Trong cuộc sống, đôi khi chính cách nuôi dạy con cái của cha mẹ vô tình làm giảm đi khả năng tiềm ẩn của trẻ.
Cô Trần - một người hàng xóm luôn cảm thấy ngưỡng mộ khi nhìn thấy bé Tiểu Hoa. Theo cô, Tiểu Hoa là một đứa trẻ rất thông minh. Dù Tiểu Hoa và con cô học cùng lớp, cùng trường, nhưng sự khác biệt giữa 2 đứa trẻ rất rõ rệt.
Khi làm bài kiểm tra, bài văn của con cô Trần viết rất khuôn mẫu, trong khi bài văn của Tiểu Hoa rất sáng tạo.
Còn khi làm bài toán, những bài toán nâng cao thường khiến con cô Trần nhíu mày, nhưng Tiểu Hoa thì luôn có thể nghĩ ra cách giải khác biệt, hoàn thành bài một cách xuất sắc, đôi khi cô giáo còn nghĩ Tiểu Hoa là một thiên tài.
"Tại sao Tiểu Hoa lại thông minh như vậy, còn con nhà mình thì như khúc gỗ vậy", cô Trần hơi thất vọng và không hiểu nên đã hỏi hàng xóm. Mẹ của Tiểu Hoa cũng không biết phải nói gì, chỉ có thể cười trừ, né tránh câu hỏi khiến cô Trần trăn trở.
Thực tế cho thấy, trẻ em thường có khả năng bẩm sinh rất tốt. Nếu cha mẹ nhận thấy con mình không thông minh, có thể nguyên nhân xuất phát từ chính cách nuôi dạy của họ, làm giảm đi tiềm năng trí tuệ của trẻ.
Những đứa trẻ thông minh thường có 3 "tật xấu" dưới đây, cha mẹ hãy nhanh chóng xem thử con mình có không.
1. Thích phá phách
Con của cô Trần và bé Tiểu Hoa hàng xóm, thực ra khi còn nhỏ đều có thói quen "phá phách".
Ví dụ, 2 bé thích tháo đồng hồ ở nhà ra, lấy son môi của mẹ vẽ lung tung, làm hỏng những món đồ chơi mới mua,...
Thấy con có những hành vi như vậy, cách làm của mẹ bé Tiểu Hoa thường là bình tĩnh đón nhận, còn cô Trần thì thường ngay lập tức sửa sai cho con, cấm con không được phá phách nữa, thậm chí khi con tái phạm thì còn dùng "roi vọt".
Thực ra, phá phách chính là một trong những biểu hiện của sự thông minh ở trẻ nhưng cô Trần không hề hay biết, việc cố tình sửa một số tật xấu đã dẫn đến việc làm mất đi sự thông minh của trẻ.
2. Thích nói "những lời nói dối tốt đẹp"
"Đứa trẻ nói dối không phải là đứa trẻ ngoan", chắc chắn nhiều bậc phụ huynh đều dạy con như vậy.
Đúng là trẻ nói dối không phải là điều tốt, nhưng nói "những lời nói dối tốt đẹp" lại là một trong những biểu hiện của sự thông minh ở trẻ.
Trẻ nói "những lời nói dối tốt đẹp" cho thấy trẻ đã có ý thức về bản thân khá mạnh mẽ, khả năng tư duy logic tốt, tầm nhìn bao quát hơn, có thể nhìn nhận mọi việc ở góc độ cao hơn, đồng thời có một nền tảng kiến thức nhất định, biết được điều gì đúng, điều gì sai.
Chính vì muốn mọi việc trở nên tốt đẹp hơn nên trẻ mới nói "những lời nói dối tốt đẹp".
Con của cô Trần và bé Tiểu Hoa hàng xóm, thực ra khi còn nhỏ đều đã từng làm những việc như vậy. Khi biết con nói dối, mẹ của Tiểu Hoa nhận thấy mục đích ban đầu của con là tích cực nên thấu hiểu con nhiều hơn.
Nhưng khi biết con mình nói dối, cô Trần khăng khăng cho rằng trẻ nói dối là không tốt, dù cho con mình có làm vì mục đích tốt.
Và hành động như vậy đã kìm hãm tư duy của trẻ, khiến trẻ không dám phát huy khả năng của bản thân.
3. Luôn "hỏi tới tấp"
Có khát khao tìm hiểu mạnh mẽ cũng là một biểu hiện quan trọng của sự thông minh ở trẻ.
Ví dụ, khi trẻ gặp một vấn đề nào đó, chúng sẽ hỏi cha mẹ, khi nhận thấy câu trả lời của cha mẹ không thể giải đáp hoàn toàn thắc mắc của mình, chúng sẽ tiếp tục hỏi cho đến khi hiểu rõ.
Khi Tiểu Hoa hỏi mẹ, người mẹ luôn kiên nhẫn giải thích cho con.
Khi được hỏi về con của mình, cô Trần thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. Cô cho biết, nếu chỉ hỏi một vài câu thì không sao, nhưng nếu bị hỏi quá nhiều, cô sẽ cảm thấy khó chịu. Cô nghi ngờ rằng con mình đang cố tình bắt bẻ, thậm chí có lúc cô đã mắng con. Hành động này không chỉ làm giảm đi sự ham học hỏi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ và con.
Sự thông minh là một tài sản quý giá của trẻ em, mở ra cánh cửa cho một tương lai vô hạn. Do đó, việc bảo vệ và phát triển "sự thông minh" bẩm sinh của trẻ là điều cần thiết. Chúng ta cần áp dụng những phương pháp đúng đắn để thúc đẩy sự phát triển này, giúp trẻ em phát huy tối đa tiềm năng của mình.