Chia sẻ đầy tâm huyết trước hội đồng đầu tư, Huy Ngọc cho biết nếu triển khai được mô hình học đa năng này ra thế giới sẽ đem đến rất nhiều giá trị không những cho Việt Nam mà còn cả thế giới. Bộ sản phẩm Gerobo không chỉ dùng trong giảng dạy, mà còn cung cấp các kiến thức, đối tượng cơ bản của hình học dành cho trẻ khi tiếp xúc hàng ngày.
Được biết, anh Nguyễn Huy Ngọc (sinh năm 1980), đang là giáo viên dạy Toán tại trường THPT Phan Đình Phùng, đồng thời cũng là người rất đam mê tham tham gia nghiên cứu các dự án về Toán học. Anh từng nhận giải nhất toàn thành phố về việc sáng tạo đồ dùng dạy học, 2 lần là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.
Một sản phẩm trong bộ lắp ghép hình học đa năng Gerobo. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Liên hệ với thầy giáo sau khi chương trình lên sóng, Huy Ngọc chia sẻ rằng bản thân vốn là một giáo viên dạy Toán nên trong quá trình giảng dạy đã nhận thấy hầu hết các em học sinh cảm thấy khó khăn với môn hình học, đặc biệt là hình học không gian. "Một điều rất lạ đó là tất cả mọi người chúng ta đang sống trong không gian 3 chiều với rất nhiều những đối tượng hình học, nhưng tại sao khi học về chúng thì đại đa số chúng ta cảm thấy khó khăn và hay bị nhầm lẫn? Vậy nguyên nhân ở đâu?
Một là hững đối tượng hình học ta nhìn thấy trong cuộc sống rất nhiều kiểu hình thù khác nhau. Trong khi đó khi học hình học ở phổ thông thì chúng ta lại nghiên cứu các đối tượng căn bản như: điểm, đường thẳng, mặt phẳng. Vì vậy mà ta bị các thứ khác làm nhiễu. Thứ hai, đó là vì thiếu giáo cụ để mô tả trực quan sinh động rồi mới dẫn vào tư duy trừu tượng nên nhiều khi các thầy cô phải dạy "chay". Mỗi lần tích luỹ một chút sự mơ hồ của học sinh sẽ dần dần làm học sinh đó không theo kịp bài giảng, không hiểu bài và dẫn đến chán học.
Vì vậy tôi đã tư duy tìm giải pháp tốt nhất khắc phục những điều này và bộ lắp gắp hình học đa năng này ra đời. Đó là vào khoảng thời gian năm 2003. Ngay sau đó tôi đã được thành phố Hải Phòng trao giải nhất cho đồ dùng dạy học tự tạo".
Anh Huy Ngọc chia sẻ rằng bản thân vốn là một giáo viên dạy Toán nên trong quá trình giảng dạy đã nhận thấy hầu hết các em học sinh cảm thấy khó khăn với môn hình học, đặc biệt là hình học không gian.
Chia sẻ về điều tâm đắc nhất trong bộ xếp hình, "thầy giáo gym" cho hay: "Hãy cứ tưởng tượng nếu ta dùng Gerobo để lắp thành một đồ vật trang trí trên bàn làm việc, góc học tập... thì qua sự biến đổi đa dạng của nó chúng ta có thể rút ra những triết lý rất sâu sắc về cuộc sống hay đơn giản hơn là chúng ta luôn có những ý tưởng mới mỗi ngày. Còn nếu dùng để làm đồ chơi trí tuệ cho trẻ em thì bên cạnh việc phát huy khả năng sáng tạo, sự khéo léo, trừu tượng thì trẻ còn được cung cấp các mối quan hệ giữa các đối tượng cơ bản của hình học. Đến khi các con học hình học trong nhà trường sẽ lấy những hiểu biết và kinh nghiệm đó là vật chất để tư duy và từ đó các con trừu tượng rất nhanh.
Cuối cùng đây là một giải pháp có thể nói là tốt nhất cho tới hiện tại giúp người khiếm thị có thể học tập và nghiên cứu hình học mà chưa một phần mềm vi tính nào có thể làm được. Hình học rất cần với người khiếm thị cho cuộc sống của họ. Nhưng để dạy hình học cho người khiếm thị thì khó khăn vô cùng vì buộc phải có đối tượng hình học cho họ cầm nắm được".
Bên cạnh là người sáng tạo ra Gerobo, anh Huy Ngọc còn được biết đến với biệt danh "thầy giáo gym" khi sở hữu cơ bắp cuồn cuộn 6 múi: "Có lẽ nhờ đạt giải quán quân trong cuộc thi "Cơ bụng hoàn hảo" vào năm 2013 nên mọi người biết đến tôi nhiều hơn. Nhưng để được như thế thì trước đó tôi đã phải mất 14 năm tập luyện chăm chỉ và khoa học để biến một thanh niên gầy gò ốm yếu thành một người đàn ông lực lưỡng. Quãng thời gian đó thật không hề đơn giản chút nào. Chung quy lại tôi muốn làm và tin mình có thể làm được thì chắc chắn sẽ được".
"Thường thì người ta hay lấy bận bịu làm cớ thoái thác việc tập luyện thể dục thể thao. Thực ra khi đầu óc còn lo toan rất nhiều thứ trong cuộc sống, công việc hàng ngày thì để sắp xếp thời gian đi tập thể thao cũng rất khó. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận việc tập thể thao chính là việc sẽ giúp chúng ta tái tạo sức lao động, cân bằng giữa hoạt động trí não và chân tay thì chúng ta sẽ thấy cần phải có thời gian nhất định cho nó mỗi ngày, giống việc chúng ta tỉnh dậy và đánh răng mỗi sáng vậy. Bên cạnh đó, khi quan tâm đến tập gym thì chúng ta còn quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để tốt nhất cho sức khoẻ và phù hợp với nhu cầu của mình. Điều này là rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại", thầy giáo chia sẻ.
Anh Huy Ngọc còn được biết đến với biệt danh "thầy giáo gym" khi sở hữu cơ bắp cuồn cuộn 6 múi
Hình ảnh đời thường của thầy giáo gym.