Theo báo cáo của tổ chức Oxfam, 2018 là một năm mà người giàu ngày càng giàu lên, trong khi người nghèo ngày càng nghèo đi. Chỉ cần 1% số tiền nộp thuế của những người giàu, ước tính khoảng 418 tỷ USD/năm có thể đủ để cung cấp giáo dục cho những đứa trẻ không được đến trường và cung cấp chăm sóc y tế ngăn ngừa 3 triệu người chết mỗi năm.
Theo báo cáo của tổ chức Oxfam, 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đang sở hữu tổng tài sản tương đương với 3,8 tỷ người nghèo nhất hành tinh. Ảnh: Bloomberg
Oxfam cũng cho biết, tài sản của hơn 2.200 tỷ phú trên toàn cầu đã tăng thêm 900 tỷ USD trong năm 2018, tương đương với 2,5 tỷ USD/ngày. Trong khi số tài sản của những người giàu nhất thế giới tăng 12% thì của những người nghèo lại giảm 11%. Báo cáo này còn kết luận rằng số lượng tỷ phú sở hữu tài sản tương đương với một nửa dân số thế giới đã giảm từ 43 năm 2017 xuống còn 26 năm 2018. Năm 2016, con số này là 61.
Bên cạnh đó, trong 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng gần gấp đôi. Từ năm 2017 - 2018, cứ 2 ngày lại có 1 tỷ phú mới. Tài sản của người giàu nhất thế giới Jeff Bezos - người sở hữu Amazon đã tăng lên tới 112 tỷ USD. Chỉ 1% tài sản của Jeff Bezos đã bằng với toàn bộ ngân sách y tế của Ethiopia - quốc gia có 105 triệu người.
Giám đốc các chiến dịch và chính sách của Oxfam, Matthew Spencer nhận định: "Sự sụt giảm đáng kể số người sống trong đói nghèo là một trong những thành tựu lớn nhất trong thời gian qua, nhưng việc gia tăng sự bất bình đẳng lại đang hủy hoại tiến trình này".
"Cách các nền kinh tế đang vận hành cho thấy sự giàu có ngày càng tăng lên nhưng lại chỉ tập trung vào một số người nhất định, trong khi hàng triệu người khác đang phải sống với mức sống tối thiểu. Những người phụ nữ chết vì không được chăm sóc sức khỏe bà mẹ đúng cách và trẻ em không được đến trường để thoát khỏi đói nghèo. Không ai đáng bị chỉ trích vì họ chết trẻ hoặc mù chữ đơn giản bởi vì họ sinh ra đã nghèo cả".
Báo cáo này cho biết nhiều chính phủ đang khiến sự bất bình đẳng tồi tệ hơn khi không đầu tư hợp lý vào các dịch vụ công. Theo đó, năm 2018 có khoảng 10.000 người chết vì thiếu các điều kiện chăm sóc y tế, trong khi 262 triệu trẻ em không được đến trường, thường là bởi cha mẹ của chúng không đủ tiền để chi trả học phí, đồng phục và sách giáo khoa.