Chủ nhân của ngôi nhà này là Phạm Văn Cường, đến từ Nam Xương (Trung Quốc). Trong cuộc phỏng vấn với Zaobao, anh cho biết, vào tháng 5 năm ngoái, anh cùng ba người bạn thế hệ 9X đã thuê căn nhà độc lập này với giá 7600 NDT/năm (khoảng 27 triệu VNĐ) và cải tạo nó thành "viện dưỡng lão thanh niên" của riêng mình.
Căn nhà đã có lịch sử hơn 40 năm nên mọi thứ khá tồi tàn, buộc họ phải tiến hành sửa chữa toàn diện sau khi thuê lại. Ngoài việc sơn lại tường, họ còn thay mới hệ thống dây điện và xây dựng thêm nhà vệ sinh ngoài trời.
Anh kể: "Chi phí cải tạo không nhiều, phần lớn chúng tôi tự mình làm. Khoảng thời gian đó mỗi ngày đều lao động nặng nhọc, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa cảm thấy vui vẻ mong đợi."
Phạm Văn Cường còn vẽ bức tranh sóng biển trên tường ngoài của "viện dưỡng lão thanh niên", tạo cảm giác như một biệt thự ven biển.
Phạm Văn Cường là một họa sĩ kiêm nhà thiết kế, công việc tương đối linh hoạt. Mỗi tuần anh lái xe từ nhà ở trung tâm Nam Xương đến "viện dưỡng lão" này ít nhất ba lần.
Anh và bạn bè trồng rau trong vườn, sau khi làm việc sẽ ngồi dưới bóng cây trò chuyện, pha trà, tận hưởng làn gió mát từ sông thổi vào. Khi buồn ngủ, họ mắc võng giữa hai cây bưởi để nghỉ ngơi.
Phạm Văn Cường chia sẻ: "Đây là nơi tránh bão trong cuộc sống bận rộn của chúng tôi, là nơi để xả stress và nuôi dưỡng tâm hồn."
Phong cách sống chậm rãi như của Phạm Văn Cường tưởng chừng chỉ phù hợp với người đã về hưu. Thế nhưng, trong bối cảnh môi trường làm việc ngày càng cạnh tranh, áp lực xã hội tồn tại ở mọi mặt đời sống, ngày càng nhiều người trẻ hướng đến một cuộc sống giản dị, bình lặng như vậy.
Đó là lý do, xu hướng này đã thúc đẩy sự xuất hiện của các "viện dưỡng lão thanh niên" ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Trên mạng xã hội, các bài đăng về "viện dưỡng lão thanh niên" mọc lên như nấm sau mưa — có những nhóm như Phạm Văn Cường cũng tự chia sẻ hành trình biến ngôi nhà cũ thành "viện dưỡng lão tư nhân", cũng có những người biến việc vận hành viện dưỡng lão thanh niên thành một mô hình kinh doanh, tuyển thêm những người có cùng chí hướng thông qua mạng xã hội
Quản Phong, 34 tuổi, Trung Quốc, cũng rẽ hướng cuộc đời vào tháng 5 năm ngoái khi từ bỏ công việc thiết kế tour du lịch, tiếp quản một homestay dưới chân núi Lô Sơn, tỉnh Giang Tây. Đến cuối năm, nơi đây đã treo biển "Viện dưỡng lão thanh niên". Cũng như Phạm Văn Cường, cô muốn tạo ra một nơi giúp người trẻ tạm rời xa xô bồ, vừa dưỡng thân vừa dưỡng tâm.
Cô nói: "Nhiều người muốn tới Đại Lý, Tân Cương, Tây Tạng hay ra nước ngoài để giải tỏa tâm trạng, nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Từ trung tâm Cửu Giang tới đây chỉ mất nửa giờ lái xe. Ở đây, bạn có thể yên tĩnh đọc sách, trò chuyện, cùng bạn bè ăn uống."
Quản Phong nhớ lại, từng có một khách trọ thất bại trong khởi nghiệp, cảm thấy tương lai mịt mờ nên đã tìm đến viện dưỡng lão thanh niên để tìm sự an ủi. Trải qua sinh hoạt đều đặn mỗi ngày: leo núi Lô Sơn rèn luyện sức khỏe, đọc sách, trò chuyện... người đó đã điều chỉnh lại tâm trạng.
