Khi nói đến tuổi 30, số đông thường nghĩ ngay đến hai từ "ổn định". Bởi khi chạm đến cột mốc này, chúng ta được kỳ vọng sẽ có một công việc tốt, lộ trình thăng tiến rõ ràng, thậm chí có nhà và xe. Tuy nhiên, cũng bởi áp lực "phải có một cái gì đó" đã khiến nhiều người trẻ bước sang tuổi 30 chần chừ nộp đơn xin nghỉ việc dù bản thân đã rơi vào tình trạng kiệt sức vì công việc và áp lực cuộc sống.
Còn riêng Phạm Nguyễn Tuyên Hoàng (1993), anh chàng đã không ngần ngại từ bỏ công việc ổn định, có mức lương tốt để dành thời gian cho bản thân. Không dừng lại ở đó, Hoàng còn chọn chuyển về Hà Nội sinh sống sau 4 năm làm việc tại TPHCM để bắt đầu chuỗi những ngày làm điều mình thích ở tuổi 30.
Đây là một trong những câu hỏi mà Tuyên Hoàng nhận được nhiều nhất sau khi quyết định xách balo về lại thủ đô sinh sống. Thậm chí, có chị đồng nghiệp còn trêu Hoàng rằng: "Người ta chỉ có Nam tiến thôi, chứ hiếm ai vào Nam làm việc lại muốn về".
Tuy nhiên, chỉ có Hoàng mới có thể khẳng định chắc chắn: Quyết định nghỉ công việc ổn định, chuyển sang thành phố khác sinh sống ở tuổi 30 không phải là lựa chọn bồng bột.
Tuyên Hoàng
Được biết, Hoàng vào Nam lập nghiệp năm 25 tuổi. Những năm gần đây, anh có nguồn thu nhập tốt từ công việc Art Director (Giám đốc nghệ thuật), nhận làm job freelance bên ngoài và đầu tư chứng khoán. Dẫu để dành được khoản tiết kiệm kha khá nhưng anh lại thấy kiệt sức, do làm nhiều công việc cùng lúc mà không có thời gian dành cho bản thân. Cho đến giờ, Hoàng vẫn đang cho phép mình nghỉ ngơi để hồi phục lại tinh thần.
"Mình chọn nghỉ việc là do thấy môi trường không còn phù hợp. Mình cũng muốn ở cột mốc tuổi 30, bản thân có một khoảng dừng lại để suy nghĩ kỹ hơn về kế hoạch cho 5 năm tới. Quan điểm của mình là: 'Thà chậm một phút chứ không chọn nhầm'. Trước đó, mình còn bị burn out nặng sau 2 năm cày 2 công việc cùng lúc. Cho đến hiện tại, mình vẫn đang loay hoay để tìm cách hồi phục lại tinh thần.
Thực ra, mình đã muốn nghỉ việc từ năm ngoái do nhận ra điều bản thân thực sự muốn làm. Nhưng bấy giờ, mình chưa tích lũy đủ tiền, đồng thời còn một phần trách nhiệm với công ty và sếp cũ nên chưa xin nghỉ", Hoàng nói.
Bên cạnh đó, những năm tháng sống một mình ở TPHCM đã giúp Hoàng nhận ra bản thân coi trọng gia đình như thế nào. Đó cũng là lý do mà Hoàng quyết tâm chuyển về Hà Nội bắt đầu lại từ đầu.
Anh chàng tâm sự: "Sau 12 năm sống xa nhà và 4 năm sống ở TPHCM, mình đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc bên gia đình. Bố mình giờ cũng nghỉ hưu, ngày càng gầy đi vì bệnh tiểu đường.
Đợt cả TPHCM cách ly 2 năm trước, mình không may dính Covid trong khi chưa được tiêm mũi nào. Mình sốt 40 độ trong 1 tuần và phải tự lo cho bản thân. Sau đó, mình nhập viện 1 tháng và tưởng như không qua khỏi được. Lúc đó, ngày nào bố mẹ mình cũng nhắn tin động viên, còn bản thân không dám gọi lại vì mình khó thở không nói được.
Mình nhận ra, vào viện mình cũng đi một mình. Sau này nghe bác mình kể lại mới biết đợt đó ngày nào bố mẹ cũng khóc vì lo, mãi tới ngày mình được cho phép nhập viện mới yên tâm".
