“Kế nhiệm” 100 Days My Prince (tạm dịch: Lang Quân Trăm Ngày), bộ phim giả tưởng mang màu sắc dân gian Mama Fairy and the Woodcutter (tạm dịch: Kê Long Tiên Nữ Truyện) đã đang chinh phục đông đảo khán giả nhờ “cô tiên” Moon Chae Won xinh đẹp mỹ miều và chàng nam chính tính quái nhất quả đất. Tuy nhiên, Mama Fairy and the Woodcutter vẫn còn nửa tá những điểm thú vị khác khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình được.
Như bao nhiêu phim truyền hình khác, màn so sánh nam chính - nam phụ luôn là điều khán giả để tâm. Trong trường hợp của Mama Fairy and the Woodcutter, điểm dễ thấy nhất chính là nhan sắc của nam phụ… ăn đứt nam chính. Nam phụ Kim Geum do Seo Ji Hoon thủ vai là trợ giảng của nam chính tại trường đại học. Anh chàng có nụ cười sáng, đôi mắt hi hí dễ thương và nhìn hút mắt không kém gì nhiều diễn viên nổi tiếng hiện tại.
Chàng nam phụ dễ thương đang khiến khán giả "chia phe" ... chọn chồng cho nữ chính.
Nhưng nếu chỉ có nhan sắc thôi thì Kim Geum đã không khiến dân tình yêu mến đến mức nhiều người xem phim đặt câu hỏi "Rốt cuộc ai mới là nam chính vậy?!". Anh tốt bụng, nhân hậu, luôn kính trọng giáo sư và đối tốt với người xung quanh. Là một người có khả năng đặc biệt nói chuyện được với động vật, anh thường lắng nghe và giúp đỡ những con vật nhỏ quanh mình. Kim Geum cũng là người đầu tiên tin vào thân phận tiên nữ của Sun Ok Nam (Moon Chae Won) và hết lòng giúp đỡ cô. Một người tốt như thế bảo sao nhiều chị em không khỏi thầm mong thôi thì nữ chính hãy về với nam phụ.
Anh chàng luôn bên cạnh giúp đỡ cô tiên Sun Ok Nam.
Kim Geum sống cùng nhà với giáo sư của mình - Jung Yi Hyun (Yoon Hyun Min). Dù tính tình có hơi kì quái và thường cằn nhằn nhưng ai xem phim cũng đều thấy được giáo sư Jung đối xử với Kim Geum rất tốt. Sống cùng nhà, đi làm cùng nơi, hai người cho khán giả chiêm ngưỡng vô vàn khoảnh khắc dễ thương của "tình thầy trò".
Hai thầy trò nhà này giống nhau phết đấy chứ!
Học trò mình nhờ thầy về quê cùng, miệng bảo không đi nhưng thực ra giáo sư đã chuẩn bị đồ gần xong hết còn mua cả rượu mà mẹ Kim Geum thích làm quà. Hở một chút là chê học trò mình ngốc nhưng thực ra trong lòng rất tự hào. Kim Geum đối với thầy mình thì khỏi nói, kính trọng hết mực. Giữa hai thầy trò có một mối liên kết đặc biệt khiến mọi người phải cảm thấy ấm lòng.
Nào thì thầy trò cùng về quê, cùng đi trẩy hội,...
Đến ngất cũng ngất cùng mới chịu cơ.
Người ta hay nói "mẹ nào con nấy", câu này chẳng biết có thể áp dụng được vào trường hợp của Jeom Soon (Kang Mi Na) - con gái của tiên nữ Moon Chae Won không nữa. Dù không được đảm đang như mẹ và lại còn ham ăn, hay nhõng nhẽo, không thể chối cãi là cô rất thương mẹ mình và tốt bụng với người xung quanh. Hơn ai hết, cô là người mong mau chóng tìm thấy bố để mẹ được hạnh phúc.
Kang Mi Na vào vai cô con gái dễ thương tuy hay nhõng nhẽo nhưng vẫn rất được lòng khán giả.
Jeom Soon thực chất là một con hổ, thường ngày ra đường sẽ hóa thành một con mèo hoặc ở hình người. Điểm mấu chốt chính là nếu cô nàng ăn nhiều thịt hoặc uống rượu hoặc có những "ý nghĩ đen tối", sẽ càng dễ biến thành hổ. Oái ăm thay, cô nàng lại chuyên viết truyện… đam mỹ và còn viết rất hay đến nỗi được nhà xuất bản chú ý đến. Hình ảnh Jeom Soon ngồi viết truyện hứng chí đến nỗi râu và đuôi mọc ra thật khiến ta không thể không bật cười.
Thường nghĩ, thần tiên phải đạo mạo nghiêm trang và sâu sắc hơn người phàm. Nhưng tập đoàn thần tiên của Mama Fairy and the Woodcutter minh chứng điều hoàn toàn ngược lại. Chúng ta có ba vị tiên núi Gyeryong lơ ngơ không tưởng, lên Seol tìm tiên nữ Sun Ok Nam mà đi tàu điện cũng không biết, lang thang ngoài đường, ngủ với bồ câu giữa trung tâm thành phố, dáng bộ lóng ngóng khiến người ta không khỏi cảm thấy vừa thương vừa buồn cười. Chúng ta còn có nàng tiên tóc đỏ như ngôi sao nhạc rock bán cà phê gần trường đại học bắt người mua đem theo cốc để bảo vệ môi trường. Dù rằng ngoại hình có hơi quái dị, họ đều là thần tiên tốt và góp phần tạo nên sự hài hước duyên dáng chung của bộ phim, đảm bảo sẽ đem lại cho bạn những khoảnh khắc bật cười thích chí.
Bô ba thần tiên ngây thơ hơn cả người phàm.
Và cô nàng "tiên nữ bán cà phê" cực kì phong cách.
Xem hai tập đầu tiên, chúng ta những tưởng nội dung của Mama Fairy and the Woodcutter chẳng có chi phức tạp: nam chính kiếp trước là chồng nữ chính, và bộ phim là hành trình nữ chính tìm cách giúp anh khôi phục trí nhớ để hai người đoàn tụ. Thế nhưng chỉ sau tập mới nhất, không nhiều người còn có thể nói như thế nữa. Việc nam phụ có khả năng nói chuyện với động vật, có khả năng khiến trứng rồng nở cộng thêm phản ứng hóa học quá dễ thương giữa hai người khiến nhiều khán giả đâm ra tin tưởng nam phụ mới là anh tiều phu kiếp trước.
Tưởng rằng nam chính hẳn nhiên là anh kiều phu kiếp trước...
Nhưng một cái trứng rồng đã khiến mọi chuyện trở nên phức tạp.
Vì Mama Fairy and the Woodcutter là một bộ phim đậm tính thần thoại nên phương châm chính là "chuyện gì cũng có thể xảy ra". Hiện tại thân phận thực sự của hậu kiếp phu quân tiên nữ chính là nút thắt lớn nhất khiến khán giả "xoắn não". Nhưng cũng chính nhờ thế mà khán giả lại càng tò mò theo dõi diễn biến tiếp theo và bộ phim trở nên phức tạp hơn, xóa tan suy nghĩ về một "bộ phim hài hước dễ xem dễ hiểu" trong lòng khán giả.
Đón xem Mama Fairy and the Woodcutter đang được phát sóng trên tvN mỗi thứ hai - thứ ba lúc 21:30 với hy vọng phim sẽ sớm bật mí bí mật đang khiến khán giả đau đầu.