4 kiểu gia đình sau KHÓ nuôi dạy được những đứa trẻ chăm ngoan, điềm đạm: Sửa đổi ngay, đừng để con mắc sai lầm mới hối hận

Ứng Hà Chi, Theo Phụ nữ Việt Nam 09:05 22/07/2022

Trí tuệ cảm xúc có vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của trẻ sau này.

Ngoài trí tuệ thông minh (chỉ số IQ), các bậc cha mẹ hiện đại còn cần chú trọng bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc (chỉ số EQ) cho con. Chỉ số EQ có thể được đánh giá qua kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề và khả năng quản lý cảm xúc của trẻ.

Dưới đây là một mẩu chuyện nhỏ khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm: Tiểu Tú (Trung Quốc) mới bước sang tuổi thứ 8. Cậu bé rất bừa bộn, không chịu cất đồ chơi sau khi chơi xong, luôn tiện tay vứt vỏ bánh kẹo ra nhà. Không hài lòng điều gì đó, Tiểu Tú sẽ hét toáng lên: "Cái này là của tôi", "Đừng động vào đồ chơi của tôi", "Mẹ nấu xong chưa, con sắp đói lả rồi"…

Những người bạn sống gần nhà không chơi cùng Tiểu Tú. Mọi người xung quanh nhận xét cậu có tính cách khó ưa, không biết kiềm chế cảm xúc, không tôn trọng người khác. Với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn, cậu còn thường xuyên trêu chọc, bắt nạt, giễu cợt.

Nguyên nhân khiến Tiểu Tú có tính cách cực đoan chính là do cách nuôi dạy của cha mẹ cậu. Cha mẹ Tiểu Tú sống khép kín, không giao lưu, kết bạn với hàng xóm xung quanh. Khi giáo dục con, họ thường xuyên mất bình tĩnh, quát mắng, thậm chí là áp dụng "đòn roi" để dạy con. Chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, Tiểu Tú dần trở thành đứa trẻ khó gần.

4 kiểu gia đình sau KHÓ nuôi dạy được những đứa trẻ chăm ngoan, điềm đạm: Sửa đổi ngay, đừng để con mắc sai lầm mới hối hận - Ảnh 1.

Trí tuệ cảm xúc quyết định sự thành công trong tương lai của trẻ - (Ảnh minh họa)

Bàn về trí tuệ cảm xúc, giáo sư Lý Mai Cẩn – chuyên gia Tâm lý học đường lâu năm cho biết: "Trí tuệ cảm xúc của con người không cần đợi đến khi trưởng thành mới đánh giá được. Nó đã bộc lộ ngay trong thời thơ ấu và tất cả chúng ta đều có thể quan sát thấy. Trí tuệ cảm xúc của trẻ bị ảnh hưởng phần lớn từ cha mẹ. Nếu cha mẹ có trí tuệ cảm xúc thấp khó có thể nuôi dạy những đứa trẻ chăm ngoan, hiếu thuận, cư xử điềm đạm".

Giáo sư Lý Mai Cẩn cũng cho biết, những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc thấp thường đến từ 4 kiểu gia đình này.

1. Cha mẹ có tính ích kỷ

Nếu người lớn sống ích kỷ, thường chỉ tập trung vào lợi ích bản thân, chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình mà không nghĩ đến người khác sẽ khiến trẻ chịu ảnh hưởng không tốt. Trẻ sẽ cho rằng hành vi ích kỷ là đúng và sẽ học tập lối sống khép kín của cha mẹ, không thích chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người xung quanh.

2. Cha mẹ thường xuyên mất bình tĩnh

Nếu cha mẹ là người hay mất bình tĩnh, dễ nổi cáu không chỉ với con mà với cả mọi người xung quanh thì đích thị là người có trí tuệ cảm xúc kém. Khi đứng trước một vấn đề, họ thường không đưa ra được cách giải quyết, chỉ phán xét và khiến mọi việc rối tung. Trẻ được nuôi dạy trong môi trường như vậy sẽ trở nên rụt rè, thiếu tự tin.

4 kiểu gia đình sau KHÓ nuôi dạy được những đứa trẻ chăm ngoan, điềm đạm: Sửa đổi ngay, đừng để con mắc sai lầm mới hối hận - Ảnh 2.

Cha mẹ mất bình tĩnh sẽ khiến con sống khép kín, không dám bộc lộ tài năng của bản thân. (Ảnh minh họa)

Việc cha mẹ thiếu bình tĩnh, hay nổi nóng sẽ khiến những đứa con trở nên sợ hãi, dần hình thành lối sống thu mình, ngại giao tiếp. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng, bắt nạt trong môi trường học đường hoặc khi ra ngoài xã hội.

3. Cha mẹ không thích giao lưu

Cha mẹ không thích kết bạn, giao lưu với mọi người sẽ khiến vòng tròn hiểu biết và mối quan hệ trở nên bó hẹp. Điều này khiến tầm nhìn của những đứa trẻ cũng bị thu hẹp lại, gặp nhiều hạn chế.

Ngược lại, nếu cha mẹ có nhiều bạn bè, con cái sẽ học được sự hiếu khách, cởi mở, hòa đồng. Trẻ còn học được phép lịch sự cơ bản, kỹ năng giao tiếp,… giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ một cách rõ rệt.

4. Cha mẹ hay đánh mắng con

Những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Điều này giúp trẻ trở nên tự tin vào bản thân, dễ dàng chinh phục được những mục tiêu phía trước. Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên đánh mắng con, hạ thấp con bằng những lời lẽ không hay sẽ khiến con rụt rè, luôn cảm thấy bản thân kém cỏi.

4 kiểu gia đình sau KHÓ nuôi dạy được những đứa trẻ chăm ngoan, điềm đạm: Sửa đổi ngay, đừng để con mắc sai lầm mới hối hận - Ảnh 3.

Đánh mắng sẽ khiến trẻ trở nên tự ti, mặc cảm. (Ảnh minh họa)

Trẻ sống trong môi trường như vậy dần dần mất tự tin, luôn sợ bị phê bình, không dám bộc lộ thế mạnh bản thân. Điều này không có lợi cho sự phát triển sau này của trẻ, đặc biệt là trong vấn đề giao tiếp xã hội.

Trí tuệ cảm xúc được ví như chìa khóa quyết định thành công trong cuộc sống. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên quan tâm trau dồi các kỹ năng cho con. Hãy mang đến cho con một gia đình êm ấm và phương pháp giáo dục khoa học để không chỉ giúp con có chỉ số EQ cao mà còn trở nên thông minh, nhanh nhạy, sáng tạo.