Shark Thái Vân Linh: "4 năm đại học có thành công hay không, đều phụ thuộc vào ngày phỏng vấn xin việc"

Công Hiếu, Theo Helino 20:02 17/07/2019
Chia sẻ

Đấy là những gì mà Shark Linh chia sẻ trong buổi hội thảo "Sẵn sàng cho tương lai - cùng VinUni" nằm trong khuôn khổ của Ngày hội STEME được tổ chức bởi dự án đại học VinUni thuộc tập đoàn Vingroup tổ chức.

Đã có bao giờ bạn nghĩ rằng: "Ngành học nào sẽ tạo nên xu hướng của tương lai, có nhiều công việc và sự nghiệp tốt?; Vì sao cùng học một ngành tại một trường, cùng tốt nghiệp đại học, có những cử nhân được tuyển dụng ngay và có những cử nhân thì chật vật thất nghiệp?; Vì sao cùng làm một công ty và cùng một xuất phát điểm, có những người mãi vẫn thu nhập 80 triệu/năm và có những người bật lên thành đạt thu nhập 80 triệu/tháng?; Nếu thực sự có khát vọng và năng lực, người trẻ nên khởi nghiệp sớm hay nên tiếp tục làm thuê?...".

Tất tần tật những câu hỏi này, đã được được chia sẻ và giao lưu trong buổi trò chuyện "Sẵn sàng cho tương lai - cùng VinUni" diễn ra vào ngày 14/7 vừa qua do dự án Đại học VinUni của tập đoàn Vingroup tổ chức. Với khách mời của buổi giao lưu là các gương mặt nổi tiếng như: "Shark" Thái Vân Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures; Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo - VinAI Research và Giáo sư Rohit Verma, Hiệu trưởng đầu tiên của VinUni.

Shark Thái Vân Linh: 4 năm đại học có thành công hay không, đều phụ thuộc vào ngày phỏng vấn xin việc - Ảnh 1.

Khách mời của buổi giao lưu là các gương mặt nổi tiếng như: "Shark" Thái Vân Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures; Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo - VinAI Research và Giáo sư Rohit Verma, Hiệu trưởng đầu tiên của VinUni.

Khác với những khách mời khác, Shark Linh đã mở đầu cuộc nói chuyện của mình bằng một câu chuyện về hành trình tự lập của bản thân vào những năm niên thiếu. "Bí quyết để thành công là hành động. 20 năm qua, tôi nghĩ yếu tố chính giúp tôi được như hôm nay là luôn luôn hành động và làm việc chăm chỉ", bà Linh nói.

Shark Linh kể rằng cũng giống như ở Việt Nam, sinh viên tại Mỹ thường đi thực tế vào mùa hè trước khi chuẩn bị vào năm 3. Sau khi kết thúc kì thực tập đó, bà Linh đã gửi CV xin việc đến 5 công ty kinh doanh khá lớn và đều nhận được thư mời phỏng vấn. Nhưng có vẻ như may mắn chưa mỉm cười với cô sinh viên ngày ấy khi không một công ty nào nhận. Cũng chính từ đây, shark Linh đã đặt ra cho mình một kế hoạch khác, tự vấn l;ại bản thân mình và đã tìm ra "chân lý": Việc ra trường có tìm được một công việc tốt với mức lương hấp dẫn hay không được quyết định bởi cả quá trình cố gắng của ứng viên ngay từ ngày đầu đại học.

Shark Thái Vân Linh: 4 năm đại học có thành công hay không, đều phụ thuộc vào ngày phỏng vấn xin việc - Ảnh 2.

Việc ra trường có tìm được một công việc tốt với mức lương hấp dẫn hay không được quyết định bởi cả quá trình cố gắng của ứng viên ngay từ ngày đầu đại học.

"Tại sao tôi đều vượt qua vòng CV của 5 công ty lớn để đến được vòng phỏng vấn? Ngay từ năm nhất, tôi đã ra ngoài làm việc và có 3 năm kinh nghiệm khi kết thúc năm 3 đại học", bà Linh nói và cho rằng việc đi làm sớm chính là điểm khác biệt của bà lúc đó so với những sinh viên chỉ đi học và hoạt động CLB trong trường. Điều đó đã gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng.

Từ kinh nghiệm bị trượt vòng phỏng vấn của cả 5 công ty, nữ doanh nhân cho rằng ứng viên cần chuẩn bị chu đáo. "Đừng đến gặp nhà tuyển dụng với tâm thế mình có sao nói vậy và không chuẩn bị bất cứ điều gì. Đó là quan điểm không đúng", CEO của Vingroup Ventures nói. Đồng thời, khuyên sinh viên nên chọn những công việc văn phòng để làm quen với môi trường làm việc trước, đó cũng là khoảng thời gian sinh viên nên gắng tích lũy trải nghiệm để vừa có thể viết vào CV, vừa có thể dùng trải nghiệm đó để rút kinh nghiệm, chuẩn bị tốt nhất cho những cuộc phỏng vấn xin việc sau khi tốt nghiệp.

Khi trả lời phỏng vấn, bà Linh cho rằng ứng viên nên nhìn vào mắt nhà tuyển dụng, nói chuyện tự nhiên, dõng dạc và dứt khoát. "Khi tôi đi phỏng vấn người khác, các bạn trẻ dù là ở Việt Nam hay Mỹ vì chưa có kinh nghiệm nên thường tỏ ra thiếu tự tin. Những người như vậy tôi thường không tuyển vì ứng viên còn không tin vào bản thân thì rất khó thuyết phục người khác tin vào khả năng mình có, từ đó mà hiệu quả công việc sẽ bị giảm", bà giải thích.

Áp dụng kế hoạch phỏng vấn trên, vào mùa hè năm cuối đại học, tức là một năm sau thất bại, bà Linh đã vượt qua các bài phỏng vấn, được nhiều công ty lớn mời về làm việc. Để làm những việc này không dễ dàng vì kéo dài suốt 4 năm đại học và không nhìn thấy thành quả ngay. "Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có 5% sinh viên ra trường có được một công việc với mức lương hấp dẫn. Nếu muốn nằm trong top 5% đó thì bạn phải phải chấp nhận nỗ lực và cố gắng hơn những người nằm trong số 95% còn lại", CEO của Vingroup Ventures lý giải.

Chương trình đưa giáo dục STEME tới học sinh THPT là một cấu phần của "Đề án Hỗ trợ Đào tạo Nguồn lực Khoa học Công nghệ Việt Nam" của Tập đoàn Vingroup. Với định hướng mang những mô hình đào tạo tinh hoa trên thế giới ứng dụng vào việc giảng dạy, các CLB STEME tại các trường THPT không những trang bị kiến thức, kỹ năng về STEM cho học sinh mà còn hình thành, đào tạo các phẩm chất thiết yếu của người công dân toàn cầu trong thế kỷ 21 như Tinh thần khởi nghiệp (Entrepreneurship mindset) và Kỹ năng Học tập (Study Skills). Ngày hội STEME là điểm nhấn tổng kết giai đoạn 1 của Chương trình, tạo đà cho các giai đoạn tiếp theo với mong muốn thu hút thêm sự tham gia và đồng hành của học sinh và phụ huynh trên khắp cả nước

Báo cáo đầu năm 2019 của Tổ chức Nghiên cứu về khoa học và công nghệ của Khối thịnh vượng Chung cho thấy Việt Nam cần 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực STEM từ nay đến năm 2020. Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel và sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước như Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ với VinFast, VinTech, VinSmart… cho thấy chưa bao giờ lĩnh vực STEM trong nước "khát" nhân lực như hiện nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày