Điện ảnh lâu nay vốn được coi như một tấm gương phản chiếu lại cuộc sống và thế giới, bất kể nội dung hay chủ đề phim là gì. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp khi phim ảnh cũng "vượt mặt" thế giới thực mà tiên đoán trước những trường hợp xảy ra trong tương lai. Cho dù là những sự kiện chi tiết hay là tai nạn thảm khốc, nhiều bộ phim không khỏi khiến thiên hạ phải ngỡ ngàng khi nghĩ về nó. Dưới đây chính là những tác phẩm như vậy.
Trong phim: Bộ phim hài - tình cảm Love Actually (Yêu Thực Sự) có sự tham gia của tài tử Liam Neeson trong vai Daniel - một người đàn ông đang cố gắng đối mặt với cái chết của vợ. Tưởng rằng anh sẽ chỉ chung thủy với người vợ của mình, thế nhưng đến cuối phim nhân vật này lại phải lòng phụ huynh bạn cùng lớp của con trai mình.
Đời thực: Năm 2009, tức 6 năm sau khi phim được ra mắt, người vợ đã ở bên Liam Neeson suốt 15 năm đã không qua khỏi trong một tai nạn trượt tuyết. Khi quay trở lại đóng phần tiếp theo của Love Actually vào năm 2017, nam diễn viên đã chia sẻ rằng "Rất nhiều lần tôi đã nghĩ về bộ phim này và cuộc đời mình. Love Actually chính là đời tôi." Cũng kể từ đó, Liam Neeson thường xuyên đóng các bộ phim khi nhân vật của anh phải đối mặt với nỗi đau mất vợ.
Nam tài tử và người vợ quá cố
Trong phim: Tác phẩm Phone Booth (Bốt Điện Thoại) kể về một người đàn ông, thủ vai bởi Colin Farrell, trả lời điện thoại công cộng và bất ngờ trở thành nạn nhân của một "thí nghiệm" tàn độc, chỉ cần không làm theo lời chỉ dẫn thì sẽ bị giết bởi một khẩu súng bắn tỉa được giấu kín.
Bối cảnh của bộ phim bị gói gọn trong một bốt điện thoại trong tầm ngắm của họng súng
Đời thực: Tác phẩm Phone Booth thực chất đã được quay từ cuối năm 2000, tuy nhiên phải đến 2003 mới được ra mắt do sự tương đồng đáng sợ tới những sự kiện ngoài đời thực.
Từ tháng 2 đến tháng 10/2002, hai kẻ ác John Allen Muhammad và Lee Boyd Malvo đã khủng bố bang Virginia, Maryland và D.C. bằng việc ngẫu nhiên giết 17 người và làm 10 người bị thương bằng súng bắn tỉa hỏa lực mạnh. Vụ việc này sau đó được gọi là "vụ tấn công bằng súng bắn tỉa ở Belway". Hai kẻ này đã sửa đổi nội thất trong xe ô tô để có thể chứa một khẩu súng bắn tỉa trong cốp, sau đó sử dụng nó để giết người chỉ qua một lỗ nhỏ mà không bị ai phát hiện.
John Allen Muhammad (trái) và Lee Boyd Malvo (phải)
John Allen Muhammad và Lee Boyd Malvo bị bắt 6 tháng sau khi Phone Booth được công chiếu ở LHP Quốc tế Toronto. Sức nóng của dư luận xoay quanh vụ việc đã khiến hãng Fox phải nhanh chóng dời lịch ra mắt của phim, tuy nhiên vẫn khiến nhiều người quan ngại và liên tục so sánh sự kiện trong phim và đời thật.
Những công cụ và cách thức của vụ khủng bố khiến Phone Booth bị vạ lây
Trong phim: Bộ phim kinh dị The Omen (Đứa Con Của Quỷ Satan) năm 1976 kể về một người cha dần nhận ra đứa con trai quý báu của mình lại chính là kẻ phản Chúa (Antichrist), tức đứa trẻ được sinh ra bởi người thường nhưng lại là con của quỷ dữ.
