Thế giới hiện vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris (Nostre Dame) bị hỏa hoạn trong ngày 15/4 (sáng 16/4 theo giờ Việt Nam). Công trình mang tính chất biểu tượng của người Pháp với lịch sử hơn 850 năm tuổi đã chịu tổn hại nặng nề, khi quá 2/3 đỉnh tháp và mái nhà đã sụp đổ.
Vụ hỏa hoạn tuy không gây thiệt hại về người, nhưng những tổn thương về vật chất và tinh thần là cực kỳ khổng lồ. Không tính đến các sản vật vô giá nhà thờ đang cất giữ, nội giá trị lịch sử của công trình này cũng đủ khiến người Paris phải rơi nước mắt.
Nhưng có lẽ ít người biết rằng trong lịch sử châu Âu đã từng có một số công trình với tầm vóc lịch sử cực lớn cũng bị "quỷ lửa" nuốt gọn. Chúng đủ lớn để mang lại vết thương lòng cho cộng đồng người bản địa và người châu Âu nói chung.
1. Biển lửa tại Lâu đài Windsor 1992
Lâu đài Windsor (Windsor Castle) là lâu đài lớn nhất thế giới, và là một trong những tài sản lâu đời nhất của Hoàng gia Anh tại Berkshire, được xây dựng từ đầu thế kỷ 11. Đây đồng thời cũng là nơi ở ưa thích của Nữ hoàng Elizabeth II vào dịp cuối tuần trong nhiều năm qua.
Nhưng có lẽ người dân Anh đến giờ phút này cũng vẫn chưa quên được thảm họa xảy ra vào ngày 20/11/1992, đã khiến cả lâu đài có giá trị lịch sử lâu đời chìm vào biển lửa.
Ngọn lửa bùng lên vào 11h sáng tại Nhà nguyện riêng của Nữ hoàng Victoria. Một ngọn đèn đã vô tình khiến chiếc rèm cửa cạnh bệ thờ bắt lửa, rồi nhanh chóng lan rộng sang đại sảnh phía bên chỉ sau vài phút, và khiến 115 căn phòng ngập trong biển lửa.
Vụ hỏa hoạn lớn đến mức toàn bộ phía Đông Bắc của lâu đài bị hủy hoại. Người ta phải huy động tới 225 lính cứu hỏa từ 7 hạt khác nhau đến hỗ trợ, sử dụng 36 vòi rồng và bơm đến 5 triệu lít nước.
Trước khi tai nạn xảy ra, lâu đài Windsor lưu trữ những sản vật có giá trị lịch sử to lớn: từ những bộ nội thất tuyệt hảo nhất của Pháp thế kỷ 18, đến những tác phẩm của các danh họa nổi tiếng như Van Dyck, Rubens, Gainsborough... Nhưng may mắn là chỉ có 2 tác phẩm bị mất sau thảm họa mà thôi.
Quang cảnh còn sót lại sau vụ hỏa hoạn
2. Vụ hỏa hoạn tại nhà thờ York Minster 1984
Sáng sớm ngày 9/7/1984, người dân thành phố York (Anh Quốc) hoảng loạn khi chứng kiến York Minster - nhà thờ cổ nhất thế giới đang bốc cháy.
Vụ hỏa hoạn xảy ra ở phía Nam nhà thờ, thiêu rụi mái nhà, tranh tường, các công trình nổi tiếng... và gây thiệt hại lên tới 2,25 triệu bảng Anh theo tỉ giá lúc bấy giờ. Phải mất hơn 2h đồng hồ cùng 100 lính cứu hỏa mới có thể kiểm soát được cơn thịnh nộ của quỷ lửa.
Theo giới chức, một tia sét đã đánh trúng nhà thờ là nguyên nhân gây ra vụ cháy.
3. Đại hỏa hoạn tại phố cổ London 1666
Đây là một trong những vụ hỏa hoạn kinh khủng nhất lịch sử London (Anh Quốc). Ngọn lửa bùng lên vào ngày 2/9/1666 từ tiệm bánh của Thomas Farriner ở Pudding Lane cạnh cầu London.
Năm ấy, London hứng chịu một đợt nóng và khô bất thường, cả thành phố không có lấy một giọt mưa trong nhiều tuần. Điều này đã tạo điều kiện cho ngọn lửa lây lan nhanh chóng mà không cách nào dập tắt.
Phải mất đến 5 ngày, ngọn lửa mới được kiểm soát. Nhưng trước đó, nó đã kịp "nướng" hơn 13.000 căn nhà, gần 90 nhà thờ, 6 nhà nguyện và 4 nhà tù.
4. Hỏa hoạn thành Rome năm 64
Đây là tên của một vụ hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra dưới thời Hoàng đế Nero vào năm 64. Theo lịch sử ghi lại, đây là một trong những ngọn lửa khủng khiếp nhất, thiêu rụi đến 2/3 thành Rome thời bấy giờ.
Ngọn lửa bắt nguồn từ phía Nam ngọn đồi quý tộc Palatine Hill, nơi được ví là "Khu ổ chuột thành Rome". Người dân khi đó sống trong các căn nhà gỗ sát nhau, khiến ngọn lửa trở thành thảm họa một cách rất nhanh chóng.
Sau 5 ngày, ngọn lửa được khống chế, nhung rồi lại bùng phát trở lại thêm 4 ngày nữa. Hàng trăm người chết, hàng ngàn người mất nhà cửa, 3/14 quận bị phá hủy hoàn toàn. Một thảm họa quá khó để khắc phục khi đó.