Hôm nay, ngày 16/4/2018 là kỷ niệm tròn 4 năm vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên chuyến phà Sewol, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Thời gian trôi qua đã lâu, đất nước Hàn Quốc cũng đã mãn tang, thế nhưng cho tới thời điểm này, những ký ức về cái ngày tăm tối đó vẫn không sao phai mờ được trong trí nhớ của nhiều người dân đất nước này.
Theo trang Chosun đưa tin, sau 4 gần năm tìm kiếm đầy nỗ lực nhưng không có kết quả, gia đình của 5 nạn nhân mất tích cuối cùng trong vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014 đã đồng ý dừng công việc tìm kiếm.
Sau gần 4 năm tìm kiếm, cuối cùng việc truy tìm tung tích 5 nạn nhân cuối cùng trên chuyến phà Sewol đã phải dừng lại.
Người đại diện của Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc đã nói chuyện với các gia đình nạn nhân còn lại về những khó khăn trong việc xẻ xác con phà khổng lồ cũng như khả năng không tìm thấy được thi thể bên trong con tàu là rất lớn.
Qua 4 năm, vẫn còn 5 trong số những nạn nhân của thảm họa phà Sewol vẫn nằm đâu đó dưới đáy biển lạnh lẽo kia. Gia đình của các nạn nhân cũng thấu hiểu những khó khăn khi một mùa đông nữa lại đến, công tác trục vớt các nạn nhân sẽ lại thêm một phần khó khăn. Nhận thấy việc tìm kiếm người thân đã đến giai đoạn bế tắc và quá tốn kém đối với tiền thuế của nhân dân, những gia đình cuối cùng này đã đồng ý dừng công cuộc tìm kiếm lại, chấp nhận nỗi đau mất mát sẽ không bao giờ nguôi.
Người ta nói thời gian có thể chữa lành mọi vết thương; nếu vết thương chưa lành, đó là vì thời gian chưa đủ. Và 3 năm dường như là chưa đủ đối với một nam sinh có bạn gái - người mà cậu hết mực yêu thương - thiệt mạng trong thảm họa phà Sewol. Vào những ngày cuối năm 2017, khi mùa đông lại chuẩn bị về, những kỷ niệm buồn lại chuẩn bị được nhắc lại, chàng trai này đã gửi những lời đưa tiễn muộn màng tới cô gái mà anh đã từng yêu, giờ đây đã an giấc ngàn thu được thấm thoắt tam niên.
"Mình là một người không giỏi viết lách. Thế nhưng, ngày hôm nay, mình vẫn muốn viết thư để gửi đến một người, một người sẽ chẳng bao giờ có thể trả lời lại.
Hôm nay đã là 1.163 ngày kể từ ngày đầu tiên chúng mình gặp gỡ. Thời gian trôi đi thật nhanh phải không? Mình thậm chí đã chẳng thể ngủ nổi khi nghĩ về cột mốc kỷ niệm 100 ngày yêu nhau của bọn mình nữa.
(lược bỏ một đoạn)
"Mình đã rất hạnh phúc trong suốt 99 ngày qua".
"Mình thực sự thích cậu rất nhiều".
Nỗi đau này sẽ còn mãi trong lòng người dân Hàn Quốc.
"Đừng buồn nếu như không bao giờ còn được nghe thấy giọng tớ nhé".
Nhìn những dòng tin nhắn ấy, mình đã ngay lập tức gọi điện, nhắn tin nhưng cậu không trả lời. Mình thực sự không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra vào thời điểm đó.
Sau khi mơ hồ biết chuyện, mình bắt đầu gọi điện, nhắn tin và để lại lời nhắn nhưng tất cả đều chẳng có hồi đáp. Tất cả những gì mình nhận được chỉ là sự im lặng chết người. Mình không thể làm gì hơn.
Cậu có biết đã bao lâu kể từ ngày đó đến nay rồi không? Đã 3 năm rồi đấy... Suốt 3 năm liền, mình đã cố gắng học tập và thi đỗ đại học. Chỉ còn vài ngày nữa là mình sẽ đặt chân vào đại học. Suốt những ngày tháng qua, mình đã sống với niềm tin rằng thời gian chính là liều thuốc tuyệt vời nhất chữa lành mọi vết thương.
Thế nhưng, có lẽ, liều thuốc đó không dành cho mình. Mình không muốn cảm thấy có lỗi và đau đớn khi nghĩ về cậu, thế nhưng, mình không thể. Và cho đến tận bây giờ, mình vẫn chưa làm được điều đó. Mình thực sự xin lỗi. Mình nhớ cậu."
