4 cách khiến chàng trai vượt qua cảnh "thất nghiệp không đáng sợ, không có tiền mới đáng sợ"

TRANG MINT, Theo Trí Thức Trẻ 19:40 01/07/2022
Chia sẻ

Thất nghiệp có đáng sợ không?

"Mình vẫn còn nhớ cái cảm giác, khi chỉ mới thất nghiệp khoảng 2 tuần đã khiến mình phát điên. Đến mức, chỉ cần vài ngày nữa không tìm được việc mới là mình tưởng chừng như cần vào viện gấp. Sau này, mình mới phát hiện, hóa ra, mình không phát điên vì thất nghiệp, mình phát điên vì không có tiền!" Đây hẳn là lời chia sẻ nói lên nỗi lòng của rất nhiều bạn trẻ mới ra trường, hoặc đang trong thời kỳ thất nghiệp giống như anh chàng Hoài Nam (1997, Nam Định).

Nam đã có khoảng thời gian "thất nghiệp tự nguyện", sau khoảng 3 năm làm việc không ngừng nghỉ, anh chàng lựa chọn nghỉ việc, dành hẳn 1 tháng chỉ để nghỉ ngơi và hưởng thụ.

Nam là một người đã ngừng xin tiền ba mẹ từ hồi cấp 3, bản thân tự gồng gánh tất cả chi phí, tự kiếm tiền trang trải cho 4 năm đại học. Điều này khiến Nam có nhận thức từ rất sớm rằng "tiền thực sự rất quan trọng". Vì thế, Nam đã liên tục làm việc với cường độ cao để lo được các chi phí sinh hoạt, biến mình trở thành 1 người bận rộn, thậm chí còn có xu hướng là 1 workaholic (nghiện việc). 3 năm, Nam làm đủ các công việc để có tiền thuê nhà, tiền ăn và đổ xăng, 2 ngày 3 bữa là chuyện thường thấy, từng thử việc không lương, nhận làm những công việc từ bảo vệ, nhân viên chăm sóc khách hàng, phục vụ, telesales,... cho đến những công việc như nhân viên kinh doanh, sales bảo hiểm,...

Nam bộc bạch: "Mình đã chiến đấu với tiền nhiệt huyết như thế đấy!"

4 cách khiến chàng trai vượt qua cảnh thất nghiệp không đáng sợ, không có tiền mới đáng sợ  - Ảnh 1.

Đến thời điểm tiếp theo, trải qua 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, những năm "kinh tế buồn", khiến anh chàng buồn chán đến cực độ, quyết định nghỉ việc để xả hơi. Nhưng chỉ mới 2 tuần, đã không quen với việc "rảnh rỗi sinh nông nổi" này. Nam chia sẻ: "Khi mình ở nhà quá lâu dễ sinh ra cảm giác chán nản, khiến mình tiêu tốn rất nhiều tiền vào những thứ không cần thiết chỉ để mua vui cho bản thân."

Để thoát khỏi tình trạng quá rảnh rỗi, khiến túi tiền tiết kiệm ngày càng cạn dần, ảnh hưởng đến tài chính cá nhân cũng như tâm lý, Nam quyết định tìm ra giải pháp hợp lý nhất khi "thất nghiệp - hết tiền."

Làm gì khi bạn đang trong trạng thái "thất nghiệp"?

Đây là câu hỏi mà chỉ sau khoảng 1 tuần nghỉ việc, mình đã tự đặt ra vào mỗi sáng tỉnh dậy: "Làm gì khi đang thất nghiệp?". Việc đầu tiên khiến mình ý thức được cần phải giải quyết ngay và luôn, đó chính là điều chỉnh lại mức chi tiêu của bản thân.

Cân bằng lại tình trạng tài chính

Nếu như bạn cũng giống mình, không có nguồn thu nhập thứ 2, hay các khoản thu nhập dự phòng khác từ đầu tư, lãi suất ngân hàng, kinh doanh online,... thì ngay lập tức dừng lại việc tiêu tiền linh tinh đi. Thực tế chỉ ra rằng, nếu tiếp tục tiêu tiền kiểu "mua vui" đó, mình sẽ rỗng tuếch trước khi kiếm được việc mới. Đừng để bản thân rơi vào tình trạng đã thất nghiệp lại còn cháy túi, đúng là khủng hoảng!

4 cách khiến chàng trai vượt qua cảnh thất nghiệp không đáng sợ, không có tiền mới đáng sợ  - Ảnh 2.

Vậy đâu là những khoản chi tiêu bạn cần quan tâm?

Thứ nhất, đó là các khoản BẮT BUỘC PHẢI TIÊU: Hãy tính toán lại số tiền tiết kiệm của mình, thời gian bạn định nghỉ việc là bao lâu, sau đó đưa ra 1 con số cụ thể dành riêng cho việc thuê nhà, ăn uống, điện nước, đi lại,... những khoản chi phí mà nếu như không có, bạn sẽ không thế tồn tại. Một trong những kinh nghiệm từ mình cho việc này, là hãy ngừng ngay việc order đồ ăn mỗi bữa, cực kỳ tốn kém. Thay vào đó, hãy học nấu ăn ngay lập tức nếu không muốn nghiện order đồ và nhập viện sớm vì thức ăn nhanh.

