Hồng Hải (sinh năm 1994, làm trong lĩnh vực truyền thông) đã cùng chồng mua căn hộ 58m2 ở khu đô thị Ecopark có giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng vào năm 2019. Tại thời điểm đó, vợ chồng cô vay nợ khoảng 50% giá trị căn nhà từ bạn bè và người thân.
“Để bớt áp lực khi trả nợ, mình vay mỗi người một số tiền dao động từ 30 - 50 triệu, cá biệt có thể vay 100 triệu đồng trong trường hợp được cho vay dài hạn. Tại thời điểm vay để chủ động cho cả 2 bên, mình làm rõ thời hạn trả nợ với từng người. Mình lưu cụ thể trong danh sách theo dõi, người nào cho vay 2 - 3 tháng hay dài hạn để tiến hành trả nợ. Đồng thời, tụi mình sẽ dặn bạn bè sẽ nhắc đòi trước 1 tháng nếu họ cần”.
Điều này cũng giúp vợ chồng Hồng Hải tránh được những xích mích khi vay nợ người quen. “Mình có một mẹo nho nhỏ, những người cho chúng ta vay tiền rất đáng trân trọng, thi thoảng cũng nên hỏi thăm mọi người hoặc quan tâm trong những dịp đặc biệt. Vợ chồng mình duy trì thói quen đó, cũng nhờ vậy trong những lần cần huy động tài chính thường dễ hơn”.
Bởi vì Hồng Hải và chồng có thu nhập ổn định, trung bình 1 - 2 tháng sẽ chi trả được một khoản nợ nhỏ cho một người. Riêng các dịp Tết, có một khoản thưởng khá khá, cộng dồn trung bình được 4 - 5 tháng lương. Dịp này vợ chồng cô sẽ tranh thủ trả những khoản lớn như 100 triệu đồng.
Hồng Hải
Bên cạnh đó, việc mua nhà dẫn tới khá nhiều sự thay đổi trong cách chi tiêu của vợ chồng Hồng Hải. Khi nhận lương hàng tháng, cô sẽ chủ động trích một khoản tiền ưu tiên trả nợ hoặc gửi sẵn vào sổ tiết kiệm để tránh bị “lấn sang". Sau đó, trích phần tiền chi trả sinh hoạt cố định, còn lại mới dùng cho chi tiêu cá nhân. Chính từ việc phân chia thành các quỹ cố định đó dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng.
Mặt khác, thời điểm mới mua nhà, do dồn tiền chi trả nợ nên khoảng nửa năm đầu gia đình Hồng Hải không ưu tiên nội thất vì nghĩ đơn giản nhà chỉ để ngủ. Vì vậy, vợ chồng cô mua đơn lẻ ghế - bàn và tự trang trí theo sở thích. Tuy nhiên, do không có kỹ năng về thiết kế và định hình mỹ thuật nên căn nhà không có sự ấn tượng. Sau này phần chi phí mua đơn lẻ coi như bỏ phí vì phải làm lại nội thất tổng thể, không thể tái sử dụng.
“Sau này, khi chi phí trả nợ bớt đi, mình tập trung làm thay đổi không gian sống và có thuê đơn vị thiết kế hỗ trợ. Với chuyên môn, đơn vị thiết kế nhận đề bài và sẽ đưa ra các phương án tối ưu nhất cho căn nhà của mình. Mình đã chi khoảng 150 triệu đồng cho nội thất".
Về phong cách, do căn nhà có diện tích nhỏ xinh, và vợ chồng còn trẻ, cô ưu tiên Scandinavian (phong cách nội thất Bắc Âu). Theo đó, thiết kế nhà chú trọng đến sự tối giản vừa đủ, đảm bảo tiện nghi nhưng vẫn dành có không gian sống thoáng mát. Phong cách này cũng chú trọng tạo ấn tượng bởi màu sơn, hoặc một số chi tiết trang trí như đèn, tranh, kệ treo tường,...
Không gian nhà vợ chồng Hồng Hải
Theo Hồng Hải có 2 tiêu chí để cân nhắc mua nhà: tài chính và độ tuổi. Xét về tài chính, nếu như đã có sẵn một khoản tiền khoảng 50% giá trị căn hộ, và nguồn thu nhập ổn định, bạn hoàn toàn có thể vay nợ để sở hữu căn nhà.
Riêng với vay ngân hàng, cô cho rằng mọi người nên cân nhắc kỹ về phương án tài chính như số vốn vay, thời hạn, lãi suất phải trả hàng tháng. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ từ những người từng đi vay trước, không nên tin hoàn toàn vào tư vấn viên. Thu nhập trừ số nợ cần phải trả một tháng mà vẫn còn một khoản chi phí đảm bảo tiêu dùng ở mức tối thiểu, dự trù tình huống xấu, đó là công thức an toàn để mua nhà.
Về độ tuổi, mọi người ở ngưỡng 27 tuổi nên xem xét dần về vấn đề mua nhà. Nó sẽ trở thành một cột mốc quan trọng thay đổi rất lớn nhận thức, hành vi. Sở hữu tài sản lớn cũng giúp chúng ta trách nhiệm hơn trong vấn đề chi tiêu tài chính, là nhân tố thúc đẩy bạn phải đảm bảo tính ổn định trong sự nghiệp. “Ở ngưỡng 27 tuổi, đó là khi bạn đã đi làm khoảng 5 năm có một chút tích lũy trong tài chính, sự nghiệp đã được định hình. Vấn đề tương lai cũng đã được dự trù một cách cụ thể nên quyết định sẽ ít sai lầm hơn”.
Khi mua tài sản lớn, Hồng Hải có 2 điều muốn chia sẻ trên khía cạnh tài chính. Đầu tiên, đừng nên vì thiếu tiền mà cho rằng bản thân thiếu lựa chọn tốt. Nếu mua một sản phẩm dù đang thiếu tiền, mọi người nên cân nhắc về tính lâu dài. Với nhà tối thiểu 10 năm. Với xe cộ, vật dụng tối thiểu 5 năm.
Thứ hai là câu chuyện vay mượn. vIệc vay nợ người thân sẽ giúp bạn không mất lãi, nhưng sẽ bị động vì mọi người có thể đòi bất cứ lúc nào. Bạn cũng nên tính toán kỹ nếu vay vàng hoặc vay ngoại tệ. Nếu vay, bạn nên thanh toán sớm vì 2 loại hình này thường biến động khá lớn.
Với vay ngân hàng, sau 2 lần vay trả góp mua xe ô tô, Hồng Hải cho rằng mọi người nên tham khảo kỹ về lãi suất. Cần tìm những ngân hàng uy tín, mức lãi suất phù hợp, đọc kỹ hợp đồng về vấn đề biến động lãi suất (trong trường hợp lãi suất thả nổi) và tính toán kỹ thời hạn chi trả.
Nhiều người thường thích vay nợ lâu để tiền trả hàng tháng thấp. Tuy nhiên, cái nên tính là tổng số lãi phải trả/tổng số vốn vay, vì nó sẽ đội giá vào sản phẩm bạn mua. Và điều này sẽ ảnh hưởng tới tiêu chí đánh giá rằng sản phẩm đó có xứng với giá tiền bỏ ra không. Công thức này áp dụng rất tốt nếu bạn đắn đo với việc thuê nhà hay nên mua nhà.