Năm nay, lại thêm một năm nữa để ghi nhớ về vết thương lòng năm 2014, không biết chàng trai trẻ ấy năm nay có còn khóc thương người bạn gái quá cố hay sẽ gạt nước mắt để tiếp tục sống tốt với niềm tin "thời gian sẽ chữa lành tất cả".
Khá nhiều trong số những người sống sót trên chuyến phà Sewol năm 2014 sẽ luôn nhớ về một vị thần hộ mệnh trong hình hài nhỏ bé của một cô gái tên Park Jiyoung. Jiyoung là một trong số các thuyền viên trên chuyến phà Sewol, là người đã không màng đến tính mạng của chính bản thân mình mà chỉ cố gắng để giúp càng nhiều hành khách có thể thoát ra khỏi chiếc phà càng tốt.
Nữ thuyền viên dũng cảm Park Jiyoung, người đã hy sinh cả tính mạng để cứu lấy rất nhiều hành khách trên phà.
Một trong số các hành khách may mắn sống sót kể lại rằng, cô đã hét lên với thuyền viên Park, bảo cô hãy mặc áo phao cứu hộ và cùng thoát khỏi con tàu đi, thế nhưng cô Park đã kiên quyết ở lại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thành viên trong thủy thủ đoàn, đó là đảm bảo tính mạng cho tất cả hành khách. Park Jiyoung chỉ không thực hiện được lời hứa cuối cùng với các hành khách cuối cùng, đó là cùng thoát ra ngoài với họ.
Park Jiyoung, nữ thuyền viên dũng cảm, ngay cả khi nước đã ngập ngang ngực vẫn kiên quyết ở lại cứu cho bằng được càng nhiều người càng tốt. Cô đã trở thành một biểu tượng đẹp, nhưng buồn cho sự kiện thảm khốc năm 2014 ấy.
Trong số những người may mắn sống sót sau thảm họa phà Sewol có hiệu phó của trường Trung học Danwon, ông Kang Minkyu. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi được cứu sống, ông đã treo cổ tự tử gần một phòng thi đấu thể thao trên hòn đảo Jindo, nơi hàng trăm phụ huynh đang ngóng chờ tin tức của người thân sau thảm kịch.
Thầy giáo Trung học Kang Minkyu, tự tử vì không thể chịu đựng được nỗi day dứt, ám ảnh khi bản thân thì sống sót mà nhiều học sinh của mình lại không.
Đến tận ngày hôm nay, không ai hiểu tại sao thầy Kang lại làm vậy. Không ai trong số những người trên bờ sẽ hiểu được cái cảm giác trở thành một người lớn giành được cơ hội sống sót, trong khi những đứa trẻ khác phải bỏ mạng lại dưới mặt biển lạnh lẽo. Không ai biết chắc câu trả lời, nhưng người ta biết rằng, thời gian sau đó sẽ là những ngày giấc mơ của thầy chập chờn trong cơn ác mộng khi hàng trăm em học sinh của mình đã ra đi mãi mãi. Sự ra đi của thầy có lẽ như một sự giải thoát, một minh chứng cho nỗi buồn cùng cực của người ở lại.
Đã 4 năm trôi qua, 4 mùa mưa nắng trên mái trường Danwon. Bàn thờ chung của 200 em học sinh và giáo viên vẫn cứ ở đó, ghi dấu ám ảnh nặng nề và nỗi đau chẳng bao giờ phai nhòa trong lòng mỗi học sinh của trường.
Bàn thờ chung của 200 học sinh và giá viên trường trung học Danwon, những người tử nạn trong tai nạn phà Sewol.
Những chiếc ruy băng vàng biểu tượng cho sự sẻ chia, cùng gánh gồng nỗi đau mất mát của người dân cả nước Hàn Quốc.
200 tấm di ảnh kia vẫn được những người ở lại cẩn thận hương khói, chăm sóc; những bó hoa vàng tưởng niệm vẫn đều đặn mỗi năm được đặt đó vào ngày 16 tháng 4 và cả những ngày thường. Hầu hết những tấm di ảnh đều ghi lại những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của những cô cậu học trò còn chưa đến tuổi đôi mươi, những nụ cười đó đã trở thành nỗi ám ảnh buồn thương cứ thế ghé lại đất nước Hàn Quốc vào mỗi ngày 16 tháng 4 hàng năm.
Giá mà, cái ngày định mệnh ấy chưa từng xảy ra...