Có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhiều chuyên gia tin rằng EQ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công và hạnh phúc của một cá nhân giữa tập thể. Bởi chỉ số EQ thấp không chỉ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bị gọi là người EQ thấp hẳn nhiên cũng không phải trải nghiệm vui vẻ gì. Một bật mí hay ho cho bạn là trí tuệ cảm xúc có thể được cải thiện thông qua sự nỗ lực của cá nhân.
Dưới đây là một vài biểu hiện của người EQ thấp. Hãy thử kiểm tra và xem bạn có thuộc một trong những trường hợp sau đây không nhé.
1. Nâng tầm bản thân bằng cách hạ thấp người khác
Tôi vẫn nhớ từng đọc một câu chuyện về cô nữ sinh năm nhất tạm gọi là A. Trong ngày nhập học, vì A lần đầu lên thành phố và chưa biết nhiều về làm đẹp, cô bạn ăn mặc chưa hợp thời trang. Vừa gặp A, cô bạn cùng phòng B nói: "Nhìn cậu giống như không biết ăn mặc nhỉ? Chẳng bằng chúng mình từ nhỏ đã quen dùng hàng hiệu".
Dù không trực tiếp nói lời chê bai, nhưng ai nghe cũng hiểu, B đang buông lời chê bai A. Ngoài ra, từ cách nói chuyện với A, B cũng đang phát "tín hiệu" rằng cô muốn khoe khoang về bản thân.
Dìm đối phương để nâng tầm bản thân không khiến giá trị nội tại của bạn cao lên chút nào đâu (Ảnh minh hoạ)
Tiếp nối câu chuyện, chỉ sau một thời gian ngắn sống chung, không chỉ A mà cả những người bạn cùng phòng đều xa lánh B vì họ đều cho rằng B không biết cách tôn trọng và lắng nghe người khác. Một người bạn khác còn cho rằng thực chất B là người thiếu tự tin nên cô nàng này mới thường xuyên luôn buông lời chê bai người khác để đề cao bản thân.
Có thể thấy, trường hợp của B là một trong ví dụ rõ ràng nhất của người có EQ thấp. Hãy nhớ việc thích dìm đối phương để nâng tầm bản thân không khiến giá trị nội tại của bạn cao lên chút nào đâu. Hơn nữa, đây còn là cách để bạn kéo dài khoảng cách giữa hai người, giảm thiện cảm về bạn trong mắt người khác xuống thấp.
2. Ngắt lời đối phương
Người xưa có câu "Có người nói phải có người nghe". Điều này còn được hiểu rằng ai cũng muốn phát biểu quan điểm và nhận lại sự lắng nghe thiện chí từ đối phương.
Một lời được nói ra là cách để họ bộc lộ cảm xúc cá nhân và phần nào tính cách với thế giới. Khi đang nói dở dang, nếu như họ bị cắt lời thì sẽ nảy sinh cảm giác bị thiếu tôn trọng, tệ hơn là nghi ngờ năng lực bản thân. Đổi lại phía bạn, bạn có muốn câu chuyện của bản thân bị cắt ngang khi còn chưa nói hết quan điểm?
Đổi lại phía bạn, bạn có tìm thấy "động lực" nào để tiếp tục nói chuyện với người thích ngắt lời mình không? (Ảnh minh hoạ)
Thực tế, có không ít người lên tiếng thanh minh về hành động EQ thấp của mình. "Tôi không cố ý cắt ngang nhưng anh ta nói chuyện quá chán", "Đối phương nói dài dòng, tôi cần đẩy nhanh tốc độ hội thoại còn đi làm việc khác"... Nghe có vẻ cũng hợp lý đấy, nhưng sự "hợp lý" này chỉ đến từ phía bạn mà thôi.
Thay vì ngắt lời đối phương, hãy dùng cách nói chuyện lịch sự hơn. Chẳng hạn như: "Tôi đang có công việc gấp, chúng ta có thể nói thẳng vào chủ đề chính được không?", "Tôi xin lỗi, tôi nghĩ chúng ta có thể trao đổi về vấn đề này theo chiều hướng khác"... Giờ đây, bạn vừa nói ra quan điểm cá nhân mà còn không ảnh hưởng bầu không khí giữa hai bên.
3. Không chịu học hỏi
Người thông minh luôn biết cách bày tỏ quan điểm cá nhân nhưng trên tinh thần xây dựng, học hỏi và tiếp thu cái mới, khiến người đối diện thấy dễ chịu. Nhưng người EQ thấp thường cãi đến cùng, phủ nhận hoàn toàn ý kiến của người khác.
Tự tin là đức tính tốt, thế nhưng tự tin đi kèm với lạc quan mù quáng chỉ ngăn cản bạn tiến về phía trước. Thay vì giữ thái độ bảo thủ, bạn hãy cân nhắc kỹ xem lời khuyên của đối phương có phù hợp với bản thân hay không, từ đó có sự điều chỉnh bản thân nếu cần thiết.
Một "mẹo sinh tồn" bạn cần nhớ là hãy luôn giữ thái độ cầu thị, cập nhật kiến thức, kỹ năng và không ngừng học hỏi từ người đi trước. Điều này không chỉ giúp bạn được lòng mọi người mà còn dễ dàng gặt hái thành quả trong sự nghiệp và cuộc sống.