Tổng thống Maduro còn nói: “Tôi chỉ đạo rõ ràng, nhưng các siêu thị đó phớt lờ và nói trật đi... Có lý do nào để họ không tuân lệnh?”, và ông kêu gọi nhân dân Venezuela lên tiếng tố cáo nếu phát hiện giá bán chênh lệnh “để đồng bào không bị bóc lột”.
Giới truyền thông địa phương đưa tin nhiều giám đốc bị bắt làm việc cho dây chuyền siêu thị Central Madeirense vốn do người Bồ Đào Nha di cư lập hồi 70 năm trước.
Các phát biểu của ông Maduro vào lúc Venezuela đang đối mặt với nền kinh tế đang suy yếu nghiêm trọng, siêu lạm phát và thiếu lương thực, thuốc men trầm trọng.
Dân Venezuela xếp hàng nhiều giờ mới mua được thức ăn - Ảnh: AP
Gần đây, chính phủ Venezuela thực hiện cuộc đổi tiền, với đồng Bolivar mới bị xóa đi 5 số 0, đồng thời ra lệnh tăng lương gấp 60 lần. Chính phủ của ông Maduro nói sẽ chi trả đủ lương trong 3 tháng, để các doanh nghiệp không tăng giá bán hàng, bất chấp việc Quốc hội Venezuela do đảng đối lập kiểm soát ước tính tỉ lệ lạm phát của đất nước là 200.000%.
Phe đối lập cũng quy trách nhiệm cho vị Tổng thống đã làm kinh tế Venezuela sụp đổ, và còn gọi tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng là “bài ăn kiêng của Maduro”.
Các nhà kinh tế học ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ chạm mốc 1 triệu % vào cuối năm 2018. Họ còn nói kế hoạch cải tổ kinh tế của ông Maduro, một cựu tài xế xe buýt, sẽ không giải quyết được những vấn đề bám rễ sâu của Venezuela, và việc kiểm soát tiền tệ cùng in quá nhiều tền chỉ càng gây bất ổn thêm cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Maduro vẫn lạc quan, nói việc tăng lương đang diễn ra êm ả, chính quyền không còn in tiền quá nhiều nữa.
Ông cũng nói Venezuela từ tháng 10 tới sẽ sử dụng đồng tiền ảo Petro trong quan hệ ngoại thương. Nhưng theo Reuters, đồng tiền Petro không là một công cụ tài chính, gợi ý Venezuela sẽ phải chật vật mới có thể được nước ngoài công nhận.
(Theo Reuters)