Thứ hai, hãy NGỪNG MUA SẮM ONLINE ngay lập tức! Mình biết, khoảng thời gian break (giải lao) này, bạn sẽ muốn tự thưởng bản thân sau những ngày làm việc chăm chỉ, bằng cách móc túi tiền ra cho những quảng cáo tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng hãy tin mình, rồi bạn sẽ chỉ cảm thấy "trống vắng" hơn sau những lần shopping như thế, tiền cứ không cánh mà bay, đổi lại là những món đồ vô bổ có khi chẳng bao giờ cần dùng.

Và hãy lưu ý rằng, quyết định nghỉ việc khi số tiền tiết kiệm hiện tại, ÍT NHẤT - phải đủ để bạn sống thoải mái 4 tháng sau khi nghỉ việc - 1 khoảng thời gian đủ - để bản thân có thế tìm được một công việc vừa ý.

Khi quá rảnh rỗi, hãy đọc bớt sách trong nhà

Sau khi cân bằng được tài chính cá nhân, hãy tìm việc để bản thân không bị ì trong những ngày này. Một trong những cách đó, là đọc sách. Hãy đọc toàn bộ sách có trong nhà bạn, khi mà đi làm bạn không có nổi thời gian để đọc. Đây là việc mình thấy có ý nghĩa nhất trong những ngày rảnh rỗi. Trước đây, mình thường chi khá nhiều tiền cho việc mua sách, nhưng toàn mua về để đó, hoặc đọc rất ít.

Nhận thấy bản thân mình lười như vậy, mình đã phải tự lên KPI cho chính mình trong việc đọc sách. Vì điều này mà mình lại suy nghĩ về những khoản tiền mình dành ra mua sách - ở thời điểm đó liệu có đáng không? Mình đã cân nhắc, và quyết định, sẽ tiết kiệm khoản chi phí này lại. Không phải là cắt bớt toàn bộ, mà mình sẽ mua sách 1 cách có kế hoạch, không mua theo review hay rating cao như trước đây nữa. Chỉ riêng việc đó thôi, cũng giúp mình tiết kiệm được kha khá tiền, cũng bớt stress mỗi khi nhìn thấy những quyển sách chưa được bóc tem.

Làm những việc mà bạn hay than rằng: "Không có thời gian"

Phần lớn mọi người sẽ có công việc full-time 8 tiếng, hoặc thậm chí là hơn, cộng thêm thời gian đi lại khoảng 1 tiếng, ăn ngủ nghỉ 2 tiếng, rồi thêm vài tiếng lướt điện thoại. Phải đến 99% mọi người không nêu ra được lý do "Tại sao mình không có thời gian rảnh rỗi trong ngày?". Thế nên, thời gian nghỉ việc sẽ được dành để làm những việc mà bạn hay than rằng "Không có thời gian để làm".

4 cách khiến chàng trai vượt qua cảnh thất nghiệp không đáng sợ, không có tiền mới đáng sợ  - Ảnh 3.

Với mình, mình dành khoảng thời gian này để làm những việc mà bản thân từng bị gò bó bởi công việc trước đây không cho phép. Mình đi và gặp gỡ mọi người nhiều hơn, đọc nhiều hơn, ngủ nghỉ nhiều hơn, học thêm những kỹ năng mà trong quá trình làm việc thực tế chưa đạt yêu cầu,... và hơn hết là đặt ra 1 kế hoạch rõ ràng cho hành trình sắp tới. Đừng mang suy nghĩ thất nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn không - làm - gì - cả? Không đi làm ở 1 công ty nào đó nhưng không có nghĩa là bạn ngưng làm việc.

Tìm việc mới trước khi bạn hết tiền: Hãy định hướng lại cho bản thân, xây cho mình 1 bản giới thiệu hoàn hảo, tìm kiếm công việc phù hợp với những gì bản thân đang có

Sau khi hoàn thành được các công việc tự đặt ra trong thời gian nghỉ việc, mình bắt đầu tìm việc mới trước khi chết đói. Làm thế nào để tìm được một công việc phù hợp với bản thân ở thời điểm này cũng là vấn đề nan giải. Trước hết, hãy dành thời gian để trả lời câu hỏi, bạn tìm kiếm điều gì ở công việc sắp tới: Lương? Cơ hội thăng tiến? Mở rộng mối quan hệ? Hay đơn giản là thử sức mình ở lĩnh vực mới? Hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu này.

Thời điểm này, hãy thực sự xác định được, bạn đang muốn phát triển kỹ năng của bản thân để tiến tới tương lai xa hay chỉ đơn thuần là tìm kiếm một việc làm lương cao để giải quyết áp lực kinh tế trước mắt?

Cảm ơn Hoài Nam vì những chia sẻ!

https://kenh14.vn/4-cach-khien-chang-trai-vuot-qua-canh-that-nghiep-khong-dang-so-khong-co-tien-moi-dang-so-20220627132436384.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày