Xem "Cô Ba Sài Gòn" xong, chỉ muốn chạy ngay về nhà để tìm lại chiếc áo dài đã cũ!

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 09:15 23/11/2017

“Cô Ba Sài Gòn” được giới thiệu như một bộ phim tôn vinh tà áo dài của Việt Nam. Nhưng hơn cả tôn vinh, ấy là nó khiến khán giả thấy trân quý thời trang truyền thống.

*Bài viết mang nhiều quan điểm cá nhân

Tôi là người rất thích ra rạp xem phim, nhưng đặc biệt luôn đi xem những suất chiếu muộn. Bởi lẽ tôi khó kiềm lại được cảm xúc của mình. Với tôi, những lúc khóc, cười cùng tiết tấu bộ phim là thể hiện sự tôn trọng với nỗ lực của những người làm nên bộ phim đó. Lại một đêm, tôi rời rạp vào cỡ gần 12 giờ, nhưng lần này thì không giống những lần đi xem phim trước. Cô Ba Sài Gòn đã khơi lên trong tôi rất nhiều những kỉ niệm đẹp với tà áo dài khi tôi còn là đứa học sinh cấp III. Tạm gác chuyện hay hay dở sang một bên bởi đã có quá nhiều người nói về Cô Ba Sài Gòn rồi. Chỉ là đi xem về, tôi bất giác muốn được mặc lại tà áo dài đã đóng bụi trong tủ từ khá lâu.

Xem Cô Ba Sài Gòn xong, chỉ muốn chạy ngay về nhà để tìm lại chiếc áo dài đã cũ! - Ảnh 1.

Cuộc đời mỗi đứa con gái đều có những nấc thang riêng, đánh dấu sự trưởng thành của chúng nó. Với một người còn trẻ như tôi thì có 3 sự kiện làm tôi nhớ mãi đến hiện tại: lần đầu tiên mặc chiếc áo dài của riêng mình, lần đầu biết yêu và lần đầu tiên hôn người tôi yêu. Nếu như biết yêu, biết hôn là những cảm giác khám phá của tuổi dậy thì thì lần đầu được thử tà áo dài lên người, tôi mới ý thức được rằng mình đã trở thành người lớn.

Tôi đã từng thích áo dài vô hạn. Khi nhìn thấy chị gái được đạp chiếc xe mới coong, cùng tà áo dài bay bay và đôi cao gót thật ngầu để đi khai giảng, tôi ao ước một ngày được như chị. Cuối cùng thì tôi cũng đã lên cấp 3. Thế nhưng mọi chuyện lại không hề như tôi tưởng tượng.

Tôi nhớ lắm cái cảm giác hồi hộp khi được cô thợ may kéo chiếc thước dây dọc thân người để đo lấy chỉ số cơ thể. Tôi quên thế nào được sự hoan hỉ khi cô nói rằng "Con gái mà có thắt đáy lưng ong thế này, mặc áo dài đẹp phải biết". Bạn biết không, 7 ngày mòn mỏi chờ đợi cuộc điện thoại gọi đi lấy áo dài, lòng tôi cứ rạo rực đến lạ, như thể là đếm ngược tới ngày mình trưởng thành vậy.

Xem Cô Ba Sài Gòn xong, chỉ muốn chạy ngay về nhà để tìm lại chiếc áo dài đã cũ! - Ảnh 2.

Ngày khai giảng lớp 11, cũng là lúc chúng tôi lần đầu được mặc áo dài tới trường. Tất cả những đứa con gái ngày thường vẫn chạy huỳnh huỵch trên sân bóng rổ, hay là những bà chằn vẫn thét ra lửa trong lớp, ngày ấy bỗng dịu dàng đến lạ. Không còn những chiếc ba lô cồng kềnh, không còn những mái tóc búi gọn hết lên, thay vào đó là sự e ấp, nụ cười chúm chím trên môi chúng nó.

