Chiều 25/8, trong cuộc họp báo tại Bộ Y tế, đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây tại Hà Nội, GS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
7 trường hợp tử vong tại các phường: Trung Liệt, Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); Giáp Bát, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); Cống Vị (quận Ba Đình); Quang Trung (quận Hà Đông) và phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Hà Nội cũng là nơi có số ca bệnh và người tử vong do sốt xuất huyết cao nhất cả nước.
GS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).
Các đơn vị có số ca mắc cộng dồn cao là Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm.
"Hàng năm số ca mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, 8 sau đó tăng mạnh vào tháng 9, 10, đỉnh dịch rơi vào tháng 11. Tuy nhiên, năm 2017 dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6, 7. Số ca mắc trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao", ông Trần Đắc Phu cho hay.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, Hà Nội phấn đấu hết tuần này sẽ phun được 100% các trường học để giảm nguy cơ khi học sinh sinh viên mắc bệnh trước khi khai giảng.
Trao đổi về công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua tại Hà Nội, TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, số liệu thống kê cho thấy có tới 40% số ca bệnh mắc sốt xuất huyết là học sinh, sinh viên. Qua kiểm tra phun hóa chất vẫn còn 12% số trường học còn bọ gậy.
"Thời điểm này, học sinh, sinh viên một số trường đã nhập học nên Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra các trường trong việc phun hóa chất diệt muỗi cũng như diệt lăng quăng, bọ gậy. Hà Nội phấn đấu hết tuần này sẽ phun thuốc được 100% các trường học để giảm nguy cơ khi học sinh sinh viên mắc bệnh trước khi khai giảng. Hà Nội cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác phun hóa chất, diệt bọ gậy tại các trường học. Tại các trường cấp 1,2,3 thì Sở GD&ĐT vào cuộc rất quyết liệt. Nếu trường học nào phát hiện bọ gậy trong trường thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo", ông Cảm nhấn mạnh.
Đồng thời, ngành y tế cũng gửi bản kiểm điểm để tự kiểm tra tại nhà mình đối với học sinh cấp 2, cấp 3, sau đó nộp lại nhà trường. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện nay, thủ đô có khoảng 1,5 triệu học sinh cấp 2, cấp 3. Đây cũng là lực lượng giúp công tác phòng chống dịch của Hà Nội được tốt hơn.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm, Hà Nội đã áp dụng cả ba loại hình để phun hóa chất diệt muỗi: Phun bằng máy công suất lớn, trong đó, có 22 máy phun cỡ lớn trang bị cho 22 quận huyện, phát huy hiệu quả tốt đặc biệt phun ở trường học và nơi công cộng; máy phun đeo vai; đặc biệt Hà Nội triển khai phun mù nóng ở trường học, công trường, nơi công cộng phát huy hiệu quả tốt.