Cô kể: "Sau nửa tháng 'dưỡng lão', tâm trạng của anh ấy dần hồi phục. Nơi này mang lại cho anh ấy một môi trường thư giãn và tự soi xét, giúp anh ấy tránh xa áp lực và trách nhiệm trong gia đình."
Các bài đăng về "viện dưỡng lão thanh niên" thường thu hút rất nhiều bình luận ngưỡng mộ từ giới trẻ, nhiều người bày tỏ mong muốn được trải nghiệm. Một số nơi thậm chí cho biết số lượng đặt chỗ kín lịch trước cả khi chính thức khai trương, gây ra một cơn sốt đầu tư.
Tuy nhiên, khi làn sóng lắng xuống, không phải lúc nào cũng có khách trọ dài hạn. Quản Phong thừa nhận rằng, mặc dù ban đầu rất nhiều người hỏi thăm qua mạng, nhưng số người thực sự đến thuê lại rất ít. Trong nửa năm qua, khách dài hạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cô cho rằng nguyên nhân chủ yếu là kênh quảng bá còn hạn chế và chi phí lưu trú khá cao.
Quản Phong bỏ việc trong ngành du lịch để tiếp quản một homestay và treo biển "Viện dưỡng lão thanh niên".
Khi mùa du lịch bước vào giai đoạn thấp điểm, Quản Phong dự định giảm chi phí lưu trú từ khoảng 2500 NDT xuống còn 1500 NDT mỗi tháng, đồng thời tổ chức thêm nhiều buổi họp mặt và sự kiện để tăng sức hút.
Cô cho biết bản thân mở viện dưỡng lão thanh niên không hoàn toàn vì lợi nhuận kinh doanh, cũng không đặt nặng chuyện phải lấp đầy tất cả các phòng: "Tôi chỉ mong tìm được những người có cùng tần số, thu hút những ai thật sự cần một nơi như vậy. Chỉ cần trang trải được chi phí thuê nhà và điện nước là đủ."
Dù viện dưỡng lão thanh niên có thể giúp thư giãn tinh thần ở mức độ nhất định, nhưng một số bạn trẻ cho rằng hình thức này chỉ phù hợp với những người có điều kiện kinh tế tốt.
Hoàng Lâm Khải (tên giả), 33 tuổi, từng bị một công ty công nghệ ở Thâm Quyến sa thải, hiện là tài xế xe công nghệ. Anh chia sẻ rằng do tình hình việc làm khó khăn, nửa năm qua anh vẫn chưa tìm được việc phù hợp, càng không làm gì thì lại càng thêm lo lắng.
"Thực ra tôi cũng muốn đến viện dưỡng lão thanh niên để nghỉ ngơi, nhưng thực tế không cho phép. Chỉ cần dừng làm việc là không có thu nhập, tiền trả góp nhà và sinh hoạt phí gia đình biết trông vào ai?"
Chuyên gia tâm lý Vi Chí Trung, làm việc tại một trung tâm tư vấn tâm lý ở Quảng Châu, cho rằng viện dưỡng lão thanh niên là một sản phẩm thương mại mới nhằm giảm bớt lo âu cho một nhóm đối tượng nhất định, đáp ứng nhu cầu tâm lý, và được thúc đẩy bởi văn hóa phụ và mạng xã hội.
Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ có tác dụng làm dịu lo âu trong thời gian ngắn, chứ không thể chạm đến gốc rễ vấn đề.
Ông so sánh viện dưỡng lão thanh niên với việc xoa bóp khi cơ thể mệt mỏi — có thể giúp giảm đau tạm thời, nhưng không thể thực sự nâng cao thể lực. Tương tự, viện dưỡng lão chỉ có thể mang lại sự thư giãn tinh thần nhất thời, chứ không thể giúp người trẻ giải quyết triệt để những thách thức dài hạn.
Ông nhấn mạnh: Chìa khóa để vượt qua lo âu nằm ở hành động tích cực và nỗ lực không ngừng. "Giống như việc rèn luyện thể thao, chỉ có duy trì tập luyện thường xuyên mới có thể tăng cường thể chất và sức khỏe, người trẻ mới có thể thực sự nâng cao giá trị bản thân và sức bền tâm lý."
Nguồn: Zaobao