"FIRE" là viết tắt tiếng Anh của cụm từ "Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm". Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, FIRE đang trở thành một phong trào về lối sống mới ngày càng trở nên phổ biến. Hầu hết mọi người đều đặt mục tiêu tích lũy được một khoản tiền lớn, sau đó bắt đầu nghỉ hưu sớm, giải phóng bản thân khỏi áp lực công việc và tiền bạc.
Anh W, người Trung Quốc, ở độ tuổi U40, cũng từng có suy nghĩ như vậy.
Anh cho biết: "Khi ở độ tuổi trên 20, tôi và vợ tôi đều trải qua cuộc sống với mức thu nhập không cao, chưa đầy 100.000 NDT/năm (tương đương hơn 330 triệu đồng/năm)."
Khoản thu nhập này chỉ đủ để họ chi tiêu hàng ngày, hầu như không mấy dư dả. Vì thế, cả hai lúc nào cũng khao khát được gia tăng thu nhập, lao đầu vào công việc và tìm mọi cách kiếm tiền. Áp lực tài chính đè nặng lên vai khiến ai cũng ôm mộng sớm ngày đạt được tự do tài chính để nghỉ hưu sớm.
Đến tuổi 30, sau một vài sự thăng tiến trên con đường sự nghiệp, cuộc sống của gia đình anh W bắt đầu khá giả hơn trông thấy. Anh có thêm vài khoản đầu tư, với lợi nhuận ổn định ở mức 5-10%/năm.
Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, hai vợ chồng anh đón đứa con đầu lòng. Từ đó, chi phí của cả gia đình lại trực tiếp tăng lên.
Nhưng vì mục tiêu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, anh không dám chi tiêu nhiều cho bản thân và gia đình. Chất lượng cuộc sống cũng không tăng lên dù thu nhập của cả hai vợ chồng đều đã cải thiện.
Việc tiết kiệm và cắt giảm cứ tiếp tục kéo dài cho đến khi đứng trước ngưỡng cửa U40, vợ chồng anh W ngày càng trở nên mệt mỏi. Suốt nhiều năm liền, họ chỉ lao đầu vào kiếm tiền và tích lũy mà không dành ra cho bản thân giây phút thư giãn, giải tỏa nào. Họ không đi chơi hay du lịch, hạn chế các hoạt động xã giao tốn kém, cũng chẳng mua sắm gì cho bản thân. Điều này để lại tác động không hề nhỏ cho cả cơ thể lẫn tinh thần của đôi vợ chồng trẻ.
Đến tận giờ phút này, anh W quyết định cần phải nghiêm túc trao đổi với vợ, rồi thay đổi toàn bộ kế hoạch tài chính của cả gia đình. Thay vì cứ chăm chăm đặt mục tiêu phải nghỉ hưu sớm, để rồi gồng mình làm quá sức lực bản thân, cuộc sống chỉ xoay quanh tiền bạc, họ cần hướng tới một lối sống tích cực và lành mạnh hơn.
Anh W nhận ra: "Trào lưu nào cũng có người hợp, người không. Nếu mù quáng chạy theo, bạn sẽ tự đẩy mình vào cửa tử."
Trong cuộc đời này, không phải ai cũng có cơ hội để từ bỏ tất cả, rồi làm lại từ đầu.
Trước khi nghỉ hưu sớm, nhất định hãy tự hỏi bản thân điều này: Nếu bạn từ bỏ toàn bộ sự nghiệp và đam mê ở giai đoạn tuổi trẻ, nếu sau này không thích cuộc sống như vậy nữa, liệu bạn có còn khả năng thay đổi hay không?
Đồng thời, hãy cân nhắc cả 2 mặt của cuộc sống nghỉ hưu sớm, chứ đừng chỉ mải mê nghĩ đến những khía cạnh tích cực. Đằng sau những khoảng thời gian thư thái, tự do, không màng cơm áo gạo tiền, bạn còn phải liên tục sắp xếp, lên kế hoạch cho cuộc sống trong tương lai vài chục năm nữa.
Nếu chỉ có một khoản tiền tích lũy để nhận lãi hàng tháng, bạn khó có thể mua quần áo mới, thiết bị mới, không du lịch, không trải nghiệm hay chi tiêu cho những điều tốn kém. Ngay trong những khía cạnh nhỏ nhất của đời sống, thay vì mua món đồ chất lượng cao, bạn sẽ phải chuyển sang loại bình dân với giá cả thấp hơn.
Tiêu chí lựa chọn cho mọi thứ đều là tiết kiệm và cắt giảm.
Tới lúc đó, bạn có còn nghĩ rằng, cuộc sống như vậy là thoải mái hay không?
Kể với với những người trên thế giới thực sự đạt được tự do tài chính, bắt đầu đi du lịch và tận hưởng cuộc sống khắp nơi. Về cơ bản, chỉ sau 1-2 năm, họ đã cảm thấy cuộc sống rất nhàm chán. Không làm việc trong thời gian ngắn có thể đem lại cảm giác thoải mái cho bạn, nhưng không thể kéo dài quá lâu, vì nó làm thui chột cả con người.
Vì thế, không làm việc cùng lắm chỉ được coi là "nhàn rỗi", chứ không nên tính là "nghỉ hưu sớm". Trong mọi trường hợp, bạn vẫn cần tìm cho mình điều gì đó yêu thích hoặc đam mê thì cuộc sống mới có ý nghĩa.
"Tự do" thực sự là về mặt thời gian, công việc và tâm trí. Dù bạn không cần đi làm tại một công ty cụ thể, có thể ngủ cho đến khi tự tỉnh giấc mỗi ngày, bạn vẫn có một việc gì đó để đầu óc hoạt động. Việc đó có thể chỉ kéo dài 3-5 giờ/ngày, sau đó, bạn được dành thời gian cho những gì mình quan tâm.
Khi bạn được tận hưởng cuộc sống, bạn mới có động lực để sống.
*Nguồn: Zhihu