23 ban thờ lập vội và nỗi ám ảnh của những người "trở về từ cõi chết" AN YÊN
Chị Phượng vẫn không tin chồng đã ra mãi ở lại với biển mênh mông
Giữa trưa, tôi lên xe vượt gần 100km từ thành phố Quy Nhơn về làng biển Hoài Hải (Bình Định). Con đường nhỏ và nhấp nhô. Đường bờ biển với những con dốc thoai thoải, nhiều cây cối khiến đoạn đường đi khá dễ chịu. Chỉ có điều, cơn mưa lất phất phủ làng chài nghèo, đủ để một "khách lạ" như tôi thấm lạnh.
Bão số 9 đi qua được gần 2 tháng nhưng nhiều xóm chài tại xã Hoài Hải vẫn phủ một màu u ám, buồn đến buốt lòng. Cách đây mấy ngày các gia đình của 23 ngư dân mất tích đã làm lễ 49 ngày cho người thân.
Anh Việt, một ngư dân làng Hoài Hải đôi mắt trĩu buồn: "Từ sau cơn bão số 9 tới giờ, làng biển thỉnh thoảng lại vọng tiếng khóc nỉ non của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Nghe mà như đứt từng khúc ruột".
Ông La Ngọc Ửng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã dẫn chúng tôi tới nhà anh Võ Ngọc Đô (41 tuổi, xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn) - thuyền trưởng của một trong 2 con tàu gặp nạn trong bão số 9. Căn nhà nhỏ xíu, cũ kỹ dựng trên nền đất sỏi. Bên trong, căn nhà trống huơ trống hoắc. Ngoài chiếc bàn cũ kĩ, những chiếc ghế hễ có người ngồi là xiêu vẹo, phát ra tiếng cọt két. Bàn thờ anh Đô đặt giữa nhà, vẫn nghi ngút khói hương.
Mắt đỏ hoe, chị Huỳnh Thị Phượng, vợ anh Đô có lẽ chưa bao giờ thôi khóc. Đến lúc này, chị vẫn không thể tin nổi chồng mình một đi không trở về. Ngồi sát bên cạnh, mẹ anh Đô vừa khóc vừa lẩm bẩm gọi tên con.
Thỉnh thoảng, bà đưa tay lên đấm ngực thuỳnh thuỵch: "Tôi chỉ muốn đi theo nó luôn… Giờ nó đi rồi…Lạnh lẽo đói khát giữa biển mênh mông… Biết lúc nào mới quên con được".
Người xưa nói, mất người mất của thật chẳng sai. Gia đình chị Phượng sinh được 3 người con, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Cách đây vài năm, anh chị sắm được chiếc tàu cá nhưng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Trắng tay, một mình anh Đô chăm chỉ làm thuê, nuôi 3 con ăn học. Gần đây, 2 vợ chồng đầu tư vay mượn 2 tỷ đồng đóng con tàu gỗ, chưa trả nợ được bao nhiêu thì tai họa ập đến.
Ông Võ Phòng (75 tuổi) bố anh Đô cho biết, anh Đô là em trai thứ 5 trong nhà có 8 anh em: "Thằng Đô là trụ cột trong nhà, là con trai lớn có trách nhiệm nuôi cha mẹ già, thờ ông thờ bà. Rồi nuôi mấy đứa nhỏ ăn học. Vợ nó bị đau lưng cũng không làm gì được, đói khổ giàu có gì cũng nhờ nó thôi. Nhưng bây giờ coi như là mất trắng hết. Con dâu không có nghề nghiệp làm sao thay chồng nuôi con cái, rồi biết lấy tiền đâu mà trả nợ?".
"Gia đình vùng biển, mỗi tháng vợ gần chồng, con được vui vẻ bên cha chỉ đếm bằng đầu ngón tay. Chồng đi đầu tháng thì giữa tháng là về, cả nhà lại được quây quần vài ngày. Giờ đây, ngày này, tháng nọ, năm qua, vĩnh viễn tôi không còn thấy chồng sau mỗi chuyến biển, thực tế đau xót này tôi chưa thể chấp nhận", chị Phượng nghẹn ngào.
Tôi thở dài, thắp cho anh một nén hương, cúi chào người đàn ông tôi chưa từng gặp.
Ông Võ Phòng (75 tuổi) bố anh Đô
Với những người phụ nữ vùng biển, họ phải quen với cảnh chồng quanh năm lênh đênh trên những con tàu, đối diện bao bất trắc bởi con cá con tôm không chỉ đem lại miếng cơm manh áo cho gia đình. Sự hiện diện của ngư dân cùng con tàu là cột mốc sống trên biển. Mỗi lần chồng ra khơi là cả trái tim, tâm hồn họ treo lửng lơ theo những cột buồm… họ lặng thầm chịu đựng, lặng thầm chăm lo tốt cho gia đình để chồng con yên tâm vươn khơi bám biển. Bao vất vả, nhọc nhằn họ không quản, chỉ cầu sóng yên bể lặng để được đón chồng con trở về, đoàn tụ mỗi trăng.
Toàn xã Hoài Hải có khoảng gần 2000 hộ thì 90% người dân sống bằng nghề biển. Bởi vậy, câu chuyện tàu cá bị chìm, ngư dân mất tích là câu chuyện lặp đi lặp lại, năm nào cũng xảy ra ở các làng chài Hoài Nhơn. Nhưng, chuyến tàu BĐ 97469 mãi mãi là ký ức kinh hoàng nhất.
Ảnh minh họa
Tàu cá BĐ 97469 TS bị bão biển nhấn chìm, 14 ngư dân rơi xuống biển, 2 ngư dân bị sóng vùi chết tức tưởi, 4 ngư dân bơi mất tích, còn 8 ngư dân vớ được thanh ván giành giật sự sống trước sóng dữ. Giữa cơn sóng biển hung hãn, có 3 ngư dân cầm trụ được trong 48 giờ đồng hồ và được 1 tàu hàng đến cứu sống trong gang tấc như một phép màu kỳ diệu là anh Võ Văn Hoài (35 tuổi, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải), Lê Minh Don (20 tuổi) và Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi, cùng ở thôn Diêu Quan, xã Hoài Hải).
Sau hơn một tháng được về với vòng tay gia đình, thì anh Phi hiện bị di chứng nặng nhất, đến giờ tinh thần anh vẫn còn hoảng loạn. Theo lời kể của người làng Diêu Quang, anh Phi bẩm sinh bị bệnh tim, còn cha anh thì bị di chứng từ chiến trường Campuchia trở nên khờ khạo. Mẹ bỏ cha con Phi từ nhỏ, một mình ông Phương đi xin ăn, đốn củi để nuôi con khôn lớn… Giờ đây, khi con trai trở về, hình hài thì nguyên vẹn nhưng tâm trí hoảng loạn, ông Phương cặm cụi đi xóm trên làng dưới xin từng đồng bạc lẻ lay lắt sống qua ngày.
Anh Võ Văn Hoài - một trong 3 ngư dân sống sót trở về chưa nguôi ám ảnh về tai họa kinh hoàng
Còn anh Võ Văn Hoài, mỗi lần kể lại những ngày kinh hoàng khi lênh đênh trên biển, chứng kiến những người thân dần dần bỏ cuộc, ánh mắt anh thất thần, đôi lúc ánh lên vẻ sợ hãi.
"Khi nhận được tin bão số 9 rất mạnh, lúc này tàu đã đánh bắt được 12-13 tấn cá ngừ đại dương nên anh Đô quyết định chạy về luôn. Chúng tôi chạy né xuống phía tây nam, nghĩ thoát khỏi bão, nào ngờ... lúc tàu bị phá nước, mọi người lo tát nước cứu tàu, đến khi không cứu được nữa, tàu cứ thế chìm dần, chìm dần. 14 người trên tàu trôi dạt thành 2 nhóm. Lúc ấy, thuyền trưởng Đô cùng với 3 người khác bị thất lạc mất tích. Tôi cùng với 7 ngư dân khác vớ được 1 chiếc bình gas không và thanh ván, cầm trụ giữa sóng biển dữ dội.
Trời mưa lớn, chúng tôi lúc đó bị sự sợ hãi lấn át cái lạnh. Anh em chúng tôi bám trụ trên thanh ván động viên nhau phải cố gắng hết sức để sống sót. Nhưng rồi từng người kiệt sức bị biển nhấn chìm. Những người còn lại đói quá thì gặm những miếng xốp, uống nước biển để cầm cự.
Hơn 1 ngày đêm sóng gió quăng quật, ông Sinh (51 tuổi, người lớn tuổi nhất trong số 14 thuyền viên bị nạn) là người buông tay đầu tiên. Và trong đêm đó, lần lượt Tẹo, Tín… cũng buông tay khỏi tấm ván. Chúng tôi đứt ruột đứt gan nhìn từng anh em bạn thuyền, có cả người bà con ruột thịt của mình, lần lượt ra đi mà bất lực. Tôi ám ảnh mãi với lời trăng trối của từng anh em trước khi thả tay chìm vào biển. Ông Sinh thì nói: 'Chú kiệt sức rồi, cho chú 'về' với vợ con thôi. Nhắn giúp với vợ chú cố gắng sống tốt làm chỗ dựa cho con cái'. Những người còn lại đều nhắn gửi gia đình đừng buồn, cố gắng sống tốt, ở nơi nào đó linh hồn họ sẽ phù hộ…
Ngày cuối cùng được tàu hàng cứu vớt (29/10 - PV) chúng tôi còn 4 người, nhưng trước đó Huỳnh Long Hoài (20 tuổi - PV) kiệt sức, nói rằng 'lạnh lắm, tao xin về trước để gặp ba mẹ đây!'. Rồi Hoài thả tay, chìm xuống biển mất tích." - Hoài bị biển nuốt trong sự bất lực của 3 người còn lại. Vài giờ sau khi Hoài buông tay thì chúng tôi được một tàu hàng cứu vớt…", anh Hoài khóc, anh bảo sau chuyến đi biển kinh hoàng đó anh chưa dám kể lại mọi chuyện với ai bởi đó là một ký ức có lẽ sẽ ám ảnh anh cả đời.
Biết đi biển đối mặt với bao hiểm nguy nhưng không đi biển thì biết lấy gì mà sống? Có những người gặp nạn trên biển may mắn được cứu sống sau đó vì ám ảnh nên lắc đầu kiên quyết bỏ nghề. Nhưng sau một thời gian nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng mà lại phải ra khơi. Con cái lớn lên vì cái nghèo mà không được học tới nơi tới chốn lại theo nghề đi biển của cha. Năm nay bão về liên miên, tàu không ra khơi đánh bắt được nên cuộc sống của ngư dân đã khó càng thêm khó khăn.
Hoá ra cuộc đời của con người cũng không giản đơn như người ta thường nói, không phải ai cũng đủ may mắn để trải qua câu chuyện "sinh, lão, bệnh, tử" như ai đó vẫn thường thủ thỉ vào tai nhau. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhiều khi ta chỉ biết lặng nhìn những thương yêu ra đi mà bất lực không thể làm được gì.
Chào tạm biệt những người dân làng chài, tôi bắt chuyến xe muộn đề về lại thành phố. Hình ảnh những căn nhà xác xơ bé xíu, vợ con anh Đô ôm nhau khóc, người mẹ già mắt chưa khô xa dần, nhưng cứ quẩn quanh…
"Bao thân thể dập dình biển mặn
Tiếng kêu gào thưa vắng trong đêm
Nguyện cầu theo lớp sóng chìm
Máu hoà bọt nước,thân mềm vụn xương"
Đời ngư dân/ Dương Tuấn…