Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt từng nói: "Có một phẩm chất có thể khiến một người trở nên nổi bật giữa những người tầm thường, phẩm chất đó không phải là năng khiếu bẩm sinh, không phải là học vấn, cũng không phải là trí thông minh, mà là tính tự giác".
Rất nhiều trường hợp, chìa khóa tạo nên khoảng cách giữa những đứa trẻ nằm ở sự tự giác. Và để giúp trẻ hình thành sự tự giác, chính bản thân cha mẹ nên thay đổi trước bằng việc làm 5 việc này.
Phía sau mỗi đứa trẻ tự giác và cầu tiến, chắc chắn đều thấm đẫm mồ hôi công sức đồng hành của cha mẹ. Cần phải biết rằng, trẻ không tự nhiên mà biết tự giác học tập. Việc trẻ có thể tự "ngoan" hay không, bước đầu tiên nằm ở sự đồng hành chất lượng của cha mẹ.
Đồng hành cùng con không phải là giám sát con làm bài tập mà là giúp con hình thành thói quen học tập tốt, chẳng hạn như tự giác chuẩn bị bài, tư duy độc lập, sắp xếp vở bài tập sai, kiên trì đọc sách,... Khi đã hình thành thói quen tốt, trẻ sẽ tự nhiên trở nên tự giác.
Mẹ của một thủ khoa đại học từng khuyên: "Nhất định phải giám sát con hình thành thói quen khi con chưa có khả năng tư duy độc lập. Quá trình giám sát rất vất vả, bạn phải luôn theo sát và chú ý đến con, nhưng một khi đã định hình, con đường phía trước sẽ bằng phẳng hơn". Phía sau mỗi đứa trẻ tự giác đều là những bậc cha mẹ đã đồng hành cùng con trong thời gian dài.
Dương Kiệt - Chuyên gia giáo dục trẻ em nổi tiếng của Trung Quốc từng chia sẻ một trường hợp như sau. Có một cậu bé lớp 1, mẹ cậu ngày nào cũng kèm cặp cậu làm bài tập. Cậu bé cảm thấy khó chịu, khi làm bài tập, cậu thường hay táy máy, mẹ không giục thì cậu không chịu làm. Lâu dần, cậu phớt lờ lời thúc giục của mẹ, chỉ muốn đi chơi. Bài tập vốn không mất nhiều thời gian để hoàn thành nhưng cậu luôn trì hoãn. Kết quả là hai mẹ con tranh đấu với bài tập cả buổi tối mà cậu bé vẫn không viết một chữ nào.
Trong giáo dục, nếu muốn con bài xích điều gì, bạn hãy ép buộc con làm điều đó. Việc trẻ không tự giác học tập thường là do cha mẹ trong quá trình đồng hành đã dùng lời nói thúc giục, giám sát, phê bình, tước đi cảm giác tự chủ của con. Đây cũng là lý do tại sao "những đứa trẻ bị ép buộc, bị thúc ép học tập sẽ ngày càng chán học".
Khi trẻ có cảm giác làm chủ, trẻ mới có động lực tự giác học tập, khám phá phương hướng của cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ hãy cho con đủ quyền tự chủ trong học tập, như vậy con mới tự nguyện, tự giác dấn thân vào học tập, có nhiệt huyết và động lực học tập bền bỉ.
Học tập vốn là một quá trình lâu dài và nhàm chán. Nếu cha mẹ luôn chỉ trích, đánh mất sự tự tin của con cái thì con cái sẽ nảy sinh tâm lý chống đối, và dần dà chúng sẽ chẳng muốn học nữa.
Vì vậy, cha mẹ hãy thử đưa ra những phản hồi tích cực kịp thời cho con, chẳng hạn như: "Hôm nay con đã hoàn thành bài tập rất đúng giờ, lại viết rất cẩn thận, rất đáng khen", "Hôm nay con nghe giảng rất chăm, tiếp thu cũng tốt, mẹ rất vui"…
Nên biết rằng ngôn ngữ của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Sự ám thị tích cực và phản hồi tích cực sẽ khơi dậy động lực bên trong của trẻ, giúp trẻ tự tin, mạnh mẽ hơn và can đảm hơn trong việc đương đầu với khó khăn.
Trên thực tế, sự tự giác thực sự không bao giờ đến từ sự ép buộc hay dỗ dành mà là khơi dậy động lực bên trong. Có thể thấy những đứa trẻ thực sự có thể học tập bền bỉ, tự giác học tập thường là những đứa trẻ đã tìm được niềm vui trong học tập.
Tuy nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ vì quan niệm "học tập là trên hết" mà tước đi sở thích của con cái, đồng thời cũng xóa bỏ đi sự khám phá giá trị bản thân của trẻ. Vì vậy, cha mẹ có thể thông qua việc khai quật sở thích của con cái để giúp con tìm thấy giá trị của bản thân, cũng như động lực học tập từ tận đáy lòng.
Sở thích là người thầy tốt nhất của trẻ. Khi sở thích của một đứa trẻ được khơi dậy một cách triệt để, việc học sẽ không còn khô khan, nhàm chán nữa. Chúng sẽ chuyển đổi trạng thái từ "tôi phải học" thành "tôi muốn học".