Cái chết của nhân vật Keith Jennings trong phim được gây ra bởi một tấm kính
Một cái chết đáng nhớ nhất trong bộ phim này chính là khi nhân vật nhiếp ảnh gia Keith Jennings bị lìa đầu bởi một tấm kính trượt ra và cắt đúng vào cổ.
Đời thực: Không nói ngoa khi nhiều sự kiện đáng sợ đã xảy ra xung quanh The Omen, biến tác phẩm thành "bộ phim bị nguyền rủa". Số phận rùng rợn của nhân vật Keith cũng đã ngầm ám chỉ điều sẽ xảy ra với một thành viên trong ekip làm phim chỉ 2 tháng sau khi The Omen ra mắt. Hai chuyên gia về hiệu ứng của phim là John Richardson và Liz Moore đã gặp tai nạn xe nghiêm trọng khi đang thực hiện tác phẩm tiếp theo của họ. Trong khi Richardson sống sót thì tai nạn này lại khiến Moore bị mất đầu.
Không chỉ dừng lại ở đó, vụ tai nạn này xảy ra vào thứ 6 ngày 13, ở gần một thị trấn có tên Ommen.
Bộ phim này có tai tiếng kinh hoàng vì những tai họa nó gây ra cho đoàn làm phim và những người liên quan
Trong phim: Bộ phim Gone Baby Gone (Đứa Bé Mất Tích) được đạo diễn bởi Ben Affleck kể về vụ mất tích bí ẩn của cô bé Amanda McCready (thủ vai bởi Madeline O'Brien). Trong phim, vụ án này đã khiến giới truyền thông chấn động khi giới chức nỗ lực tìm kiếm đứa trẻ biến mất.
Đời thực: Gone Baby Gone đã được quay vào hè 2006, và chiến dịch marketing của phim bùng lên khi vụ án về cô bé Madeleine McCann bị mất tích ở Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 2007. Đáng chú ý, vụ việc này đã khiến báo giới quan tâm mạnh mẽ giống hệt như trong phim. Tình tiết cô bé Amanda trong phim bị mẹ bỏ bê cũng tương đồng với việc gia đình của nạn nhân Madeleine bị điều tra do không quan tâm tới con cái, để bé một mình vào thời điểm bị bắt cóc.
Ngoại hình của 2 cô bé cũng khá giống nhau
Ngoài ra, ngoại hình "na ná" của diễn viên Madeline O'Brien với nạn nhân Madeleine McCann cũng khiến nhiều người quan tâm, cho rằng phim Gone Baby Gone đã vô tình tiên đoán sự kiện ngoài đời thực.
Chính những sự kiện trên đã khiến kế hoạch ra mắt phim bị dừng lại cho tới tháng 6 năm 2008, và nam tài tử Ben Affleck cũng rất ủng hộ quyết định này.
Trong phim: Poltergeist (Yêu Tinh) kể về một gia đình chuyển tới căn nhà mới, đáng tiếc rằng nó lại được xây trên một nghĩa trang cũ. Chính vì vậy, nhiều điều bí ẩn, kỳ dị xảy ra với cả gia đình. Đáng chú ý, đứa con gái nhỏ của cả nhà - được thủ vai bởi cô bé Heather O'Rourke chính là người có thể liên kết với những linh hồn ghê rợn.
Đời thực: Mặc dù được ra mắt vào năm 1982, trong một cảnh phim lại có poster của giải đấu Super Bowl XXII sẽ diễn ra vào tận năm... 1988. Nhiều người khi ấy cho rằng đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhằm tránh kiện tụng bản quyền của ekip làm phim, thế nhưng chính chiếc poster ấy lại tiên đoán thời điểm Heather O'Rourke qua đời.
Có thể thấy được poster của giải Super Bowl năm 1988 được treo trên tường
Vào ngày 31/1/1988 khi giải đấu Super Bowl XXII đang diễn ra tại California, Heather đã bất ngờ lâm bệnh nặng và qua đời ngay ngày sau đó, với nguyên nhân được cho là ngừng tim do hẹp ruột.
Cô bé Heather O'Rourke qua đời vào chính sự kiện ở trong chiếc poster trên
Nguồn ảnh: Tổng hợp