4 thứ khiến bạn có chăm chỉ đến đâu cũng đừng mơ tới chuyện dư dả tiền nong

Trang Vũ, Theo thanhnienviet.vn 10:32 25/07/2025
Chia sẻ

Không phải cứ kiếm được nhiều tiền là sẽ dư dả, và không phải ai thu nhập thấp cũng nghèo túng. Sự khác biệt đôi khi nằm ở cách mỗi người nghĩ về tiền.

Cùng là đi làm, cùng một mức lương, nhưng có người cuối tháng vẫn dư ra một khoản tiết kiệm, còn người khác lại phải "vay nóng" để sống sót qua ngày. Không phải do ai đó kiếm được nhiều hơn, mà là vì họ có cách nghĩ khác về tiền bạc.

Tiền không chỉ là con số trong tài khoản, mà còn phản ánh thói quen, cách sống và tư duy tài chính của mỗi người. Nếu bạn đang tự hỏi vì sao mình luôn rơi vào cảnh "chưa hết tháng đã hết tiền", thì 4 khác biệt dưới đây có thể là câu trả lời.

1. Người dư dả: luôn dành ra một khoản trước khi tiêu - Người thiếu tiền: tiêu xong mới nhớ tiết kiệm

Bạn nhận lương, việc đầu tiên là gì? Gửi cho gia đình, trả nợ, đi ăn một bữa hoành tráng để "mừng có tiền", hay mở ví ra chia một khoản để tiết kiệm?

Người dư dả không phải vì họ kiếm được quá nhiều, mà vì họ có nguyên tắc: luôn trả cho mình trước tiên. Dù lương ít hay nhiều, họ cũng dành một phần cố định để tiết kiệm hoặc đầu tư, rồi mới tính đến chuyện chi tiêu.

4 thứ khiến bạn có chăm chỉ đến đâu cũng đừng mơ tới chuyện dư dả tiền nong- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, người luôn túng thiếu lại hay tiêu hết rồi mới nghĩ đến việc để dành. Họ tiêu theo cảm hứng: hôm nay sale, mai bạn rủ đi ăn, mốt thấy món đồ yêu thích... Tích lại từng tí, cuối tháng ví trống rỗng, tài khoản về 0 mà chẳng biết đã tiêu vào đâu.

2. Người dư dả: nghĩ dài hạn - Người thiếu tiền: chỉ lo chuyện trước mắt

Người có tài chính ổn định không phải là người giỏi tính toán từng đồng, mà là người có tầm nhìn xa. Họ biết mình muốn gì trong 1 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm tới: mua nhà, đổi nghề, đi du học hay nghỉ hưu sớm. Từ đó, họ lên kế hoạch tài chính rõ ràng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu.

Ngược lại, người hay thiếu tiền thường rơi vào trạng thái "sống hôm nay đã, mai tính sau". Họ không rõ mục tiêu tài chính là gì, chỉ cố gắng đủ sống từng tháng. Vì không có kế hoạch dài hạn nên họ dễ bị lung lay bởi những thứ nhất thời: một chuyến du lịch bất chợt, một món đồ không thực sự cần thiết, hay một khoản đầu tư theo trend trên mạng xã hội.

3. Người dư dả: coi tiền là công cụ - Người thiếu tiền: coi tiền là phần thưởng

Với người có tư duy tài chính thông minh, tiền không phải là thứ để chứng minh địa vị hay "tự thưởng" cho bản thân mỗi khi mệt mỏi. Họ coi tiền là phương tiện để phục vụ cuộc sống: học thêm kỹ năng, đầu tư cho tương lai, mua thời gian và sự tự do.

Họ có thể chi mạnh tay cho một khóa học đắt tiền, nhưng sẽ do dự với một món đồ hiệu chỉ để khoe. Họ tiêu tiền có chủ đích, và luôn tự hỏi: "Chi thế này có giúp mình tốt lên không?"

4 thứ khiến bạn có chăm chỉ đến đâu cũng đừng mơ tới chuyện dư dả tiền nong- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, nhiều người cứ hễ có tiền là phải tiêu cho "đáng công đi làm". Một đôi giày xịn, một bữa ăn sang, một chiếc điện thoại mới - với họ là cách để thấy rằng mình đang sống. Nhưng cảm giác "sống như thưởng" đó chỉ kéo dài vài ngày, còn ví thì hết tiền suốt cả tháng.

4. Người dư dả: kiểm soát được cảm xúc -Người thiếu tiền: để cảm xúc điều khiển ví tiền

Cảm xúc chi phối tài chính nhiều hơn bạn tưởng. Mệt quá thì đặt đồ ăn giao tận nơi, buồn thì mua sắm cho đỡ chán, vui thì "quẹt nhẹ" một món đồ làm quà cho bản thân.

Người dư dả không phải là người không cảm xúc, mà là người biết cách kiểm soát cảm xúc. Họ không để tâm trạng quyết định hành vi tiêu dùng. Trước khi chi tiền, họ có xu hướng tạm dừng một chút để cân nhắc.

Còn người thường xuyên rỗng túi lại dễ tiêu theo tâm trạng. Họ hay mua sắm để giải tỏa, gọi đồ ăn cho nhanh vì lười nấu, hoặc đổ tiền vào những thú vui tạm thời. Cảm xúc đi qua, ví tiền ở lại, nhưng là ở lại trong tình trạng trống không.

4 thứ khiến bạn có chăm chỉ đến đâu cũng đừng mơ tới chuyện dư dả tiền nong- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Sự khác biệt giữa người dư dả và người luôn thiếu tiền không hẳn nằm ở thu nhập, mà nằm ở tư duy. Khi bạn biết cách nhìn tiền khác đi, bạn sẽ thấy túi tiền mình cũng dần "cư xử" khác. Và đôi khi, thay vì cố kiếm nhiều hơn, chỉ cần thay đổi cách nghĩ là bạn đã đi được nửa chặng đường đến sự dư dả rồi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày