Có 2 cách để tăng tỷ lệ tiết kiệm: Một là giảm bớt các khoản chi tiêu; hai là tăng nguồn thu nhập - đồng nghĩa với việc bạn cần tìm thêm những công việc khác, ngoài công việc hiện tại.
Trong khi phương án thứ 2 cần nhiều thời gian và sức lực để thực hiện, thì phương án đầu tiên lại có phần đơn giản và dễ dàng hơn nhiều. Vấn đề chỉ là bạn chưa biết cách cắt giảm chi tiêu nên thành ra chưa tối ưu được thói quen tiết kiệm mà thôi.
Hãy cùng tham khảo cách "siết chặt hầu bao", tối ưu chi tiêu và tăng tỷ lệ tiết kiệm của những bạn trẻ dưới dây, chắc hẳn bạn sẽ bỏ túi được nhiều bí quyết hữu ích đấy.
Chia sẻ trên kênh TikTok @banh.finance, Ánh Bùi cho biết cô đã cắt giảm thành công 6-7 triệu đồng tiền chi tiêu hàng tháng. Để làm được điều đó, Ánh Bùi luôn bám sát danh sách gồm 3 gạch đầu dòng.
1 - Cắt giảm 2 triệu/tháng tiền mua quần áo
Thay vì dùng tiền để mua quần áo mới, Ánh Bùi "tăng xin giảm mua" sản phẩm này. Cô liên hệ với chị gái, bạn bè để xin những bộ quần áo còn có thể mặc nhưng họ không mặc tới, hoặc những món đồ đã bị chật.
Ánh Bùi
Cô cũng cho biết trước đây, bản thân từng thử tìm mua quần áo second-hand vì giá thành rẻ, tuy nhiên hiệu quả tiết kiệm lại không được "mỹ mãn" vì không phải món đồ si nào cũng có thể mặc được, hoặc là nó quá cũ, hoặc là nó rất nhanh bai nhão.
2 - Cắt giảm 1 triệu/tháng tiền mua đồ skincare
Trước đây, giống nhiều cô gái khác, skincare routine của Ánh Bùi cũng gồm 7749 bước, nói chung là nhiều không kể siết. Việc này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn tiền, vì số lượng các bước dưỡng da tương đương với số sản phẩm làm đẹp mà chúng ta phải đầu tư rước về nhà.
Nhận ra điều đó, Ánh Bùi đã cắt giảm quy trình dưỡng da của mình xuống chỉ còn 2 bước: Làm sạch và dưỡng ẩm. Ngoài ra, cô không đầu tư tiền bạc và thời gian cho những sản phẩm khác, từ đó tiết kiệm được thêm 1 triệu/tháng.
3 - Cắt giảm 3 triệu/tháng tiền đi ăn hàng
Nay cà phê với bạn thân, mai đi ăn cùng đồng nghiệp, số tiền mỗi bữa tưởng là "nhỏ lẻ" chẳng đáng là bao, nhưng cộng dồn lại mà xem, bạn sẽ thấy nó không hề "nhỏ" chút nào nữa. Nhiều người thường nghĩ rằng hạn chế ăn hàng đồng nghĩa với việc phải cắt giảm cả thời gian chất lượng cho những mối quan hệ thân thiết. Nghĩ vậy là nhầm to nha!
Ánh Bùi cho biết hiện tại, cô duy trì thói quen ăn ở nhà. Sau đó, có thể đi trà chanh, trà đá cùng bạn bè để tăng tính gắn kết. Như vậy vừa tiết kiệm tiền, vừa đảm bảo không lơ là các mối quan hệ quan trọng.
Hiện tại, Ánh Bùi đã áp dụng 3 cách cắt giảm chi tiêu này được hơn 1 năm. Cô khẳng định đây chính là một trong những yếu tố giúp sức khỏe tài chính ổn định và khả quan hơn hẳn.
"Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" có lẽ là câu nói khá đúng với sự tiến bộ trong sức khỏe tài chính của Minh Anh và hội bạn thân.
Cảm thấy việc tự kiểm soát chi tiêu không mấy hiệu quả vì bản thân dễ "xiêu lòng" trước muôn vàn món đồ đẹp xinh đang mời gọi, nhóm bạn thân này quyết định "thay đổi chiến thuật": Lập "hội đồng phán xét" từng khoản chi của nhau bằng một file Excel quản lý chi tiêu chung.
File quản lý chi tiêu chung của Minh Anh cùng 2 người bạn thân Thu Anh và An Khanh. Minh Anh cho biết hàng ngang “>300” chính là số lượng những ngày mà từng người tiêu quá 300.000đ - Khoản chi tối đa cho một ngày mà cả 3 đã thống nhất
Chia sẻ với chúng tôi, Minh Anh đùa rằng nếu không làm như vậy, có lẽ cả 3 sẽ "sớm phải ra đường".
"Chúng mình từng chi tiêu rất quá trớn, mua không biết bao nhiêu thứ linh tinh. Tự bản thân không thể có cái nhìn công tâm, chính xác về tính hợp lý của từng khoản chi nên là phải lập file quản lý chi tiêu chung, đứa này thấy đứa kia mua thứ gì phù phiếm, vô nghĩa là mắng ngay".
Minh Anh chia sẻ và khẳng định sau khi cùng bạn bè quản lý chi tiêu, cô đã cắt giảm thành công 50% số tiền chi tiêu của một tháng.
Từ trái qua phải: Thu Anh - An Khanh - Minh Anh
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nếu chúng ta không thể tự kiểm soát thói quen chi tiêu của mình, phải rủ ngay hội chị em bạn dì thành lập "hội đồng phán xét" như nhóm bạn thân của Minh Anh thôi!