Nhưng người bất ngờ nhất về bạn của mình, không phải là chúng tôi, mà là lũ con trai xung quanh. Tất cả như bị sốc khi nhìn thấy sự hiền dịu ấy vậy. Khi đặt tay gõ những dòng này, tôi lập tức nghĩ đến chính mình cùng mối tình ở độ tuổi 17. Nếu như trong Cô Ba Sài Gòn, nhờ tà áo dài mà Như Ý và cả An Khánh, thậm chí hiệu may Thanh Nữ và hiệu may Thanh Loan đã có tất cả, thì tôi cũng vậy. Chỉ khác là, tôi không có danh tiếng, không có lợi nhuận, mà chỉ đơn thuần có một chỗ đứng vững chãi trong lòng một người đặc biệt mà tôi đến giờ vẫn gọi là "bầu trời của riêng mình", nhờ chiếc áo dài đầu đời.

Sau này, khi tôi hỏi người yêu rằng, tại sao hồi ấy, từ hai đứa bạn thân lại có thể yêu nhau được, cậu ấy chỉ cười hiền bảo rằng "Là bị lừa đó! Bị sốc khi thấy đằng ấy mặc áo dài trông duyên dáng quá. Ai ngờ vẫn dữ lắm!". Thì ra cậu ấy bị sét đánh khi nhìn thấy tôi mặc tà áo dài trắng đi trên sân trường. Mà hồi đó thì cậu ấy không biết phải gây ấn tượng với tôi thế nào, vì tôi là một đứa ruột để ngoài da nên bọn con trai khó mở lời. Cũng giống như Tuấn và Như Ý trong phim vậy. Rõ ràng khi được Helen hỏi thì anh phủ nhận tình cảm của mình, nhưng làm gì có ai không nhận ra một thứ tình cảm đặc biệt của Tuấn cơ chứ. Đó không chỉ là cảm giác liêu xiêu khi nhìn thấy Như Ý mặc áo dài, mà còn là tình cảm dành cho sự nỗ lực giữ lại căn nhà, tình cảm khi nhìn thấy bản chất thực sự của bà cô nát rượu mà mình đã nhẵn mặt mỗi ngày.

Xem Cô Ba Sài Gòn xong, chỉ muốn chạy ngay về nhà để tìm lại chiếc áo dài đã cũ! - Ảnh 3.

Thế nhưng, tôi nói rồi đấy. Mặc áo dài không tuyệt vời như tôi đã tưởng tượng. Bởi vì sao? Nếu chỉ mặc vài lần trong những dịp quan trọng thì khác, còn thứ 2 nào cũng phải mặc nó để chào cờ, thì thật sự kinh hoàng – nhất là những ngày mùa hè Hà Nội nóng tới 40 độ. Bạn hãy thử tưởng tượng, ngày đầu tiên đi học lại khi chấm dứt kì nghỉ cuối tuần đã tệ lắm rồi, lại còn phải đi cao gót, đóng cổ áo kín bưng, đứng dưới sân trường 45 phút, thật đáng sợ. Mà thêm nữa, mặc áo dài thì có thể khoe được đường cong cơ thể thật đấy, nhưng đó cũng là cách nhanh nhất để tố cáo những đứa con gái không biết chăm chút về dáng vóc của mình.

Mà, nói đi cũng phải nói lại, đúng là con người ta chỉ trân trọng những điều quý báu với bản thân khi sắp hoặc đã mất đi nó. Ngày bế giảng lớp 12, ngày bế giảng cuối cùng của đời học sinh, trước khi bị tống ra một xã hội lớn hơn. Tất cả chúng tôi – những đứa nghịch hơn giặc mà mọi khi luôn trốn mặc áo dài, nay lại chẳng ai bảo ai, là lượt thật cẩn thận tà áo ấy. Chúng tôi trân trọng lần cuối cùng được mặc áo dài dưới ngôi trường cấp 3 của mình. Cũng giống như Như Ý, vì tiếc nuối quá khứ đã không học may áo dài cẩn thận theo lời mẹ, nên sau khi được An Khánh truyền cho bí kíp riêng của hiệu may Thanh Nữ, liền ngay lập tức cần mẫn may cho kì được chiếc áo dài.

