Không phải ngẫu nhiên mà Cô Ba Sài Gòn lại gây sốt và được bàn tán nhiều đến như vậy. Tạm thời bỏ qua những lùm xùm xoay quanh vụ livestream lén, những tình tiết chưa được xử lí như xuyên không, chỉ hai người mà may được cả bộ sưu tập áo dài trong một tuần hay căn nhà bà Thanh Mai không hề có đàn ông … thì Cô Ba Sài Gòn là một bộ phim hay và gửi gắm những triết lý nhân văn theo cách gần gũi, bình dị mà thấm thía.
1. Áo dài là vĩnh cửu
Đây là thông điệp rõ nét nhất, xuyên suốt bộ phim, được nhắc đến qua lời dặn của bà Thanh Mai với con gái rượu: "Như Ý, con hãy nhớ, áo dài là vĩnh cửu, là cái gốc của nhà may này, nghe con". Không lên gân lên cốt, không tuyên truyền giáo điều, bộ phim không nói "áo dài là quốc phục" một cách trịnh trọng, nghiêm túc, mà chỉ dịu dàng và bình dị "áo dài là cái gốc của nhà may này" qua lời dặn thiết tha mẹ dành cho con gái.
Sự mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại được thể hiện qua hai lối suy nghĩ khác biệt của mẹ và con gái tiệm may Thanh Nữ: bà Mai luôn giữ gìn, trân trọng nghề may áo dài gia truyền thì Như Ý ghét bỏ áo dài, chỉ thích các bộ váy đầm phương Tây và tuyên bố không nối nghiệp gia đình.
Xuyên không đến năm 2017, Như Ý từ một cô ba thanh lịch, kiêu sa trở thành cô lao công của một cửa hàng thời trang hiện đại cho Helen. Tiệm may Thanh Nữ đã đóng cửa, phiên bản 48 năm sau của Như Ý – An Khánh, chuẩn bị tự tử, còn căn nhà sắp bị siết mất. Trước nguy cơ truyền thống 9 đời tan thành mây khói, Như Ý phải nỗ lực để cứu vớt sản nghiệp gia đình và học được cách trân trọng tà áo dài – tinh hoa văn hóa dân tộc.
Tà áo dài là "nhân vật chính đặc biệt", xuất hiện từ đầu đến cuối phim. Từ áo dài chít eo năm 60 đến áo dài cổ thuyền, áo dài truyền thống, rồi áo dài cách tân trên sàn diễn thời trang, những bộ quốc phục xuất hiện một cách rực rỡ, thướt tha và kiêu hãnh. Áo dài không hề lỗi thời, lạc hậu, "bao năm một kiểu", ngược lại, áo dài luôn có sự thay đổi phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, và tồn tại vĩnh cửu cùng năm tháng.
Áo dài là thời trang, áo dài là văn hóa, áo dài là vĩnh cửu. Như Ý đã nhận ra điều này sau cuộc xuyên không kì diệu, và cô đã chuyển từ ghét bỏ, coi thường sang trân trọng, nâng niu áo dài, như tìm về với những giá trị cội nguồn của gia đình, của dân tộc.
Có một điều khá vô lý, đó là Như Ý học được cách may áo dài chỉ qua một lá thư mẹ viết. May áo dài rất khó, Như Ý trước khi xuyên không không hề biết gì về cách may áo dài, vậy mà có thể may ngon ơ sau vài phút đọc "bí quyết". Giá trị của việc "gia truyền" chính là truyền nhân phải được người đi trước tận tay chỉ dạy từng bước một, từ đó nắm vững được các kỹ thuật bí truyền. Như Ý biết may áo dài một cách quá dễ dàng, quá phi lý, điều này phần nào giảm bớt giá trị của áo dài và thương hiệu Thanh Nữ, cảm tưởng như ai "trộm" được tờ giấy ấy cũng đều trở thành truyền nhân.
Một điểm đáng tiếc khác, áo dài thời hiện đại chỉ xuất hiện trên sàn catwalk, giá như có hình ảnh đường phố Sài Gòn 2017 tung bay những tà áo để thể hiện sự vĩnh cửu với thời gian của áo dài, thì bộ phim càng thêm tuyệt vời, tròn vẹn và thông điệp được truyền tải nổi bật hơn.
2. "Gia đình là thứ quan trọng nhất"
Xin mượn câu nói kinh điển của Người phán xử trong trường hợp này. Tình cảm gia đình trong Cô Ba Sài Gòn rất được đề cao. Như Ý ương bướng, ngang ngạnh và đua đòi theo mốt, nhưng bà Thanh Mai vẫn rất yêu chiều con, cho phép con mặc Âu phục mà con thích, chỉ yêu cầu con phải biết may áo dài để "giữ nghề". Lúc con buồn bỏ ăn, bà mang đồ ăn vào phòng cho con vì sợ con đói. Lần đầu đánh con, tay bà run run, đứng không vững, cẩn thận cúi xuống nhặt từng bức vẽ của con.
