Trong xã hội ngày nay, nhiều người thường gặp trở ngại trong công việc và cuộc sống vì không giỏi giao tiếp. Điều này nghe có vẻ “nực cười” đối với người giỏi ăn nói, nhưng với người không giỏi giao tiếp thì thật sự khó khăn, nói chuyện mà cứ như cực hình!
Kỹ năng giao tiếp đòi hỏi tài năng, nhưng chúng cũng có thể được trau dồi thông qua kinh nghiệm và học hỏi. Làm được 4 điều dưới đây, bạn chắc chắn không hề tầm thường:
1. Học cách lắng nghe
Có câu: “Cách duy nhất để trở thành một diễn giả giỏi là học cách lắng nghe những gì người khác nói”.
Trong giao tiếp hằng ngày, nhiều người luôn lo lắng về việc hòa hợp với những người ít nói, ngay cả người ăn nói lanh lẹ cũng không ngoại lệ, khoảnh khắc “không biết nói gì” thật sự ngượng ngùng.
Còn có kiểu người khiến bạn rất mệt mỏi mỗi lần giao tiếp. Lời bạn chưa nói hết thì họ đã khiến bạn không thể nói được gì nữa. Có thể là vô duyên, có thể là ăn nói châm chọc, có thể là không đi vào trọng tâm chủ đề câu chuyện… Kiểu người này khiến mối quan hệ dần tan biến vì EQ vô cùng thấp.
Để khắc phục được điều này, không cần sự hài hước hay ăn nói khéo léo, chỉ cần biết lắng nghe trước, đã có sự thấu hiểu thì cuộc nói chuyện mới đi đúng quỹ đạo.
Chìa khóa của việc lắng nghe là không bao giờ phán xét quan điểm của người khác có đúng hay không mà là tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến của đối phương.
Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu đợi người kia nói xong rồi gật đầu rồi bày tỏ suy nghĩ của mình sao?
2. Thể hiện ngôn từ chừng mực
“Một lời nói tốt, sưởi ấm ba mùa đông; một chữ châm chọc, lạnh sáu tháng liền”.
Ngày nay, nhiều người lấy sự trung thực và thẳng thắn làm cái cớ để nói chuyện cởi mở, nhưng họ không biết cái gọi là “thẳng thắn” này có thể gây ra bao nhiêu rắc rối.
Ôn Đình Quân, một nhà thơ thời nhà Đường ở Trung Quốc, có trí óc nhanh nhạy và tài văn chương hơn người. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông không hề suôn sẻ. Điều này không thể tách rời khỏi sự thẳng thắn quá mức trong cách giao tiếp của ông.
Ôn Đình Quân ỷ vào tài năng, học được nhiều điều, ăn nói thô lỗ không biết chừng mực trước người quyền cao chức trọng hơn mình.
Lệnh Hồ Đào lúc đó đang là tể tướng, đánh giá cao tài năng văn chương, tuy biết Ôn Đình Quân là người kiêu ngạo nhưng cũng thường xuyên mời ông vào dinh để bàn chuyện.
Một lần, Lệnh Hồ Đào hỏi Ôn Đình Quân về nguồn gốc của một tập thơ. Chuyện không có gì xảy ra khi Ôn Đình Quân nói vị tể tướng rằng nên trau dồi sự hiểu biết về văn chương trong những lúc rảnh rỗi.
Sự thẳng thắn của Ôn Đình Quân khiến tể tướng vô cùng xấu hổ vì gần như bị chê trách bởi “tài năng ít ỏi, kiến thức nông cạn”.
Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ trong hàng tá tình huống EQ thấp khiến Ôn Đình Quân không thể tiến xa hơn trong quan trường.
Nếu không biết sự chừng mực trong ăn nói thì dù có tài hùng biện, ăn nói lưu loát, học tài hiểu rộng đến mức nào, sớm muộn cũng gặp họa.
3. Đừng nói những lời gay gắt với người thân thiết
Cổ nhân có câu: “Nói lời hay với người, ấm áp hơn vải dày; dùng lời để tổn thương người, như ngọn giáo đâm sâu chảy máu”.
Không biết từ bao giờ, chúng ta luôn có thói quen dành những lời nói cộc lốc, bén nhọn nhất cho những người thân thiết nhất của mình.
Có thể chúng ta hiểu quá rõ điểm yếu của họ, hoặc có thể chúng ta biết rằng họ có lòng khoan dung gần như vô hạn đối với chúng ta. Song cũng bởi vì quan hệ thân thiết mà lời nói cay độc để lại vết thương sâu nhất.
Đừng xem nhẹ sự bao dung của người thân thiết xung quanh, bởi lẽ nếu không còn chúng nữa, bạn mới nhận ra bản thân cô độc thế nào trên thế giới này.
4. Đừng dễ dàng hứa hẹn
Ông cha ta thường dạy: “Người không có sự tin tưởng trong lời nói, làm gì cũng không có kết quả tốt”.
Thật vậy! Những người không giữ lời không những khó tiến về phía trước mà còn có thể gây ra tai họa.
Đừng tùy tiện khoe khoang trong giao tiếp hàng ngày. Người suốt ngày nói ra những lời hứa hẹn nhưng không làm được ắt nhận kết cục không thể tưởng tượng được. Bạn bè xa lánh, đồng nghiệp khinh thường, cấp trên không tin tưởng. Vậy thì bạn còn giá trị gì trong cuộc sống này?
Nói là bản chất của con người, tài ăn nói là sự tu dưỡng thành thói quen. Hãy biến lời nói thành công cụ giúp bạn chinh phục lòng người và thu về cơ hội, đừng để nó làm tổn thương người khác, hại người cũng hại mình!