Não bộ con người là 1 cỗ máy "gần" hoàn hảo. Thế nhưng, não bộ cũng ẩn chứa những khuyết điểm và hạn chế không tránh khỏi.
Vì thế đôi khi nó khiến ta có cảm giác "ngượng chín mặt" bởi những hành động tưởng chừng cực ngớ ngẩn này. Vậy điều gì khiến ta phải rơi vào trường hợp "muốn độn thổ" đến thế - check ngay nào?
Hẳn bạn đã từng rơi vào trường hợp cần vào bếp lấy đồ nhưng chỉ cần qua cửa thôi là tự dưng không nhớ nổi mình cần lấy gì nữa.
Nghe có phần không liên quan đúng không nhưng kì thực chính cánh cửa là thủ phạm khiến bộ não bạn ngơ ngơ bất thường đó!
Các nhà tâm lý học thuộc ĐH Notre Dame đã phát hiện ra, bản chất cánh cửa ra vào được não nhận định như một ranh giới đặc biệt.
Ranh giới ấy sẽ giữ lại toàn bộ những kí ức, mục đích hay suy nghĩ của bạn trước khi bước vào một căn phòng. Hiểu đơn giản, hiện tượng này giống như quay phim, cánh cửa chính là tín hiệu kết thúc 1 cảnh quay, chuẩn bị cho cảnh mới.
Và lúc này kích thích não bộ sẽ khiến bạn tạm quên mọi thứ để chuẩn bị tiếp nhận tác động mới đến từ thế giới mới.
Thông thường khi ta nghe thấy âm thanh nào đó, sóng âm sẽ truyền tới tai để ta cảm nhận được nó, đồng thời cũng lan tỏa ra môi trường ngoài rồi dần biến mất.
Có thế ta mới cảm nhận được xem âm thanh phát ra từ đâu. Dẫu vậy, với tiếng beep beep liên tục, não bộ sẽ dễ bị rối trí. Đó là bởi với âm thanh vang lên đều đều, không đổi theo thời gian sẽ như bức tường cản trở thính giác.
Lúc này, não bộ bị mất phương hướng thực sự, không thể xác định được nguồn âm từ đâu.
Bạn có bao giờ để ý rằng, khi đi bộ trong 1 không gian rộng lớn, chẳng hạn như sa mạc, ta có xu hướng đi 1 vòng tròn không?
Mặc dù ta luôn đi theo 1 đường thẳng nhưng do trên sa mạc, 1 nơi rộng lớn không có vật tham chiếu, ta sẽ đi lòng vòng.
Nghiên cứu của viện Max Planck về kỹ thuật học sinh học đã cho hay, với mỗi bước đi bộ, có 1 độ lệch nhỏ được phát sinh trong sự cân băng của não (hệ tiền đình) hoặc hệ thống nhận thức về cơ thể.
Độ lệch này tích lũy dần khiến cho ta cứ bước đi và vô tình tạo thành 1 vòng tròn, đôi khi là trở lại nơi xuất phát. Nhưng nếu có vật tham chiếu, 1 tòa nhà hay núi gần đó... não bộ sẽ có điểm định vị và "không đi lạc" nữa.
Nhiều người vẫn nói rằng đừng phán xét 1 người qua vẻ bề ngoài của họ, thế nhưng thật không may, bộ não của chúng ta vẫn có xu hướng làm điều đó. Và hiệu ứng này được các nhà khoa học gọi là hiệu ứng Halo.
Hiệu ứng hào quang là một loại thiên vị nhận thức trong đó ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách người đó.
Ví dụ khi bạn thấy ai đó đẹp trai, xinh gái - não bộ tự động cho rằng người đó thông minh, tử tế, hài hước... Hay nói đơn giản hơn, nếu bạn có ấn tượng tốt với một người thì bạn có xu hướng sẽ "nhìn" vào điểm tốt của người ấy. Ngược lại, khi có ấn tượng xấu thì bạn thường nỗ lực nhìn cái xấu mà không để ý đến ưu điểm của họ.
Nguồn: RD, The Guardian