Còn Như Ý cũng rất yêu thương, thậm chí có phần ỷ lại mẹ của mình. Như việc sau khi xuyên không, đối mặt với một không gian xa lạ, tâm trạng đầy hoảng hốt và sợ hãi, câu đầu tiên mà cô thốt ra là "Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?". Biết mẹ mất, Như Ý khóc nấc, kính cẩn thắp hương cho mẹ. Sau khi được trở về, cô ôm chặt lấy mẹ nói rằng "Con yêu má", lúc đó cô đã ý thức được tầm quan trọng của gia đình, và rằng chỉ có mẹ mới dung túng, nuông chiều, yêu thương cô vô điều kiện mà thôi.
Bộ phim đã đề cao sự thiêng liêng của tình mẫu tử không chỉ của Thanh Mai - Như Ý. Bà Thanh Loan – con nuôi nhà Thanh Nữ, sau 48 năm đã trở thành người phụ nữ thành đạt, đã chu cấp cho chị mình là An Khánh đủ sống. Khi chị muốn học nghề may, bà sẵn sàng chỉ dạy và đưa lại bí kíp của má. Tình cảm chị em bao nhiêu năm không đổi, dù An Khánh có giận dỗi, có cố tình xa cách, Thanh Loan vẫn yêu thương, chăm sóc chị, mong một ngày chị mình tỉnh ngộ.
Khoảnh khắc bà đỡ An Khánh dậy hay hai chị em nắm tay nhau cùng xem trình diễn áo dài thật sự rất xúc động. Con gái bà Thanh Loan – Helen – đối lập về mọi mặt với Như Ý. Cô có cậu em bất trị, lông bông tên Tuấn. Dù suốt ngày cằn nhằn về độ "vô dụng" của cậu em, nhưng cô vẫn "nuôi cơm" và chiều chuộng em mình. Cuối cùng thì sau tất cả mọi sóng gió cuộc đời, gia đình vẫn là bến bình yên để con người trở về, là những người thương mình vô điều kiện, là "thứ tồn tại duy nhất".
3. Luôn cần những người bạn giúp đỡ mình
Khi ở năm 1969, Như Ý là Cô Ba Sài Gòn đệ nhất thanh lịch, kiêu ngạo và tự tôn nên không hề có bạn. Khi xuyên không đến năm 2017, cô hoảng loạn chạy khắp phố phường, không biết mình phải làm gì trước khung cảnh Sài Gòn lạ lẫm. Cô lại còn phải đối mặt với hoàn cảnh bi đát của gia đình và sự thảm hại của mình 48 năm sau, khiến Như Ý bị sốc nặng. Lúc đó, may mắn thay, cô vẫn có những người bạn tốt thật lòng giúp đỡ. Người bạn tốt nhất của cô, là chính cô – An Khánh, tuy nay đã nát rượu, chán đời và suốt ngày phát ngôn cay nghiệt, nhưng luôn là người tận tâm, nhiệt tình làm hết sức để giúp đỡ Như Ý phục dựng nhà may, thực ra cũng là giúp chính mình.
Hay như Tuấn – anh chàng mập mờ giữa tình bạn và tình yêu với Như Ý, dù rằng là người xa lạ gặp nhau, nhưng luôn động viên, an ủi và giúp đỡ Như Ý. Đặc biệt nhất là Helen, tưởng chừng là kỳ phùng địch thủ, thậm chí còn từng muốn cướp công Như Ý, nhưng suy cho cùng vẫn là một người bạn tốt, góp phần gây sức ép giúp Như Ý tìm lại chính mình và hoàn thiện bản thân. Có những người bạn chân thành là rất quan trọng, dẫu là với bất kỳ ai và trong bất kỳ tình huống nào.
4. Tuổi trẻ ngắn lắm, hãy lo cho tương lai của mình đi!
Thông điệp này được thể hiện một cách đậm nét qua cách xây dựng tương phản đối lập giữa Như Ý – An Khánh và xây dựng đồng nhất giữa Thanh Loan của năm 1969 – Thanh Loan 2017. Xuyên không đến 48 năm sau, đối mặt với hình ảnh chính mình bê tha, thảm bại và chuẩn bị tự kết liễu, Như Ý ngỡ ngàng, giận dữ và oán hận An Khánh, đổ hết lỗi cho bà. Câu nói của An Khánh "Mày chửi tao chính là chửi mày" là lời cảnh tỉnh với tất cả các bạn trẻ chủ quan với chính cuộc đời mình.