Dù sinh sống ở đâu, không duy trì được thu nhập hoặc tài chính kỹ càng thì cuộc sống vẫn bấp bênh. Hoàng hiểu được điều này, do đó anh đã chuẩn bị sẵn số tiền tiết kiệm là khoảng 1 năm tiền lương trước khi chuyển về Hà Nội sống cùng gia đình.
Với những bạn trẻ đang có dự tính nghỉ việc, Hoàng cũng dành lời khuyên: "Tài chính là một yếu tố quan trọng mà bạn nên cân nhắc kỹ. Nó càng cần thiết hơn nếu bạn hoàn toàn tự lập và không có hỗ trợ từ phía gia đình. Do đó, mình nghĩ các bạn không nên nghỉ việc nếu như chưa có kinh tế đủ mạnh.
Cá nhân mình nghĩ nên tích lũy được ít nhất 6 tháng lương mới nên xin nghỉ việc, nhiều hơn càng tốt. Bởi thời điểm này kinh tế suy thoái, tình trạng sa thải nhân sự đang diễn ra và nhiều công ty cũng không tuyển mới nhân sự. Ngoài ra, bạn nên có sẵn mối quan hệ đủ vững để dễ dàng tìm cơ hội việc làm hoặc có nguồn thu nhập thụ động để tránh rơi vào tình cảnh khó khăn sau khi lỡ 'thất nghiệp'".
Trở về Hà Nội, Hoàng xác định muốn sống gần gia đình và làm những điều mình thích để "chữa lành" bản thân sau 4 năm lăn lộn trong TPHCM. Hiện tại, Hoàng chưa vội tìm việc làm mới, chỉ nhận công việc freelancer và đôi khi có thêm tiền lời từ đầu tư chứng khoán. Thời gian còn lại, Hoàng dành để ở bên gia đình, đi du lịch và tham gia khóa học để phát triển bản thân.
Sau 2 tháng nghỉ việc, Hoàng tính đã tiêu hết khoảng 50 triệu đồng. Mà phần lớn khoản chi tiêu đến từ việc anh chàng dùng để "bù đắp" cho tinh thần của bản thân.
"Mình dành 20 triệu để đi du lịch, 2 triệu tham gia học khoa học và workshop dạy kỹ năng. Ngoài ra, mình mất khoảng 5 triệu để đi ăn uống, cafe với mọi người. Còn lại 15 triệu đồng mình dùng để mua thêm đồ cho bản thân. Vì mình vừa chuyển về Hà Nội nên còn cần nhiều đồ dùng khác", Hoàng cho hay.
Hoàng nghĩ người trẻ nên có tài chính đủ vững trước khi xin nghỉ việc
Dẫu chi tiêu khá mạnh tay song Hoàng cho biết bản thân không đặt nặng chuyện tiết kiệm trong giai đoạn này. Ngoài ra, không giống như nhiều người trẻ nghỉ việc ở tuổi 30, anh không ngại bố mẹ lo lắng vì con đang nghỉ ngơi, thay vì lao đầu vào công việc. Thậm chí, bố mẹ Hoàng còn là người khuyên con: "Cứ nghỉ tới khi nào sẵn sàng đi làm lại, không sao cả".
Nói về dự định tương lai, Hoàng cho biết đã dự định tìm công việc phù hợp, trong khi vẫn dành thời gian chữa lành bản thân. Dù có hơi lo ngại về việc "bắt đầu lại từ đầu" nhưng anh tin những thành tích bản thân đạt được trong quá khứ có thể giúp anh thuận lợi tìm công việc phù hợp sau này.
"Thời gian đầu chuyển về Hà Nội, mình thấy cũng hơi tâm lý do đang có thu nhập ổn định mà về lại vạch xuất phát. Thực ra, mình không lo lắng mấy chuyện kinh tế vì khoản tiết kiệm đang có cũng rất ổn cho đợt nghỉ dài này. Thay vào đó, mình lo bản thân không tìm được môi trường phù hợp để phát triển ngoài Hà Nội hơn. Nhưng mình nghĩ profile hiện tại cũng đủ để mình tìm công việc tốt sau này", Hoàng nói.