"Nhà cửa chính là nguồn chi chính, đầu tư chỉ là phụ", về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Trương Kim Ngạc sẽ cho những ai có dự định mua nhà một vài ý kiến hữu ích. Ông nói thẳng: "Điều quan trọng nhất là phải sống ở nơi thoải mái." Con người ai cũng phát cuồng vì tiền và liên tục đặt câu hỏi "Bây giờ có thích hợp để mua nhà?"
Có được sự "thích hợp" này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu bạn có biết nắm bắt "thời điểm". Nếu đang có ý định mua nhà ở lâu dài, bạn nhất định phải cân nhắc 5 điều dưới đây:
1. "Tự do nhà ở" là khi bạn trở thành chủ nhân của ngôi nhà
Một số người thích sống tự lập và đầu tư cho bản thân, ai cũng muốn vừa có thể kiếm tiền từ đầu tư, vừa có nơi ở thoải mái, tuy nhiên, rất ít người có thể đạt được cả hai. Không ít người sẽ nghĩ: "Nhà rớt giá, chỉ cần mua bừa một căn để ở, sau đó dốc sức kiếm tiền!", nhưng bạn tuyệt đối không nên vì kiếm tiền mà chấp nhận sống tạm bợ.
"Tự do nhà ở" mà Trương Kim Ngạc đề cập chính là "Sống thoải mái, dễ chịu và không bị áp lực". Vì hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, nên "tự do nhà ở" được định nghĩa bởi chính bạn.
Ông nhấn mạnh: "Tự do nhà ở" không có nghĩa là mua hoặc thuê nhà một cách "tự do". Chỉ khi bạn có đủ khả năng trả các khoản vay, có điều kiện vay thế chấp ngân hàng… thì mới nên nghĩ đến chuyện mua hoặc thuê nhà. Tất nhiên ông không cản trở việc bạn muốn mua nhà, nhưng nếu những khoản vay đó trở thành áp lực trong cuộc sống, khiến bạn sống dở chết dở, làm cho chất lượng cuộc sống của bạn đi xuống, thì lúc bấy giờ bạn đã trở thành "nô lệ nhà cửa" mất rồi.
"Phải trở thành chủ nhân của ngôi nhà". Trương Kim Ngạc cho biết ông đã từng thuê 21 căn nhà, tuy nhiên, ông sống rất vui vẻ, thoải mái, không hề có áp lực. Đối với ông, tự do là khi được làm chủ căn nhà của riêng mình.
Thuê và mua nhà đều có ưu và nhược điểm riêng. Không đủ tiền mua nhà thì phải thuê nhà, còn nếu bạn có đủ khả năng trả góp, hãy cứ mua nhà. Thuê nhà tương đối tự do, bạn có thể thay đổi môi trường sống bất cứ khi nào mình muốn. Trong khi đó, nếu có ý định mua nhà thì trước hết phải suy nghĩ thật kỹ, vì "nếu không có ý định ở lâu dài từ 5 đến 7 năm trở lên, thì đừng mua nhà làm gì."
2. Tìm hiểu sở thích của bản thân đối với nhà cửa
Trước khi quyết định có nên mua một ngôi nhà nào đó hay không, hãy xét 5 yếu tố: thời cơ, vị trí, căn nhà, an ninh và giá cả. Theo chủ quan, "căn nhà" chính là quan trọng nhất: hình dạng, diện tích, ánh sáng, cảnh quan xung quanh… có tốt hay không, có vừa ý mình hay không. Nếu đã thích căn nhà đó thì bạn phải có khả năng chi trả, nếu không thì cũng bằng thừa.
Về vị trí, Trương Kim Ngạc khuyên nên áp dụng đường trung bình vàng (golden mean), tức là khoảng cách từ nhà đến trường học và nơi làm việc không được quá xa. Nguyên tắc đường trung bình vàng chính là "Không quá gần, cũng không quá xa".
"Mua nhà hay không tùy vào bản thân, không ai giống ai cả", Trương Kim Ngạc giải thích: "Căn nhà bạn cho là tốt, đối với tôi lại không như vậy". Cơ cấu gia đình, công việc và cuộc sống của mỗi người đều khác nhau: "Thật nực cười khi chúng ta cứ mãi tìm kiếm ngôi nhà để vừa ý người khác đúng không?".
Đừng trở thành kẻ bị dắt mũi, hãy có tính toán riêng cho mình: Lịch sử căn nhà đó như thế nào, phân tích ưu nhược điểm của từng căn nhà và giá trị của căn nhà trong tương lai… sao cho thỏa mãn sở thích và nhu cầu cá nhân. Hãy tìm hiểu xem bản thân theo đuổi một cuộc sống ra sao, mỗi người nên có một cây thước đo trong lòng, khi biết bản thân mình cần gì, bạn sẽ không bị lung lay bởi thị trường.
3. Ngôi nhà có thể "tùy cơ ứng biến" theo hoàn cảnh
Trương Kim Ngạc đã mua tổng cộng 4 căn nhà. Căn nhà đầu tiên ông mua gần đơn vị để tiện cho việc đi làm. Nhưng vì sống chung với bố mẹ, không gian khá chật nên ông và vợ đã mua căn nhà thứ 2, để lại căn nhà đầu tiên cho bố mẹ. Sau này, do bố mẹ già yếu không tiện leo cầu thang, nên ông đã bán căn nhà thứ 2 để mua căn nhà thứ 3. Đây là một căn nhà 2 tầng đủ cho ông và bố mẹ cùng sống thoải mái.
Vì căn nhà đầu tiên có quá nhiều kỷ niệm, nên ông không bán mà thuê cho một người Đức. Sau khi nghỉ hưu, ông bán căn nhà đầu tiên và căn nhà thứ 2 nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sau đó thế chấp căn nhà thứ 3 mà bố mẹ đang ở để mua căn nhà thứ 4. Ông xem căn nhà thứ 4 này là nhà dưỡng lão của mình.
Căn nhà thứ 4 mà ông mua trang bị nhiều tiện ích, như: bể bơi, phòng tắm hơi… Mỗi ngày ông đều bơi lội để rèn luyện sức khỏe. Tỷ số giữa tiêu dùng/đầu tư trong tâm trí ông từ 7/3 nay đã thành 9/1. "Đời người có những bước ngoặt khác nhau, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, việc thay đổi nhà cũng là tất yếu."
4. Nền tảng tự động định giá bất động sản
Ông chia sẻ rằng bản thân chưa bao giờ cân nhắc về thời điểm hay giá cả của thị trường, ông mua nhà đơn giản chỉ vì mục đích "sống". Những thứ khiến ông cân nhắc chính là tổng quan căn nhà, vị trí, an ninh… Trong đó, "vị trí" là cái thích hợp với nhu cầu của mình, chứ không phải vị trí của thị trường.
Khi Trương Kim Ngạc mua bán nhà, ngoài việc tham khảo giá bán đề nghị của đại lý, ông chủ yếu dựa vào "thời giá tốt" của thị trường để đưa ra cái giá hợp lý khi bán nhà. Ông cảm thấy "thời giá tốt" chính là áp lực nặng nề đối với những người trẻ tuổi muốn mua nhà. Do đó, ông khuyên chúng ta hãy tham khảo các phương pháp định giá đã được áp dụng tại Mỹ trong nhiều năm, điển hình là trang web Zillow - nền tảng miễn phí tự động định giá bất động sản.
Tuy nhiên, ông cho rằng, "giá thực đã được đăng ký" (Actual price registration) trên các web định giá đều không đáng tin cậy. Trang web chỉ hiển thị giá bán cũ của ngôi nhà hoặc giá bán của các khu vực lân cận, không bao gồm chỗ để xe, tổng mức định giá cũng khá khó hiểu và không phản ánh chân thực giá thị trường.
5. "Tiền kiếm được ở kiếp này, hãy dùng hết ở kiếp này"
Nói về phương pháp quản lý tài chính của bản thân, ông khuyên hãy để "NPV cả đời bằng không", với NPV là giá trị hiện tại thuần. Chỉ kiếm tiền mà không tiêu tiền thì không gọi là quản lý tài chính. Nếu ta dành cả đời kiếm tiền chỉ để cho con cái hưởng, thì chất lượng cuộc sống của ta sẽ giảm sút, khiến con cái chỉ biết tranh giành tài sản sau này. Ông khuyên những người sắp nghỉ hưu hãy "Sống vô tư đi, niềm vui mới là chính, đừng chỉ sống vì tiền".
Ông cũng khuyến khích những người trẻ hãy có lý tưởng và hoài bão, sở hữu những thứ quan trọng hơn cả nhà cửa và tiền bạc, đi du lịch nước ngoài, mở rộng tầm nhìn cá nhân và theo đuổi những gì mình thích. "Lý tưởng là khẩu hiệu, thực tiễn là con đường đi đến thành công". Có bỏ công sức, ắt sẽ có thu hoạch.
Theo Aboluowang