Một Cô Ba Sài Gòn ngạo nghễ, xinh đẹp và đẳng cấp, sao có thể ngờ được mình lại trở nên thất bại như thế trong tương lai? Nếu ngay từ khi còn trẻ, cô chăm chỉ học nghề may từ má, thì chẳng phải bây giờ đã thành công rực rỡ rồi sao? Nhìn sang Thanh Loan, chúng ta thấy một người hoàn toàn khác. Một cô gái nền nếp, cần cù học nghề, sau từng ấy năm đã thành bà chủ sang trọng, đài các, quyền quý, con gái Helen thành đệ nhất thiết kế thời trang Sài Gòn 2017. Chẳng phải đó là quy luật nhân – quả đó sao?
Tuổi trẻ ngắn lắm, thanh xuân vụt qua không trở lại, nếu không sớm lo lắng phấn đấu vì tương lai của mình thì chẳng mấy chốc sẽ nhận trái đắng. Vất vả tuổi trẻ để tuổi già an nhàn, thành đạt, con cái có nền tảng gia đình tốt để phát triển, đó là quả ngọt xứng đáng với nỗ lực ta bỏ ra những năm tháng thanh xuân. Nếu không tin, cứ nhìn sự đối lập giữa người phụ nữ thất bại An Khánh và quý bà Thanh Loan cao sang là rõ.
5. Những giá trị văn hoá của Việt Nam nên được gìn giữ và truyền bá rộng hơn
Đó là châm ngôn làm phim của Ngô Thanh Vân: "Với tôi, phim ảnh là con đường nhanh nhất để đưa các bạn trẻ tiếp cận nhiều hơn và sâu hơn với văn hóa Việt Nam trong bối cảnh có quá nhiều thứ hội nhập từ nước ngoài như bây giờ". Người dân nước nào cũng có lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Nước ta còn có truyền thống văn hóa 4000 năm với biết bao những điều lý thú.
Người ta kéo nhau ra rạp xem Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Cô Ba Sài Gòn vì đó là phim Việt, nói tiếng Việt, do người Việt làm, khai thác những nét văn hóa thuần Việt như truyện cổ tích hay bộ áo dài. Những giá trị truyền thống ấy đã xuất hiện một cách đầy thiêng liêng và đẹp đẽ trên màn ảnh, gần gũi với lối nghĩ, với tâm hồn Việt Nam, kích thích niềm tự hào dân tộc.
Xem những tà áo rực rỡ, thanh lịch tung bay trên màn ảnh, khán giả thích thú, rung động với nét đẹp duyên dáng tuyệt đối của trang phục gắn liền với người phụ nữ Việt Nam, từ đó các cô gái thêm yêu áo dài, yêu văn hóa Việt, người nước ngoài xuýt xoa trước vẻ đẹp phụ nữ Việt và khao khát tìm hiểu bộ áo ấy, nền văn hóa ấy. Gốc rễ văn hóa dân tộc là thứ không thể chối bỏ, muốn phát triển lâu bền thì phải giữ vững gốc rễ. Những nền tảng cổ điển, những giá trị truyền thống là đặc trưng bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, khi chạm được vào chúng là kích thích được lòng yêu nước của mọi thế hệ ở đất nước ấy.
Chất liệu văn hóa Việt Nam quá dồi dào và phong phú, trên mọi lĩnh vực: địa lý, lịch sử, văn học, ẩm thực, thời trang, … Qua những bộ phim đề tài văn hóa truyền thống, các bạn trẻ sẽ "hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam", định hướng lòng yêu nước ngay từ những phương tiện giải trí hằng ngày.
Hi vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều nhà làm phim có tâm tìm về nguồn cội như Ngô Thanh Vân, để ta được reo vui khi nhìn các nhân vật cổ tích, những vị vua anh minh, những danh lam thắng cảnh, những món ăn quen thuộc như phở, bánh chưng, bánh dày, bún bò,… trên màn ảnh rộng.
Tin rằng khán giả Việt Nam sẵn sàng dành thời gian xem các bộ phim như thế thay vì các bom tấn nước ngoài, bởi "người Việt xem phim Việt" là một niềm tự hào chính đáng. Một bộ phim đầy ý nghĩa, tròn vẹn về mặt cảm xúc, gửi gắm những thông điệp thiêng liêng, xứng đáng để mỗi khán giả Việt Nam xem và suy ngẫm, tự hào hơn về hai chữ: áo dài, về tình cảm gia đình, về cội nguồn dân tộc.