3 thứ còn khủng khiếp hơn thất nghiệp

S.A, Theo Thanh niên Việt 22:00 16/09/2024
Chia sẻ

Thất nghiệp là một từ đem lại sự ám ảnh kinh hoàng nhưng đôi khi đó chưa phải là tất cả…

Trong thang máy hay những phương tiện công cộng vào buổi sáng, có một hình ảnh ngày càng phổ biến: dân văn phòng xách đồ ăn trưa tự làm đến công ty. Không chỉ để đảm bảo sức khoẻ, đây còn là một cách tiết kiệm chi tiêu hàng ngày.

Trong những cuộc trò chuyện giữa đồng nghiệp, chủ đề cũng thường xoay quanh 2 chữ “thất nghiệp”. Ai nấy đều phải đồng tình rằng năm nay kinh tế khó khăn, thị trường lao động ảm đạm, tìm được công việc ưng ý không hề dễ dàng.

Cơ hội việc làm ít, áp lực cạnh tranh cao, khả năng bị sa thải rình rập, nỗi lo cơm áo gạo tiền,... tất cả như những ngọn núi đè nặng khiến nhiều người nghẹt thở, thất nghiệp càng đáng sợ hơn bao giờ hết. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, so với thất nghiệp còn có những điều kinh khủng hơn.

Không tập trung, nóng vội, thiếu suy nghĩ

Càng ở giữa khủng hoảng, người ta càng có xu hướng tìm kiếm sự an ủi từ những thông tin mới mẻ hay kích thích. Trên đường phố, ở nhà hàng, trong thang máy,... phần lớn mọi người đều cúi đầu vào điện thoại để lướt video ngắn.

Những chiếc video vài chục giây đến vài phút đó đã thống trị cuộc sống của chúng ta. Xem video ngắn giống như nghiện, nếu không có sự kích thích của những video mới, đầu óc của bạn sẽ vô cùng trống rỗng chứ đừng nói đến việc bình tâm suy nghĩ và học hỏi. Và càng lướt, bộ não càng đòi hỏi nhiều hơn nên mới nói một chiếc điện thoại nhỏ cũng có thể làm cả thế giới tê liệt.

3 thứ còn khủng khiếp hơn thất nghiệp- Ảnh 2.

Việc dung nạp thông tin "mì ăn liền", rời rạc trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến người nhận (Ảnh minh hoạ)

Hậu quả của việc đón nhận thông tin nhanh, rời rạc là con người trở nên hấp tấp, vội vã, thiếu suy nghĩ.

Những câu chuyện làm giàu trên MXH, người nổi tiếng tuyên bố mình không cần bất cứ bằng cấp hay kỹ năng nào vẫn có thể kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng,... kích thích mạnh mẽ mẽ tâm trí người xem. Người ta không còn tin vào sự bền vững, không tin vào lao động chăm chỉ có thể làm giàu.

Ở chốn công sở, điều này phần nào thể hiện qua việc nhân viên thiếu kiên nhẫn, thường xuyên nhảy việc. Trong khi đó các sếp lại yêu cầu thời gian hoàn vốn cho các dự án ngày càng ngắn, mới một vài tháng không thấy dòng tiền thay đổi là lại đòi hỏi phương án mới. Những cách kiếm tiền bất chính tràn lan trên MXH, môi trường kinh doanh đầy cạm bẫy,... khiến người ta vô cùng mệt mỏi.

Tư duy bị bó hẹp, lười biếng, lười đổi mới và học hỏi

Trong tình cảnh mọi thứ rối ren, con người đặc biệt thích mơ mộng. Nhất là những người thất nghiệp, họ khó chấp nhận thực tế mình đã bị bỏ lại.

Nhiều người có trình độ học vấn, sau tốt nghiệp thì trúng tuyển vào các công ty lớn rồi tiến đến những cột mốc khác như mua nhà, cưới vợ sinh con. Ngoại trừ những áp lực nhỏ trong công việc hàng ngày, họ không trải qua bất kỳ trở ngại hay thất bại to lớn nào. Chỉ đến khi bị sa thải, họ mới chợt nhận ra rằng vốn liếng công việc mà mình vẫn tự hào bấy lâu nay không đáng một xu.

Họ là nhóm người làng nhàng, không được chống lưng, không cập nhật kỹ năng mới, không có sự liều lĩnh của người trẻ hay người khởi nghiệp, càng không muốn lương thấp hơn ở công ty cũ. Vì vậy mà khi thất nghiệp, cơ hội nghề nghiệp cực kỳ thấp.

Một số người bắt tay vào kinh doanh nhưng lại không hiểu rõ làm chủ tương đương với làm từ thứ 2 đến chủ nhật, làm từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất. Trước đó, họ chỉ đơn giản là quần áo chỉnh tề đi làm, cuối tháng nhận lương nên bây giờ sẽ không dễ để chấp nhận những công việc tay chân vất vả.

Nhưng đáng sợ hơn lười lao động chân tay là lười suy nghĩ. Đó là sự cứng nhắc, không lắng nghe bất cứ quan điểm nào khác với suy nghĩ của mình. Họ cũng không chấp nhận và học hỏi những điều mới. Nếu không cải thiện, mỗi ngày trôi qua đều lãng phí.

3 thứ còn khủng khiếp hơn thất nghiệp- Ảnh 3.

Đáng sợ hơn lười lao động thể chất là là lười suy nghĩ (Ảnh minh hoạ)

Mất khả năng cạnh tranh

Ở Trung Quốc lâu nay có một từ là “tang ping” chỉ trào lưu người trẻ “nằm yên, mặc kệ đời”. Những người này thay vì cạnh tranh, phấn đấu và nỗ lực trong công việc để vượt qua cuộc sống khó khăn thì lại chọn cách nằm dài kệ đời trôi.

Theo quan điểm của những người này, dù họ có cố gắng cả đời đi chăng nữa thì cũng không thể đổi đời, không thể thoát khỏi áp lực bủa vây, thậm chí không thể làm được những điều như bố mẹ đã gây dựng. “Vậy thì tại sao phải lãng phí thời gian vào những việc cạnh tranh vô vọng? Nằm dài và tận hưởng cuộc sống chẳng tốt hơn hay sao?” là suy nghĩ của những người chọn xu hướng “nằm yên”.

Quả thực việc sống ở thành phố đông đúc, phải làm việc quần quật “bán mình cho tư bản”, thuê căn nhà tạm bợ, tiền tiết kiệm cả năm không mua nổi 1m2 nhà,... rất ngột ngạt. Nhưng liệu bạn có thực sự hạnh phúc khi chọn lối sống “nằm yên”? Khi đằng sau hành động đó là việc trốn chạy hiện thực, làm mất giá trị của bản thân, tạo áp lực lên bố mẹ và người thân.

Là một người bình thường, sinh ra trong một gia đình bình thường, chúng ta phải đối mặt với trách nhiệm gia đình, tự lo liệu cho cuộc sống của bản thân. Vì vậy chúng ta chỉ có thể trở nên mạnh mẽ hơn để vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh và nỗ lực làm việc kiếm tiền.

(Nguồn: Baidu)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày