Kế hoạch phân chia tài sản, di chúc, chúc thư, giấy ủy quyền, … có thể được xây dựng dựa trên bất kỳ lí do gì mà một người có thể mong muốn. Mặc dù một số điều khoản và yêu cầu có thể khá bình thường, nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải vô cùng ngạc nhiên, nằm ngoài sức tưởng tượng.
Có thể bạn đã từng nghe tới một số nội dung kì lạ trong di chúc của nhiều người nổi tiếng trên khắp thế giới, nhưng những điều sau đây sẽ còn khiến bạn thêm sững sờ rất nhiều:
Luis Carlos de Noronha Cabral de Camara có dòng dõi Bồ Đào Nha cao quý. Là con riêng của một phụ nữ quý tộc, và không được yêu thương, ông giàu có nhưng ít bạn bè và không có con nối dõi. Phần lớn thời gian trong đời, ông đã phải sống một mình cô đơn.
Ông được nuôi dưỡng bởi một người bảo mẫu và được thừa kế bất động sản có giá trị từ bà ngoại. Bao gồm một căn hộ 12 phòng ở trung tâm Lisbon, một ngôi nhà gần thị trấn Guimaraes ở phía bắc, một vài tài khoản ngân hàng kếch xù, một chiếc ô tô sang trọng và hai chiếc xe mô tô do ông đứng tên.
Anibal Castro, một người bạn cũ đã chứng kiến di chúc, cho biết: ''Ông ấy quyết tâm không để bất cứ điều gì xảy ra với chính quyền tiểu bang mà ông ấy nghĩ rằng đã cướp đi tiền bạc của ông ấy trong suốt cuộc đời''. Do đó, Luis nghĩ ra một kế hoạch để phân chia tài sản của mình cho những người biết trân trọng nó. Ông đã lấy một bản sao danh bạ điện thoại của thành phố Lisbon và chọn ngẫu nhiên 70 người để thừa kế khối tài sản khổng lồ của mình.
Theo di chúc của Luis Carlos, những người thừa kế ngẫu nhiên của ông sẽ được hưởng vài nghìn đô la một cách may mắn và ngẫu nhiên.
"Tôi nghĩ đó là một trò đùa độc ác nào đó", một cụ bà 70 tuổi tên Helena chia sẻ với tờ Sol của Bồ Đào Nha khi biết tin mình là một trong số những người vừa được vận may từ trên trời rơi xuống mỉm cười. "Tôi thậm chí còn chưa bao giờ nghe nói về người đàn ông này''.
"Tôi đã gọi điện cho luật sư và ông ấy nói rằng người đàn ông đó vừa chọn ngẫu nhiên những cái tên trong danh bạ điện thoại", Vitor Mendes, một người về hưu, chia sẻ. "Những 70 người!''.
Khi Henry Budd qua đời vào năm 1862, ông đã gây dựng được khối tài sản trị giá khoảng 200.000 bảng Anh (tương đương hàng chục triệu bảng vào năm 2022). Ông quyết định chia nó một cách công bằng cho hai con trai William và Henry. Quyết định của ông đã và đang là thông lệ khá chuẩn.
Tuy nhiên, ông cũng đã bổ sung một điều khoản đặc biệt trong di chúc cuối cùng của mình. Điều khoản tuyên bố rằng nếu một trong hai người con trai của ông để ria mép, họ sẽ mất toàn bộ tài sản thừa kế cho người còn lại, và cả họ cũng như con cháu của họ sẽ không bao giờ còn có thể lấy lại tài sản đó.
Cụ thể, Henry Budd viết rằng: ''Trong trường hợp một trong hai con trai của tôi để ria mép, thì các nội dung di chúc trước đây có lợi cho người con đó, những người được chỉ định, những người thừa kế và những người được chuyển nhượng, đối với khu đất đã nói của tôi có tên là 'Pepper Park', sẽ trở nên hoàn toàn vô hiệu lực''.
Chỉ có một lời giải thích duy nhất cho quyết định lạ lùng này của ông, đó là vì ông ghét ria mép, và kiên quyết không muốn con cái mình có thể để ria nữa.
William Shakespeare - kịch tác gia vĩ đại người Anh cũng là một trong số những người phân chia tài sản trong di chúc theo cách ''không giống ai''. Trong khi Shakespeare viết di chúc để lại phần lớn tài sản của mình cho con gái Susanna sau khi qua đời, thì ông chỉ để lại cho vợ mình một món đồ duy nhất - chiếc giường tốt thứ hai của ông. William Shakespeare đã viết trong di chúc cuối cùng của mình, ngày 25 tháng 3 năm 1616: ''Di vật mà tôi tặng vợ tôi là chiếc giường tốt thứ hai cùng với đồ đi kèm'' (rèm và ga trải giường tạo thành một chiếc giường hoàn chỉnh).
Thực ra, đây hoàn toàn không phải là một yêu cầu bất thường, cũng không có ý định coi thường nào. Thứ nhất, luật thời đó quy định người vợ đương nhiên sẽ nhận được 1/3 tài sản của chồng và được sử dụng ngôi nhà của gia đình cho đến hết đời. Do đó, Shakespeare không cần phải viết rõ rằng để lại cho vợ bất cứ thứ gì trong di chúc.
Thứ hai, chiếc giường tốt nhất thời đó thường được coi là vật gia truyền, do đó sẽ thường được để lại cho người thừa kế hơn là vợ/chồng. Nhưng Shakespeare sẵn sàng để lại nó cho người vợ, điều đó cho thấy ông yêu mến và trân trọng bà đến thế nào. Đó có thể coi là một món quà từ trái tim.
Vào dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông, phân tích tia X và tia hồng ngoại của một nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã tiết lộ rằng điều khoản này đã được đưa vào một tháng trước khi Shakespeare qua đời vào tháng 4 năm 1616, ở tuổi 52. Ắt hẳn đây là một hành động yêu thương đầy cảm động của một người đàn ông khi biết mình sắp từ giã cõi đời.
Jonathan Jackson là một người yêu động vật đến từ Columbus, Ohio, và ông đã vạch ra bản kế hoạch chi tiết cho một biệt thự dành cho những chú mèo của mình, sẽ được xây dựng lên sau khi ông qua đời. Theo kế hoạch, dinh thự có ký túc xá, vật liệu chịu lửa, khu vực giao tiếp, sân tập thể dục, mái dốc để leo trèo, lỗ chuột để vận động, thậm chí cả một ''khán phòng'' để lũ mèo tụ tập hàng ngày để nghe đàn accordion - mỗi ngày một tiếng, và cả một bệnh xá có bác sĩ phẫu thuật và 3 - 4 y tá túc trực.
Khi Roger Brown - một người hưu trí ở Anh - qua đời trong trận chiến với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2013, ông đã để lại một món quà đầy tình cảm và bất ngờ cho 7 người bạn thân nhất của mình. Đó là 3.500 bảng Anh cho những người bạn nhậu lâu năm để họ thực hiện một chuyến du lịch đến bất kỳ thành phố nào ở châu Âu, với điều kiện là họ phải nhậu bữa cuối với Roger.
Sau đó, những người bạn đã chọn đến Berlin vào năm 2015. Họ xin lỗi các con trai của Roger vì đã ''lấy đi một phần tài sản thừa kế của chúng'', nhưng cũng nói thêm, ''chúng tôi đã tiêu phần lớn số tiền đó vào bữa nhậu cuối cùng; còn lại chúng tôi tiêu hơi phung phí 1 chút''.