Bạn có bao giờ tự hỏi: liệu có mối liên kết nào giữa trí tuệ của một thiên tài và sự… điên rồ không? Nhiều dẫn chứng trong lịch sử thế giới đã cho thấy rằng: đối với những cá nhân kiệt xuất như họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ… sự sáng tạo thường đi đôi với những bệnh lý như rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt. Phải chăng đây chỉ là một sự trùng hợp?
Và dưới đây chính là những thiên tài nổi tiếng trong lịch sử. Họ có thể đã mắc một số hội chứng tâm thần, hoặc chỉ đơn giản là rất lập dị và kì quặc. Nhưng bất kể bệnh tật, họ đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại.
1. Nhà văn Edgar Allan Poe và căn bệnh rối loạn tâm lý, trầm cảm
Edgar Allan Poe (1809-1849) là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học người Anh. Ông chính là người đi đầu trong thể loại truyện trinh thám kinh dị, với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang rất lớn như "Trái tim thú tội", "Sự sụp đổ của dòng họ Usher"... Thậm chí C. Auguste Dupin - nhân vật do ông tạo ra cũng là một trong những bản lề để Conan Doyle tạo ra Sherlock Holmes sau này.
Edgar Allan Poe (1809-1849)
Nhưng cuộc đời của Edgar thì không được rực rỡ như những tác phẩm của ông. Ông nghiện bia rượu và ma men đã tàn phá sức khỏe của ông, đẩy bản thân rơi vào trạng thái trầm cảm. Tâm trạng của ông càng chuyển biến tệ hơn khi nghiện ma túy, và cả khi người vợ trẻ của ông - Virginia - qua đời chỉ sau 7 năm chung sống.
Edgar mất vào năm 1849 trong tình trạng mê sảng vì uống quá nhiều rượu. Và dù không thể kết luận 100%, nhưng nhiều người vẫn cho rằng chính sự bất ổn về tâm lý đã giúp Edgar sáng tạo được những tác phẩm thành công vang dội.
2. Nhà văn Ernest Hemingway mắc chứng trầm cảm nặng
Nhà văn người Mỹ - Ernest Hemingway (1899-1961) được xem là một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, với nhiều tác phẩm để đời như "Ông già và biển cả". Ông cũng chính là người đã khởi xướng ra nguyên lý "tảng băng trôi" trong văn học: tảng băng trôi giữa đại dương, 7 phần chìm, 3 phần nổi. Cũng giống như văn học, ẩn sau những câu chữ mới là ý đồ thật sự của tác giả.
Nhưng lời nguyền "thiên tài - bệnh tật" cũng không chừa ông ra. Hemingway rất dễ bị trầm cảm, và bệnh nặng hơn vào năm 1960, khi ông từ Cuba về Mỹ. Những nỗi lo sợ đã khiến ông không thể làm việc, và buộc phải chữa trị tại một phòng khám tâm thần.
Ernest Hemingway (1899-1961)
Có điều vào thời kỳ này, cách duy nhất để trị tâm thần là sốc điện (ECT) - một phương pháp không hề hiệu quả mà để lại nhiều tác dụng phụ.
Rốt cục, ông bị mất trí nhớ, không còn khả năng làm việc nữa, rồi tự kết liễu cuộc đời bằng một khẩu súng.
3. Người khổng lồ của nhân loại Jonathan Swift và chứng Alzheimer
Nhà văn người Bắc Ireland - Jonathan Swift (1667-1745) không phải là người đi đầu trong nghệ thuật châm biếm, nhưng ông là người đưa nó lên một tầm cao mới.
Những tác phẩm của Swift vạch trần sai trái đạo đức và chỉ ra những điểm đáng chỉ trích ở xã hội đương thời, hay cụ thể hơn là thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) - thời đại những tín ngưỡng và mê tín dị đoan bắt đầu nhường chỗ cho khoa học.
Jonathan Swift (1667-1745)
Trên thực tế, hiện vẫn chưa có kết luận về căn bệnh Swift đã mắc phải, chỉ đưa ra phỏng đoán là Alzheimer dựa trên những triệu chứng còn ghi lại: chóng mặt, mất phương hướng, mất trí nhớ, không thể nhận ra con người và sự vật, không thể hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ hàng ngày.
Thêm vào đó, các tài liệu cũng chỉ ra rằng trạng thái tâm lý của Swift cực kỳ xuống dốc, đi kèm các triệu chứng tâm thần như giận dữ bộc phát, vui buồn bất chợt. Thậm chí, Swift luôn tìm cách tự móc mắt mình, và đáng ra ông đã thành công nếu các bác sĩ không ngăn lại kịp thời.
4. Nhà triết học Jean-Jacques Rousseau bị ảo giác hoang tưởng
Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778) là người đã góp phần cải cách nền giáo dục của Pháp bằng cuốn "Emile". Nổi bật trong số đó, triết gia người Pháp cho rằng thay vì ép trẻ em học, hãy khen ngợi chúng, vì sẽ là vô ích nếu một đứa trẻ phải học thuộc lòng những điều chúng không thích.
Ngoài ra, ông đề cao phương pháp giáo dục thông qua thực nghiệm - trái ngược với những gì hệ thống đang thực hiện thời bấy giờ.
Chân dung Jean-Jacques Rousseau, được vẽ bởi Allan Ramsay
Tuy nhiên, Rousseay vốn bị chứng phức cảm hành hạ. Đến khi Rousseau xuất bản "Emile" vào năm 1760, cuốn sách đã khiến mối quan hệ giữa ông với nhà thờ và chính phủ trở nên căng thẳng, và căn bệnh đã chuyển thành một dạng khác.
Ông luôn tưởng tượng xung quanh mình luôn có những âm mưu ám hại mình. Rousseau cho rằng, tất cả bạn bè cũng như người quen của ông đều rất khả nghi và đang cố gắng thực hiện những mưu đồ để hãm hại ông. Rốt cục, ông chọn một lối sống khổ hạnh, giản dị và không bao giờ ở một nơi quá lâu.
5. Nhà văn Virginia Woolf mắc chứng trầm cảm nặng
Virginia Woolf (1882-1941) được xem như một trong những nhà văn theo chủ nghĩa Hiện đại có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Nhà văn người Anh đã thể hiện rất xuất sắc ở các chủ đề văn học lịch sử, phụ nữ, và cả chính trị.
Tất cả đều có ý nghĩa sâu sắc, mang tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời. Bên cạnh đó, do đặc biệt thích nền văn học hiện thực của Nga, cô đã đưa nghệ thuật tự sự của người Nga vào văn học Anh quốc và đưa chúng lên một tầm cao mới.
Có điều, thành công của Woolf dường như một phần đến từ chứng trầm cảm cô mắc từ bé. Khi mới 13 tuổi, Virginia bị quấy rối tình dục bởi người Anh cùng cha khác mẹ, và từ đó bị ám ảnh bởi đàn ông, đến nỗi không thể nằm chung giường với bất kỳ ai, kể cả chồng của mình.
Thêm nữa, mẹ của Virginia bất chợt qua đời đã khiến tinh thần của Woolf suy sụp hoàn toàn, và sự trầm cảm từ lúc này giống như một phần cuộc sống của cô.
Nguồn: Bright Side