Việc mà Như Ý bài xích chuyện may áo dài để chạy theo những mốt tân thời, mặc dù nhà đã có truyền thống 9 đời, cũng dễ hiểu thôi. Đối với một tín đồ thời trang như Như Ý hay bất cứ đứa con gái nào, thì cuộc sống thực sự quá ngắn để mặc những thứ nhàm chán, thứ mà với Như Ý nó đã quá cũ kĩ và không thể sáng tạo thêm được. Nhưng Như Ý nào có biết "hợp mốt chính là sàn diễn cuối cùng dẫn đến sự suy tàn" (Karl Lagerfeld). Phải cho đến tận cuối cuộc hành trình đi tìm áo dài, cô nàng đỏng đảnh này mới nhận ra một chân lý rằng, khi xã hội phát triển thì cái nguồn cội gốc rễ cũng sẽ phát triển theo.

Xem Cô Ba Sài Gòn xong, chỉ muốn chạy ngay về nhà để tìm lại chiếc áo dài đã cũ! - Ảnh 4.

Điều này đến giờ vẫn chưa hề sai. Bởi nếu bạn là người đang sống tại Hà Nội, hẳn bạn sẽ nghĩ đến ngay dịp Tết nguyên đán vừa rồi. Áo dài đã được sáng tạo thành nhiều kiểu mới rất hiện đại, rất trẻ trung và năng động. Đi ra đường gặp 10 cô thì phải 9 cô mặc những bộ áo dài cách tân. Còn những bác, những bà lại có dịp diện lại những chiếc áo dài đã cũ.

Bà nội khi thấy tôi mặc áo dài vào ngày mùng 1 để đi chúc Tết, bà vui vẻ hơn ngày thường. Có lẽ không phải vì tôi mặc đẹp, hay chỉ vì mùng 1 phải cười nhiều hơn, mà đó là sự hạnh phúc của thế hệ đi trước nhìn thấy lớp nhỏ biết giữ gìn truyền thống theo cách của chúng. Má của Như Ý, bà của tôi hay bất cứ những người phụ nữ truyền thống nào cũng vậy thôi. Họ đều trân quý những điều mà chúng ta vẫn cho là cũ, vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm khi ngày mai, ngày mốt, chúng tôi sẽ quá "tân thời" mà quên đi cội nguồn gốc rễ.

Họ lo không sai chút nào! Chính những đứa con gái sinh ra trong thời bình, tiếp nhận văn hoá nước ngoài mỗi ngày như chúng tôi đã từng cho rằng áo dài là một thứ lỗi thời. Tà áo trắng phải mặc mỗi tuần một lần ấy chỉ là thứ trách nhiệm kì cục mà chúng tôi phải còng lưng chịu đựng suốt 3 năm, chỉ 3 năm thôi và sẽ không bao giờ gặp lại. Tôi thà hí hửng khi được khoác thử hanbok, kimono chứ còn lâu mới thèm mặc lại áo dài. Tôi cũng giống như Như Ý, nghĩ mình là những đứa con gái sành sỏi.

Xem Cô Ba Sài Gòn xong, chỉ muốn chạy ngay về nhà để tìm lại chiếc áo dài đã cũ! - Ảnh 5.

Nhưng thật may mắn khi tôi chưa mất đi điều gì đó để hối hận rồi mới nhận ra giá trị của nó quan trọng đến nhường nào. Nhờ Như Ý, nhờ Cô Ba Sài Gòn mà tôi nhớ lại cảm giác lạ lùng nhưng thú vị của ngày mùng 1 Tết năm nay. Rằng thì ra cũng có lúc tôi hí hửng khoác lên mình một chiếc áo dài. Vô thức, tôi lại thấy nhớ tà áo dài trắng tinh mà mình đã khước từ ngày xưa. Bước ra khỏi rạp phim, tôi chỉ muốn phóng ngay về nhà, lục tủ để tìm bằng được tà áo mà tôi từng than trời vì nó. Có thể bây giờ nó đã sờn, cũng không còn trắng phau phau, nhưng tôi tin nếu mình mặc nó lên người một lần nữa, tôi sẽ có một cảm giác mới tinh. Cái cảm giác mà lý ra tôi phải có từ lâu rồi.