém thông thoáng, hoặc pha chế sai liều lượng, khí bay hơi sẽ tích tụ gây kích ứng da, mắt, đường thở và về lâu dài ảnh hưởng chức năng gan, phổi.
Giải pháp: Hãy chuyển sang dùng sản phẩm vệ sinh thân thiện môi trường, không mùi hoặc mùi nhẹ, có nhãn "không chứa formaldehyde" hoặc "formaldehyde-free". Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và đảm bảo mở cửa thông gió khi vệ sinh nhà cửa.